Nỗi lo từ xe đạp điện (Bài 2): Câu chuyện quản lý

(Baohatinh.vn) - Có nhiều nguyên nhân khiến xe đạp điện (XĐĐ) tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, trong đó có vai trò quản lý, giáo dục của các cơ quan chức năng và gia đình, xã hội. Cần phải có góc nhìn thấu đáo để giải quyết dứt điểm, hạn chế được hiểm họa này trước khi quá muộn.

>>Nỗi lo từ xe đạp điện (Bài 1): Như... nấm sau mưa!

Bát nháo thị trường, bỏ rơi chất lượng

“Có cầu thì có cung”, chỉ trong khoảng vài năm trở lại đây, thị trường XĐĐ trên địa bàn Hà Tĩnh trở nên sôi động, các điểm bán XĐĐ thi nhau mọc lên. Chỉ tính riêng địa bàn thành phố đã có 8 cơ sở kinh doanh, trong đó phải kể đến những cửa hàng lớn như Mai Hương (SN 21, đường Phan Đình Phùng), Công ty CP TM Mitraco (số 2, đường Vũ Quang) có hàng trăm chiếc XĐĐ với đủ chủng loại. Có rất nhiều loại XĐĐ gồm nhập khẩu nguyên chiếc, liên doanh, lắp ráp trong nước với giá bán từ 8-12,5 triệu đồng.

Nỗi lo từ xe đạp điện (Bài 2): Câu chuyện quản lý ảnh 1
Năm học 2013-2014, ngành Giáo dục chỉ mới phối hợp với Công an thành phố tổ chức 3 buổi nói chuyện chuyên đề về luật giao thông cho gần 350 em

Điều đáng nói là tại các cửa hàng, thậm chí trong cùng một điểm, giá bán cùng một loại xe chênh lệch từ 500.000 - 2 triệu đồng. Anh Lê Đình Hải - quản lý cửa hàng Mai Hương cho biết: Sở dĩ có sự chênh lệch là do các loại xe cùng một mẫu mã nhưng có thương hiệu khác nhau. Đặc biệt, nhiều đại lý bán XĐĐ không có nguồn gốc, xe lậu hoặc nhập linh kiện về tự lắp ráp nên giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Trong vai khách hàng, chúng tôi được anh V. bán XĐĐ tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh vồn vã đón tiếp. Cùng chiếc xe được gọi là “Bò điên” loại 1 yên, bánh béo ở đây có giá 10,4 triệu đồng, trong khi ở cửa hàng khác là 11 triệu đồng. Trong cùng dãy xe “Bò điên”, V. còn chỉ ra mấy chiếc có giá 9 triệu đồng. Thấy tôi thắc mắc, V. thủng thẳng: Tiền mô, thịt đó, hơn nhau cái phụ kiện cả thôi. Tuy nhiên, cố quan sát, tôi vẫn không thể phân biệt được cái sự khác về phụ kiện. Ấm ớ mãi, V. cũng giải thích “rằng thì là… nơi sinh khác nhau” (?!).

Theo quy định tại Thông tư số 39/2013/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về XĐĐ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014, XĐĐ có công suất thiết kế tối đa không quá 25 km/h. Thế nhưng, tại các cửa hàng, những chiếc “Bò điên” đã được gắn đồng hồ đo tốc độ đều ghi 60 km/h. V. cho biết: Mặc dù với các loại xe HKbike, Yamaha, JiLy, Honda… khi sản xuất, người ta đều ghi vận tốc không quá 25 km/h, nhưng công suất thực tế có thể đạt trên 35 km/h. Và để phục vụ nhu cầu của người sử dụng, khi bán xe, các đại lý đều cho cắt bộ phận hạn chế tốc độ. “Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu của lớp trẻ chứ” - V. truyền đạt kinh nghiệm.

Câu chuyện quản lý

Trao đổi với chúng tôi về sự hỗn độn của thị trường XĐĐ, anh Võ Viết Linh - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Trước đây, đơn vị đã kiểm tra và xử phạt 7/8 cửa hàng vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa. Riêng về chất lượng, nguồn gốc, quy chuẩn, chúng tôi vẫn chưa tiến hành kiểm tra được. Sắp tới, Đội Quản lý thị trường số 1 sẽ phối hợp với các ngành tiến hành tổng kiểm tra các đại lý kinh doanh XĐĐ trên địa bàn thành phố”.

Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm tra được chất lượng, nguồn gốc, quy chuẩn của xe đạp điện

Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm tra được chất lượng, nguồn gốc, quy chuẩn của xe đạp điện

Vậy là thị trường chưa được kiểm soát, chất lượng XĐĐ còn bị thả nổi trong khi công tác giáo dục, tuyên truyền cho người sử dụng chưa đi đến đâu khiến nguy cơ gây mất ATGT của những chú “Bò điên” càng thêm phức tạp. Có thể thấy rằng, đối tượng sử dụng XĐĐ phần lớn là học sinh (HS). Tuy nhiên, việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật về giao thông của các trường đang bỏ ngỏ. Với hàng nghìn HS sử dụng XĐĐ ở các cấp THCS và THPT trên địa bàn thành phố nhưng năm học 2013-2014, ngành Giáo dục chỉ mới phối hợp với Công an thành phố tổ chức 3 buổi nói chuyện chuyên đề về luật giao thông cho gần 350 em. “Mà với các em đang tuổi ăn, tuổi chơi, nghe phổ biến, tuyên truyền xong rồi bỏ đó.

Tình trạng HS sử dụng XĐĐ có ý thức chấp hành chưa cao, không biết về luật giao thông là khá phổ biến. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Công an thành phố đã xử phạt 60 HS có hành vi vi phạm khi điều khiển XĐĐ tham gia giao thông. Khi HS vi phạm, chúng tôi đều báo về các trường để có biện pháp răn đe, giáo dục. Các trường cần phối hợp tốt hơn nữa với lực lượng công an trong xử lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho HS” - Trung tá Nguyễn Xuân Đồng, Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố cho hay.

Lời kết

Với những bất cập trong công tác quản lý, giáo dục và thiếu ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển, phương tiện XĐĐ đang là mối đe dọa hiện hữu khi tham gia giao thông. Vì thế, các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ trước khi trang bị phương tiện đi lại cho con em, quan trọng nhất là phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật để các em đủ điều kiện điều khiển XĐĐ an toàn, phát huy tối đa những tiện ích của nó. Có như vậy mới góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, giữ cho dòng chảy giao thông thuận lợi, bình yên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast