Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT

(Baohatinh.vn) - Ngày 28/12, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng đã ký ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự năm 2017

Toàn văn Chỉ thị như sau:

Năm 2017 dự báo tình hình KT-XH, an ninh chính trị thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình cả nước và các địa phương. Hà Tĩnh phải tiếp tục tập trung khắc phục những khó khăn, hậu quả nặng nề về KT-XH do sự cố môi trường biển và lũ lụt gây ra; tình hình ANTT đang tiềm ẩn nhiều phức tạp; các thế lực thù địch từ bên ngoài, các tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng cực đoan gia tăng cấu kết, móc nối hoạt động chống phá gây mất ổn định; nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều thách thức, khó khăn; tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông chưa được kiềm chế, đẩy lùi; tình hình khiếu kiện trong nhân dân, nhất là khiếu kiện đông người liên quan đến bồi thường, GPMB, chuyển đổi mô hình quản lý chợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển có xu thế gia tăng và diễn biến phức tạp.

tang cuong lanh dao chi dao thuc hien nhiem vu dam bao antt

Công an Hà Tĩnh ra quân cao điểm đấu tranh, phòng chống tội phạm

Để tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo ANTT phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm trong chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, kích động biểu tình, gây rối ANTT của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cực đoan, nhất là trên không gian mạng; tự giác tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH trong điều kiện hội nhập quốc tế và tình hình hiện nay. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền, dân vận lực lượng vũ trang sát với tình hình thực tiễn từng cơ quan, đơn vị; chủ động đối thoại với người dân, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những bức xúc, phức tạp có thể dẫn đến mất ANTT ở cơ sở.

2. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ANTT trong tình hình mới”, Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29/9/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính đến năm 2020 và định hướng những năm tiếp theo”, Nghị quyết số 94/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và đề án của UBND tỉnh về “Tăng cường công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020”...

Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch phòng, chống tụ tập đông người, gây rối ANTT, bạo loạn, khủng bố, tuyệt đối trong mọi điều kiện cũng không để bị động bất ngờ, không để hình thành các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật, tổ chức chính trị đối lập và tổ chức phản động trên địa bàn. Đảm bảo an ninh, an toàn biên giới, tuyến biển, các công trình, dự án kinh tế lớn, các dự án có yếu tố nước ngoài, các khu kinh tế, khu công nghiệp, các địa bàn trọng điểm. Tiếp tục quán triệt về nhận thức quan điểm kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QPAN, nâng cao năng lực, vai trò trong tham mưu, thẩm định, quyết định các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH gắn với trách nhiệm đảm bảo ổn định, giữ gìn ANTT, bảo vệ môi trường trên địa bàn.

3. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”, Nghị quyết số 04-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chủ động ứng phó với các nguy cơ gây mất ổn định chính trị trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức đi công tác ở nước ngoài, làm việc với người nước ngoài, không để các thế lực thù địch, phản động mua chuộc, khống chế, móc nối, lôi kéo, tác động, tuyên truyền tư tưởng phản động... Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ nội bộ, kịp thời phát hiện, xử lý những biểu hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết; xử lý nghiêm những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch với nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, soát xét tình hình, chỉ đạo giải quyết các vụ, việc, đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài. Chủ động nắm chắc diễn biến tư tưởng trong nhân dân, kịp thời phát hiện, xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở; không để hình thành “điểm nóng” về ANTT, không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng khiếu kiện để kích động biểu tình, gây rối ANTT. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành chức năng phải chịu trách nhiệm nếu để tình hình ANTT phức tạp kéo dài; tội phạm, vi phạm pháp luật hoạt động lộng hành, mất kiểm soát, được bảo kê trên lĩnh vực, địa bàn do mình phụ trách.

- Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đảm bảo an ninh mạng, nhất là Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Chỉ thị số 15/2014/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới. Chủ động phát hiện, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động sử dụng không gian mạng để chống Đảng, Nhà nước, tuyên truyền, tán phát tài liệu phản động, kích động tụ tập, biểu tình gây rối ANTT và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng báo chí, mạng xã hội để chống đối, phá hoại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn lộ, lọt bí mật nhà nước, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch.

4. Tập trung thực hiện nghiêm túc Kết luận số 05-KL/TW, ngày 15/7/2016 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Nghị quyết 63/2013/QH13, ngày 27/11/2013 của Quốc hội (khóa XIII) về “Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm”; Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và những năm tiếp theo; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 24/5/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo ANTT xã hội, an toàn giao thông trong tình hình mới”.

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, các ổ nhóm tội phạm bảo kê, đòi nợ thuê; tội phạm về kinh tế, chức vụ; tội phạm chống người thi hành công vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy; tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; tội phạm mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, các tụ điểm tổ chức cờ bạc, mại dâm… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Chỉ đạo triển khai thi hành Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam v.v…

5. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là trên các lĩnh vực đảm bảo môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tài nguyên, khoáng sản; hoạt động báo chí, xuất bản, các dịch vụ văn hóa, thông tin, truyền thông. Tăng cường công tác cải cách hành chính, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, quản lý lao động, quản lý cư trú, cơ sở ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, sơ hở về phòng cháy, chữa cháy. Chủ động lực lượng, phương tiện và các điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, thiên tai. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo TTATGT; phối hợp các lực lượng đảm bảo việc tuần tra, kiểm tra trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.

6. Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả thiết thực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về tham gia bảo đảm ANTT; gắn phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với phong trào toàn dân đoàn kết tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Quan tâm xây dựng lực lượng công an xã, công an viên, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp ngày càng vững mạnh làm nòng cốt để duy trì và phát huy hiệu quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

7. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở các vùng sâu, biên giới, vùng giáo và các địa bàn trọng điểm nhằm chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết tốt những phức tạp về ANTT tại cơ sở. Có chính sách phù hợp để phát triển đảng viên, cán bộ cốt cán những địa bàn khó khăn, làm nòng cốt phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đóng góp công sức xây dựng, phát triển KT-XH, giữ gìn ANTT tại địa phương.

- Phát huy vai trò mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thống nhất và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách của địa phương; tham gia tích cực, hiệu quả trong giải quyết những vấn đề phát sinh, góp phần bảo đảm ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị. Đồng thời, tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ lực lượng công an và các lực lượng trong khối nội chính thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này.

Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến tận đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân./.

Chủ đề Gây rối - Trật tự - Phá hoại

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast