Trùm "xe lậu" ở huyện miền núi Hương Khê

(Baohatinh.vn) - Việc mua tài sản không rõ nguồn gốc hay nói đúng hơn, biết rõ đó là những chiếc xe bị lấy trộm của một số người đã vô hình trung tiếp tay cho tội phạm. “Có cầu ắt có cung”, từ đó, hình thành nên những “con cò” chuyên tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trùm "xe lậu" ở huyện miền núi Hương Khê ảnh 1

Lê Văn Luân cùng tang vật đã được cơ quan công an thu lại

Để phục vụ nhu cầu đi lại, Lê Văn Luân (SN 1987, trú tại thị trấn Hương Khê) đã tìm mua một chiếc xe máy Honda Wave không có giấy tờ về sử dụng. Một thời gian sau, khi có người hỏi mua với giá cao, Luân bán lại và tìm mua chiếc khác.

Qua những “con cò”, Luân có số điện thoại của một người được cho là “đầu mối”, chuyên cung cấp xe không có giấy tờ tên Phạm Anh Tuấn ở Hà Nội. Liên lạc với Tuấn, biết đây sẽ là “đối tác” cho những “thương vụ” mờ ám nhưng béo bở nên ngay từ những lần giao dịch đầu tiên, Lê Văn Luân đã đặt mua của Phạm Anh Tuấn 2 chiếc xe máy Honda Lead và Yamaha JupiterV (không có giấy tờ). Hai chiếc xe này, ngay sau đó, Luân đều “gả bán” cho một số người trên địa bàn huyện Hương Khê với giá hời.

Kiếm tiền quá dễ dàng, Luân tiêu pha thoải mái và nổi danh với cụm từ “trùm xe lậu”. Nhiều người vì hám rẻ đã tìm đến y đặt mua xe dù biết đó là những chiếc xe phạm pháp. Và, từ đó hình thành một đường dây tiêu thụ xe trộm cắp từ Hà Nội về Hà Tĩnh. Những lần mua bán tiếp theo, Phạm Anh Tuấn và Lê Văn Luân thống nhất, khi có “đơn đặt hàng” thì Luân chủ động liên lạc với Tuấn để thống nhất giá từng chiếc xe. Việc thanh toán được thực hiện theo hình thức chuyển khoản, Tuấn gửi xe vào Hà Tĩnh cho Luân theo xe khách, Luân tự mình hoặc thuê người khác đến nhận và tiêu thụ.

Bằng “phương thức” làm ăn này, từ cuối năm 2013 đến nay, Luân đã tiêu thụ trót lọt 32 chiếc xe máy do Tuấn cung cấp từ nguồn trộm cắp với tổng trị giá gần 600 triệu đồng. Khi mua xe, Lê Văn Luân biết rõ những chiếc xe này đều là do người khác phạm tội mà có bởi chúng đã qua sử dụng, không có giấy tờ, phần lớn không có biển số, Tuấn bán với giá rẻ không đúng giá trị thực của xe.

Nghiêm trọng hơn, cũng từ mối quan hệ giao dịch bất minh của Tuấn và Luân, Phan Đình Thìn, Trần Quang Trung (cùng trú huyện Hương Khê) đã nhảy vào giành “thị phần” bởi nhận ra “mùi tiền” từ những phi vụ buôn bán phạm pháp này. Chỉ trong thời gian ngắn, Thìn và Trung đã liên lạc với Tuấn, đặt mua của Tuấn 23 chiếc xe máy mang về tiêu thụ.

Trong một thời gian ngắn, 65 chiếc xe trộm cắp đã được tiêu tán trên địa bàn 1 huyện miền núi và chắc chắn, con số không dừng lại ở đó. Điều đó cảnh báo rằng, số lượng xe máy không có giấy đăng ký (do trộm cắp mà có) đang lưu hành là vô cùng lớn. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, vì “hám rẻ”, nhiều người “sắm” cho mình chiếc xe máy với giá thấp nhất dù biết rằng, những chiếc xe này do trộm cắp mà có, để rồi, dù không đến mức hoặc chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng khi vụ việc được khám phá, chiếc xe đó đương nhiên bị thu hồi. Vậy là, chính người mua xe rơi vào tình cảnh tiền mất và tội mang.

Anh Hồ T. ở Hương Khê cho biết: “Đầu năm 2014, qua người giới thiệu, tôi có mua của Lê Văn Luân một chiếc xe hiệu Honda CBR với giá 32 triệu đồng (giá trị thực 70 triệu đồng). Được một thời gian,cơ quan công an triệu tập, gọi hỏi và tịch thu xe máy. Thế là bây giờ, xe thì không có đi, tiền thì mất rồi, còn dính vào pháp luật, rắc rối. Từ nay không hám rẻ nữa, thà thêm tiền mua tài sản có nguồn gốc để được sử dụng lâu dài”.

Đây cũng là tâm tư của những người lỡ hám rẻ vô tình tiếp tay cho tội phạm…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast