Tan hoang rừng đầu nguồn Sơn Hồng!

Theo quốc lộ 8A lên đường mòn Hồ Chí Minh rồi cắt qua các xã Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Lĩnh..., qua chặng đường khá vất vả chúng tôi mới đến được khu vực rừng Khe Sinh (thuộc địa phận xã Sơn Hồng - Hương Sơn), do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn quản lý. Dù đã nắm trước thông tin về vụ phá rừng nghiêm trọng này, chúng tôi vẫn thực sự sửng sốt trước hiện trường khắp các vùng rừng bị triệt hạ ngổn ngang với hàng trăm m3 gỗ thành khí.

Rừng đầu nguồn bị xẻ thịt

Bằng nhiều cách tiếp cận, chúng tôi đã đến được tận vùng rừng đang bị lâm tặc “làm thịt”, nằm sâu tít tận thượng nguồn biên giới. Dọc đường, thi thoảng vẫn gặp một vài người với ba lô lỉnh kỉnh và trâu kéo đang từ hướng rừng đi ra. Chui sâu vào nhiều nơi trong khu vực này, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi phát hiện những cây gỗ to cỡ 2 người ôm đã bị lâm tặc đốn hạ, cưa xẻ.

Dù không thể đi sâu đến được tận các “sào huyệt” của lâm tặc, nhưng những nơi chúng tôi tiếp cận được thì cũng có cơ man là gỗ bị tàn phá. Những thân gỗ có đường vanh khoảng vài ba mét bị đốn hạ ngổn ngang; những phiến gỗ vuông rộng khoảng 30-40 cm, dài 3-4m, những khúc gỗ tròn cỡ bằng cột nhà… nằm rải rác khắp rừng.

Bên cạnh những phiến gỗ đã được khai thác cách đây chừng mấy tháng còn có những phiến gỗ vừa mới cưa xẻ, có những cây gỗ vừa bị đốn hạ và cả những cây đã được lâm tặc làm dấu nhưng chưa kịp khai thác…

Trên 135 m3 được thu giữ

Từ tháng 7-2011, chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn đã phát hiện tại tiểu khu 2, 12, 21 và 22 thuộc địa phận xã Sơn Hồng có 60 m3 gỗ lậu do lâm tặc khai thác đang được cất giấu trong rừng. Tiếp đó, vào tháng 8-2011, Công ty kiểm tra lại lập biên bản với số lượng gần 93 m3. Sau khi phát hiện, Công ty đã lập văn bản và báo cáo với Hạt Kiểm lâm về nội dung này. Ông Lê Ngọc Danh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo của chủ rừng về tình hình tập kết gỗ lậu tại khu vực này, trong các ngày 9, 11 và 15-1-2012, Hạt Kiểm lâm Hương Sơn đã phối hợp chủ rừng kiểm tra tại 3 tiểu khu (trừ tiểu khu 21 không kiểm tra) và xác định khối lượng gỗ lậu ước khoảng 130 m3...”.

Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nên đến đầu tháng 2-2012, Công ty mới tổ chức thu gom với sự giám sát của lực lượng kiểm lâm. Từ 15 đến 29-2, Công ty đã thu được 403 bê và lóng gỗ, tương đương 105m3. Trong đó, tại Trạm Kiểm lâm địa bàn (đóng tại xã Sơn Lĩnh) là 51m3, tại Hạt Kiểm lâm Hương Sơn là 54 m3.

Ngày 1-3, Chủ tịch UBND tỉnh lệnh cho lực lượng Biên phòng tỉnh phối hợp với Đồn Biên phòng 565 đóng tại Sơn Hồng thực hiện việc tiếp tục thu hồi. Chỉ sau 3 ngày, đến hết ngày 3-3, khoảng 50 cán bộ chiến sỹ của Bộ đội Biên phòng tỉnh và Đồn 565 cùng với một lực lượng lao động thuê từ nơi khác đến, đã thu hồi được một khối lượng ước khoảng 30 khối. Tuy nhiên, gỗ lậu vẫn đang còn trên rừng và công tác thu hồi đang được tiếp tục thực hiện.

Gỗ nằm la liệt trong rừng
Gỗ nằm la liệt trong rừng

Tại Trạm Kiểm lâm địa bàn Sơn Lĩnh, Hạt Kiểm lâm Hương Sơn, Trạm Biên phòng Đá Gân (đóng tại Sơn Hồng)… những bê gỗ rộng 30-40 cm, thậm chí là 50 cm, dài 3-4m và những lóng gỗ to hơn cột nhà, dài 4-5m nằm la liệt như một công trường gỗ! Từ thực tế tại các vùng rừng sâu trên thượng nguồn đến chứng kiến những đống gỗ ngổn ngang vừa được thu hồi, chúng tôi không khỏi xót xa cho cánh rừng đầu nguồn Sơn Hồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số gỗ đều được chặt trong năm 2011 và lâm tặc chủ ý tuồn số gỗ này ra khỏi rừng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua nhưng chưa thực hiện được. Một người dân địa phương cho biết, gần tết vừa rồi có một đàn trâu kéo khoảng 30 con, được đưa nơi khác về tập trung tại khu vực đội 8 (xóm 14 – Sơn Hồng) với ý đồ vận chuyển gỗ nhưng do không thực hiện được nên khi gần đến tết thì chúng rút lui.

Khu vực rừng phòng hộ thượng nguồn biên giới có vai trò rất quan trọng đối với việc bảo vệ an ninh biên giới cũng như bảo vệ môi trường. Vụ lâm tặc tổ chức phá rừng với quy mô lớn nói trên cần được điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Chừng nào những vụ phá rừng chưa được điều tra, xử lý nghiêm thì chừng đó, rừng còn tiếp tục bị triệt phá; thiên tai, lũ lụt càng khốc liệt, người dân càng thêm điêu đứng…

Xem Video Clip

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast