Tập trung phòng chống tội phạm

Thời gian qua, tình hình KT-XH của tỉnh ta có bước phát triển vững chắc. Tuy nhiên, tình hình ANTT, các loại TNXH diễn biến khá phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm tiềm ẩn khó lường... Trước thực trạng đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tập trung phòng chống tội phạm (PCTP).

Tình hình tội phạm và TNXH trên địa bàn tỉnh ta thời gian gần đây diễn biến phức tạp và có nhiều tiềm ẩn khó lường. Trong đó, nổi lên là các loại tội phạm như: giết người, cố ý gây thương tích; cướp, cướp giật; các đối tượng hoạt động theo ổ nhóm dùng dao, kiếm gây án một cách manh động, liều lĩnh… Ngoài ra, trong thời gian qua cũng xuất hiện nhiều vụ phạm tội sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn, đòi nợ thuê.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bên cạnh đó, tình hình tệ nạn cờ bạc diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô và phương thức hoạt động; tội phạm ma túy, các đối tượng sử dụng ma túy trái phép có chiều hướng gia tăng. Trong đó, điều đáng quan ngại là ngày càng có nhiều đối tượng thanh niên thuê nhà hàng, khách sạn, phòng hát karaoke để sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá)… Đây cũng là nguyên nhân để phát sinh nhiều loại tội phạm khác. Theo báo cáo của ngành chức năng, từ đầu năm lại nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 315 vụ phạm pháp hình sự, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2012.

Trước thực trạng đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, mà nòng cốt là lực lượng công an đã vào cuộc quyết liệt để ngăn ngừa, đấu tranh PCTP. Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTP trong tình hình mới” và triển khai kế hoạch của tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia PCTP, chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2012-2015, các địa phương, đơn vị, các tổ chức đoàn thể xã hội đã tập trung vào cuộc một cách quyết liệt, hiệu quả.

Công an tỉnh đến các huyện, thị, thành đã triển khai nhiều đợt cao điểm PCTP; chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia vào đấu tranh PCTP, giữ gìn ANTT. Các địa phương tăng cường quản lý giáo dục người được đặc xá, tù tha, các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm, cờ bạc ngay tại cơ sở… Các cơ quan, đoàn thể cụ thể hóa các nội dung PCTP, phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật và TNXH.

Lực lượng CSCĐ (Công an Hà Tĩnh) thường xuyên ứng trực, sắn sàng xuất kích khi có lệnh. Ảnh: TL
Lực lượng CSCĐ (Công an Hà Tĩnh) thường xuyên ứng trực, sắn sàng xuất kích khi có lệnh. Ảnh: TL

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã điều tra, khám phá 245 vụ, 387 đối tượng phạm pháp hình sự (đạt 77,7%), trong đó trọng án đạt 97,3%; khởi tố 294 vụ, 626 bị can. Riêng tội phạm ma túy - tội phạm khởi nguồn cho nhiều loại tội khác, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 39 vụ, 54 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 24,3g hêrôin, 52g ma túy tổng hợp dạng đá, 2.496 viên ma túy tổng hợp, 100g cần sa; bắt 20 vụ, 55 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 12 liều, gói hêrôin, 15 gói ma túy tổng hợp dạng đá, 4 ô tô…

Bộ đội Biên phòng tỉnh, 6 tháng khám phá 12 chuyên án, thu giữ 9 kg ma túy tổng hợp dạng đá, 63 bánh hêrôin, 3.352 viên ma túy tổng hợp, 10 xe ô tô; 1,8978g hêrôin lẻ, 16,8061g ma túy dạng đá lẻ.

Kỳ Anh được coi là địa bàn nhạy cảm về ANTT do đang triển khai, xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm của khu vực, của tỉnh; phải di dời hàng ngàn hộ dân; mật độ người nước ngoài, ngoại tỉnh đến sinh sống, làm việc đông. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Kỳ Anh đã điều tra, khám phá 40 vụ, bắt 128 đối tượng phạm pháp hình sự; thụ lý điều tra 58 vụ, 135 bị can. Trong đó, một số loại tội phạm nổi lên như: xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và vi phạm về môi trường; mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy; cố ý gây thương tích; đánh bạc, tệ nạn mại dâm…

Có thể xác định nguyên nhân dẫn đến tình hình ANTT, các loại tội phạm hoạt động phức tạp, ngoài việc ảnh hưởng suy thoái kinh tế, người lao động không có việc làm thì công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn lỏng lẻo nên các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm dụng vốn. Cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở, một số nơi chưa vào cuộc quyết liệt và coi nhiệm vụ phòng, chống các loại tội phạm là của các cơ quan chức năng nên chưa chỉ đạo quyết liệt. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa tạo được phong trào sâu rộng trong phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm.

Để công tác PCTP có hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần đấu tranh, tố giác tội phạm trong nhân dân. Các ngành chức năng cần tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, nhất là hoạt động của các băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”, xiết nợ, đòi nợ thuê, tội phạm cướp, giết người, lừa đảo… Các ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát phải có sự phối hợp chặt chẽ, chọn các vụ án điểm để đưa ra xét xử, nhằm răn đe, giáo dục. Và điều quan trọng nhất đó là sự chung tay, góp sức hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh PCTP.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast