Sớm có lời giải cho thuyền chở khách ở chùa Hương

(Baohatinh.vn) - Lâu nay, công tác quản lý, cấp phép vận tải hành khách của các thuyền hoạt động tại bến Chùa Hương (Can Lộc) đang là vấn đề gây tranh cãi và được đem ra bàn bạc khá nhiều giữa các cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa có lời giải thấu đáo.

Do lợi nhuận của nhà thuyền, áp lực về hành khách và sự "cả nể" của lực lượng chức năng nên các chuyến đò tại chùa Hương luôn trong tình trạng quá tải và thiếu an toàn.
Do lợi nhuận của nhà thuyền, áp lực về hành khách và sự "cả nể" của lực lượng chức năng nên các chuyến đò tại chùa Hương luôn trong tình trạng quá tải và thiếu an toàn.

Hiện, trên bến Chùa Hương có 10 thuyền phục vụ hành khách, trong đó có 9 chiếc của hộ ông Lê Công Hồng và một chiếc của BQL Chùa Hương. Qua tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các thuyền đang phục vụ tại bến này đều được đóng tại các xưởng cá nhân, chủ yếu dùng để chuyên chở hàng hóa được ông Hồng mua lại từ người khác và một số ít được ông đặt đóng mới. Do phương tiện được đóng theo kiểu thủ công nên cơ quan kiểm định không có căn cứ để đánh giá, cấp phép và buộc thực hiện theo quy định là chỉ cho phép chở 12 người/lượt. Thế nhưng, thực tế, số lượng khách mà các thuyền chở thường dao động 30 – 50 người/lượt và tình trạng chen chúc nhau lên thuyền xẩy ra khá thường xuyên.

Giải thích cho vấn đề này, ông Nguyễn Công Hồng cho rằng: “Những phương tiện này được gia đình đóng mới hoặc mua lại với mức giá từ 50 - 600 triệu đồng và trước mỗi mùa lễ hội phải đầu tư tu sửa thêm mỗi chiếc khoảng 10 triệu đồng. Do mức đầu tư lớn, thời gian phục vụ lễ hội mỗi năm chỉ hơn 2 tháng, mức vé chỉ được thu 5 ngàn đồng/người/lượt (năm nay đã được huyện cho phép tăng lên 10 ngàn đồng) mà chỉ được chở số người như quy định thì không thể hoạt động được. Để kinh doanh có lãi và vì cuộc sống gia đình nên chúng tôi buộc phải chở quá số người theo quy định cho phép. Do vướng mắc giữa quy định và thực tế nên chúng tôi chỉ được cho đấu thầu kinh doanh từng năm một và không dám “mạnh tay” đầu tư mua sắm, tu sửa phương tiện để nâng cao chất lượng phục vụ...”.

Về vấn đề này, qua làm việc, các cơ quan chức năng khẳng định rằng, việc cấp phép hoạt động của các thuyền tại bến Chùa Hương là đúng quy định pháp luật hiện hành. Do thuyền không có thiết kế nên không thể cấp phép chỉ hơn 12 người/lượt. Tuy nhiên, do bất cập giữa quy định và thực tế nên quyết định cấp phép này đã không được quán triệt thực hiện nghiêm. Mặt khác, các lực lượng đang vào cuộc thiếu đồng bộ, có dấu hiệu lãng tránh trách nhiệm nên thực trạng thuyền chở quá số người quy định và không sử dụng các dụng cụ đảm bảo an toàn diễn ra hàng ngày. Là một trong những lực lượng chủ chốt và có mặt thường xuyên tại hiện trường nhưng lực lượng CSGT cũng không thể kiểm soát được tình hình.

Trưởng phòng CSGT đường thủy Nguyễn Phúc Tiến cho biết: “Bình quân trong hơn 2 tháng của mùa lễ hội có khoảng 1–1,5 vạn du khách đến dâng hương, vãn cảnh chùa. Điều này đã tạo nên một áp lực lớn trong việc điều hành, quản lý, xử lý hoạt động của các thuyền phục vụ tại Chùa Hương. Nếu lực lượng chức năng cho chở quá 12 người thì vi phạm quy định và khi xẩy ra sự cố thì hậu quả sẽ khôn lường. Nhưng nếu kiên quyết không cho chở thêm người thì tạo áp lực trong lưu thông, dư luận phản ứng...”.

Thực tế trên cho thấy khá rõ thực trạng cấp phép hoạt động và tình hình chấp hành pháp luật của chủ thuyền ở bến chùa Hương thời gian qua. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ, tình hình kinh doanh và đảm bảo an toàn cho các chuyến đò trong mùa lễ hội. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, BQL Chùa Hương và chủ thuyền phải bàn bạc, tìm hướng giải quyết để vừa thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi của người kinh doanh. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống thuyền phục vụ ở chùa Hương hoạt động hợp pháp, đẹp về mẫu mã và đảm bảo an toàn tuyệt đối...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast