Cái rác, nhỏ hay lớn?

(Baohatinh.vn) - Cuộc sống ngày một đi lên, người dân có điều kiện hưởng thụ các nhu cầu vật chất, vì vậy, lượng rác thải ngày càng nhiều. Bãi rác đã trở thành nỗi lo của nhiều địa phương. Nhưng đó là chuyện quy hoạch, kế hoạch và là việc của chính quyền. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến góc độ hành vi ứng xử của mỗi thành viên xã hội, mỗi công dân với rác.

Điều dễ nhận thấy, ở rất nhiều tuyến đường, kể cả khu vực thành thị và nông thôn, nhất là gần các khu chợ, hàng quán... là rác thải bị vứt vô tội vạ. Người đi xe hơi tiền tỷ, người đi xe máy hay những thực khách sang trọng của các cửa hàng ăn uống... đều “vô tư” ném rác xuống sàn nhà, lòng, lề đường. Hành vi ấy được thực hiện một cách rất tự nhiên, không một chút băn khoăn, suy nghĩ.

Tự mỗi người phải ý thức với hành vi xả thải của mình thì mới mong môi trường sạch đẹp
Tự mỗi người phải ý thức với hành vi xả thải của mình thì mới mong môi trường sạch đẹp

Nhiều chủ hàng quán khi được hỏi vì sao không đặt giỏ rác dưới bàn đã trả lời: “Lúc đầu, chúng tôi cũng đặt nhưng khách cứ vứt xuống sàn nhà, người lớn vứt nên trẻ con cũng làm theo, rất ít người bỏ vào giỏ rác nên chúng tôi đành chấp nhận để cuối buổi quét dọn luôn”. Chính vì vậy, những thực khách đến sau thường phải chịu cảnh ngồi ăn giữa bộn bề rác: giấy lau miệng, xương gà, xương lợn... Chủ hàng không muốn mất khách nên không dám nhắc nhở, còn khách thì nghĩ: chủ quán phải dọn. Và đây không phải là nhà mình nên ai có quyền cấm vứt rác xuống sàn (!)

Không phải là nhà mình, sân mình, ngõ mình nên cứ vứt rác “vô tư”, dọn dẹp đã có chủ quán hàng, các bà lao công. Đó không phải là suy nghĩ của một người mà là rất nhiều người bởi tôi đã nghe họ nói ra, đã thấy qua hành vi của họ. Rác từ trong nhà được vứt ra vỉa hè, lề đường để... nhà sạch. Rác chất thành từng bao tải dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện, thậm chí đầu nguồn nước, miễn sao... vườn nhà mình sạch. Rác từ tay các bà, các chị quý phái, các nữ sinh, tiểu thư xinh đẹp, các vị trung niên quần là áo lượt. Ngày này sang ngày khác, người ta nhìn quen mắt, nếu có ô nhiễm môi trường hay làm mất mỹ quan đường phố thì đã có cơ quan vệ sinh môi trường, xóm, xã và hội phụ nữ... lo.

Còn nhớ, cách đây mấy năm, bãi rác Văn Yên ngừng nhận rác, cả TP Hà Tĩnh, đâu đâu cũng thấy từng khối, từng cồn rác bốc mùi nồng nặc. Từng mẩu rác vứt ra, thải ra không được phân loại không còn là chuyện nhỏ. Ở trường, nhiều học sinh được học về cách phân loại và xử lý rác thải, song về nhà, thấy bố mẹ không thực hiện, lại thản nhiên vứt rác ra đường, xuống sàn nhà hàng quán nên dần dần các em cũng quên mất điều đã học. Dịp lễ, tết, cả gia đình đi du lịch bằng ô tô, sau khi ăn bánh, uống sữa, hạ kính xe vứt rác xuống đường. Hành vi ấy đã thành thói quen của không ít gia đình ở thành thị, nói chi đến những gia đình ở nông thôn, ngoại ô, những gia đình chuyên kinh doanh và sản xuất các mặt hàng có nhiều rác thải.

Cái rác, vì thế không phải là chuyện nhỏ. Và mãi vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” khi mà chế tài xử phạt chưa được áp dụng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast