Bỗng dưng bị "khủng bố" vì những món nợ... không vay

(Baohatinh.vn) - "Chúng tôi là nhân viên ngân hàng, nếu không trả nợ sẽ bị gửi đến cơ quan công an để khởi tố"; "Đây là cơ quan công an, viện kiểm sát yêu cầu ông bà có mặt ở nhà để cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám nhà"... là những tin nhắn "khủng bố" đòi các khoản nợ "từ trên trời rơi xuống" mà không ít người dân Hà Tĩnh đang khổ sở đối mặt mỗi ngày.

Khốn khổ vì những món nợ... không vay

Từ hơn 2 tháng nay, điện thoại của chị N.N.O (thị trấn Nghèn, Can Lộc) liên tiếp nhận được tin nhắn và cuộc gọi yêu cầu trả tiền cho ngân hàng.

"Nhân viên bộ phận quản lý nợ của một công ty tài chính liên tục gọi vào số điện thoại di động của tôi. Họ gọi hằng ngày, có ngày gọi 6-7 lần bất kể giờ giấc, không trừ thứ 7, Chủ nhật. Họ hỏi tôi rằng có liên quan hoặc biết người nào có tên là Lê Thị Mỹ H. hay không. Theo suy đoán của tôi, chị H. là khách hàng của công ty tài chính này nhưng không trả được nợ và đã bỏ trốn không liên lạc được. Dù tôi đã giải thích nhiều lần với nhân viên đó là tôi không quen biết chị H. kia nhưng họ vẫn không buông tha"- chị O. bức xúc.

Bỗng dưng bị “khủng bố” vì những món nợ... không vay

Gần đây, rất nhiều người dân Hà Tĩnh bị đe dọa, đòi những món nợ mà họ không hề vay

Tương tự, anh H.N.K (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) lại dính vào món nợ "trời ơi đất hỡi" từ một người bạn cấp 2. Theo anh K, từ ngày 3- 21/8, anh liên tục nhận được tin nhắn đòi nợ từ các số điện thoại khác nhau. Nhân viên quản lý từ dịch vụ cho vay tài chính online Sago có thông báo rằng một người bạn của anh vay tiền tại dịch vụ này và lấy số điện thoại của anh K. làm số tham chiếu để công ty liên hệ trong trường hợp không liên lạc được với người vay. Khi bị nhân viên đòi nợ gọi điện quấy rầy liên tục thì anh mới "vỡ lẽ".

Anh K. khổ sở: "Họ nhắn tin, gọi điện liên tục cho tôi báo rằng hồ sơ vay tiền của bạn tôi có dấu hiệu lừa đảo, yêu cầu phải thanh toán ngay. Họ yêu cầu người có tên trong hợp đồng và các cá nhân liên quan phải có mặt tại công an phường để làm việc trực tiếp, cố tình chống đối sẽ bị bắt giữ hoặc dọa sẽ "truy nã toàn quốc". Chặn hết số này, thì họ gọi số khác để "tra tấn", không thể nào chịu nổi!".

Bỗng dưng bị “khủng bố” vì những món nợ... không vay

Những tin nhắn với nội dung triệu tập, đe dọa như thế này đang gây bức xúc, hoang mang cho người dân

Không chỉ bị gọi điện đe dọa với phương thức trên, chị B.T.T.N (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) còn bị các đối tượng lạ mặt "khủng bố" bằng cách dùng hình ảnh trên trang cá nhân của chị ghép với những hình ảnh dung tục, bậy bạ và tung lên mạng xã hội.

Chị N. cho biết: "Họ khủng bố liên tục cả trên điện thoại, mạng xã hội, thậm chí làm phiền đến bố mẹ, chồng tôi để buộc tôi trả khoản nợ mà tôi không hề vay và thúc giục một người tên Nam (là người quen của chị N. đã vay nợ nhóm đối tượng đó - PV) trả nợ. Gia đình chúng tôi rất mệt mỏi khi ngày nào cũng bị "khủng bố" như thế này."

Bất an nhưng không biết kêu ai

Liên quan đến những câu chuyện này, nhiều người dân không giấu nổi sự khổ sở, bức xúc vì những phiền toái "oái ăm" từ các món nợ không vay. Vì không muốn bị "dội bom" điện thoại, một số nạn nhân đã yêu cầu nhân viên quản lý công nợ cho gặp người có thẩm quyền thì được hướng dẫn liên hệ với số điện thoại đường dây nóng của công ty tài chính để giải quyết. Tuy nhiên, tình trạng chung vẫn là chủ nợ chưa thanh toán tiền ngày nào thì những nạn nhân "bất đắc dĩ" vẫn tiếp tục bị uy hiếp, dằn mặt, đe dọa từ cấp độ nhẹ đến xúc phạm danh dự ngày ấy.

Bỗng dưng bị “khủng bố” vì những món nợ... không vay

Các khoản vay tiêu dùng được giải ngân với điều kiện lỏng lẻo đã phát sinh nhiều hệ lụy cho xã hội. Ảnh: Thu Cúc

Trao đổi về hiện tượng người dân liên tục bị "truy nã" đòi nợ các khoản mà họ không vay, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, kiểu đòi nợ tưởng chừng có hệ thống nhưng không khác gì cách hành xử xã hội đen. Nguyên nhân chính là các khoản vay tiêu dùng đang được giải ngân với điều kiện lỏng lẻo, chỉ cần có thông tin, số điện thoại người có liên quan là được vay, không yêu cầu giấy tờ đảm bảo. Từ sự dễ dãi trong chính sách cho vay, hồ sơ duyệt vay khiến phát sinh nợ xấu, con nợ bỏ trốn là điều khó tránh khỏi.

Điều đó dẫn tới việc phía cho vay sử dụng các biện pháp đòi nợ mạnh tay kiểu liên tục "khủng bố" những người quen của con nợ để nạn nhân vì mệt mỏi, hoang mang mà trả khoản nợ không vay hoặc thúc giục con nợ trả nợ.

Bỗng dưng bị “khủng bố” vì những món nợ... không vay

Dù cơ quan chức năng đã xử lý mạnh tay với dịch vụ tín dụng đen nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân "sập bẫy" (Trong ảnh: Cơ quan chức năng khám xét Công ty An Tín ở số 59 đường Lý Tự Trọng, TP Hà Tĩnh vào tháng 11/2018)

Hơn nữa, hiện nay chưa có quy định chặt chẽ về nguyên tắc đòi nợ, đặc biệt là chưa có các quy định rõ về trách nhiệm của người thân, người liên quan nên nạn nhân của những màn đòi nợ "bất chấp" như thế này vẫn đang khổ sở vì không biết kêu ai.

Trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh, Luật sư Phan Văn Chiều (Văn phòng Luật sư An Phát - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: "Hiện nay, đã có dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó, có sửa đổi điểm đ Khoản 2 Điều 7 của thông tư quy định công ty tài chính không được bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính..."

Bỗng dưng bị “khủng bố” vì những món nợ... không vay

Luật sư Phan Văn Chiều (bên phải) trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh

Tuy nhiên, trước khi dự thảo có hiệu lực thì người dân nên tự bảo vệ mình bằng cách nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật để không bị mắc bẫy những màn đòi nợ kiểu này. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo mật hình ảnh, thông tin cá nhân để tránh hệ lụy không đáng có.

"Nạn nhân nên trình báo công an địa phương khi bị đe dọa, uy hiếp. Trong trường hợp nạn nhân bị đối tượng đòi nợ sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân để lăng nhục, xúc phạm danh dự thì có thể phản ánh đến Sở Thông tin- truyền thông để được bảo vệ hoặc có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật" - Luật sư Phan Văn Chiều thông tin thêm.

Chủ đề Tin dụng đen

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast