Cần giải pháp đồng bộ trong tìm kiếm mộ liệt sỹ

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng vẫn còn khoảng 350.000 liệt sỹ chưa có thông tin về phần mộ. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”,những nãm qua Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương để tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ; nhiều chính sách tri ân các gia đình thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng . Tuy nhiên, để việc tìm kiếm mộ liệt sỹ hiệu quả hơn, thiết nghĩ, cần có những giải pháp đồng bộ

Thực tế cho thấy, việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ hiện nay còn nhiều hạn chế như: chậm ban hành chủ trương về giám định ADN, giải mã phiên hiệu đơn vị nên gặp nhiều khó khăn vì hài cốt liệt sỹ không còn nguyên vẹn do biến động của thời gian và nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết đất nước; một số địa phương, đơn vị triển khai thực hiện không thấu đáo việc tuyên truyền chủ trương, phương pháp tiếp cận để thu thập thông tin mộ liệt sỹ từ nhân dân, các thân nhân liệt sỹ.

Cần giải pháp đồng bộ trong tìm kiếm mộ liệt sỹ ảnh 1

Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh tìm kiếm, cất bốc mộ liệt lỹ trên đất bạn Lào. (Ảnh tư liệu)

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, đến tháng 7/2015, thông tin thu thập được cho các đơn vị trong toàn quân được chuẩn hóa, tích hợp thành bộ cơ sở dữ liệu điện tử; có 29.600 đơn vị được giải mã, trong đó, có 36.959 thông tin về liệt sỹ được bàn giao cho các cơ quan chức năng. Nhưng thực tế vẫn có những đơn vị chưa được giải mã hoặc giải mã nhưng chưa đầy đủ, sai lệch, nhầm lẫn thông tin.

Là một cựu chiến binh, đồng thời là thân nhân liệt sỹ, tôi đã đến rất nhiều nghĩa trang ở các tỉnh Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ để tìm mộ người thân. Tôi đã chứng kiến cảnh người, xe xếp hàng chờ đợi nhiều ngày để nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ người thân, nhưng không phải tất cả đều có kết quả. Có nhiều gia đình rất kỳ công trong việc tìm kiếm mộ liệt sỹ, từ việc tìm phiên hiệu đơn vị, tìm đồng đội cũ, thông tin qua truyền hình, nhờ sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm, các nhân chứng, địa phương, đơn vị nơi người thân mình đã chiến đấu, hy sinh. Việc diễn ra không chỉ một lần, một ngày, một năm mà hàng chục năm, có khi cả cuộc đời, nhưng kết quả lại không như mong muốn.

Để việc tìm mộ liệt sỹ được thuận lợi, thiết nghĩ, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân, phổ biến và quán triệt đầy đủ đến các tổ chức chính trị - xã hội, cựu chiến binh và thân nhân các liệt sỹ về chủ trương của Đảng, Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành liên quan về việc tìm kiếm mộ liệt sỹ. Đặc biệt, cần tổ chức một đợt vận động sâu rộng trong các tổ chức chính trị - xã hội, các cựu chiến binh cùng toàn dân cung cấp thông tin tìm kiếm và quy tập mộ liệt sỹ. Đồng thời, định rõ thời gian, giải pháp và kế hoạch đối với từng công đoạn và phần việc cụ thể để các địa phương, đơn vị, các cựu chiến binh, đoàn viên, hội viên và nhân dân cung cấp thông tin mà bản thân biết về những trường hợp hy sinh, thời gian, đơn vị, nơi mai táng trong chiến tranh ở địa phương hoặc các đơn vị mà CCB đã từng chiến đấu.

Mặt khác, phải chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng chương trình phần mềm quản lý danh sách liệt sĩ, các nghĩa trang và bia mộ của liệt sĩ từ các địa phương, đơn vị đến cả nước. Với những trường hợp có sai sót, nhầm lẫn các chi tiết trong hồ sơ quản lý như họ, tên, chữ lót, quê quán... các đơn vị của liệt sĩ cần gián tiếp hoặc trực tiếp đến các gia đình thân nhân liệt sĩ và các địa phương để xác minh, bổ sung đầy đủ, chính xác trước khi đưa vào hệ thống quản lý.

Thứ nữa, hiện nay, việc giải mã phiên hiệu đơn vị tuy triển khai chậm nhưng đã có kết quả. Mục đích của việc giải mã phiên hiệu là phải có giải pháp kết nối và giải mã nhanh nhất nội dung giấy báo tử của liệt sĩ. Đây là phần việc đòi hỏi phải phân công trách nhiệm rõ ràng, có phương pháp xử lý khoa học và hết sức khẩn trương để rút ngắn thời gian tìm mộ liệt sĩ.

Đơn cử trong giấy báo tử của Cục Cán bộ gửi gia đình tôi chỉ có thông tin: “Thuộc đơn vị NB, hy sinh tại mặt trận phía Nam, mai táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”. Tôi đến Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị nhờ tra cứu trong hồ sơ gốc báo tử của đơn vị, chưa đến 10 phút đã có thông tin: Mật danh đơn vị “NB” trong giấy báo tử là E3, F5, Mặt trận B2. Không những thế, còn biết cụ thể trường hợp hy sinh, nơi hy sinh và mai táng liệt sĩ. Việc chỉ cần mấy phút mà gia đình phải dày công tìm kiếm hơn 30 năm!

Cuối cùng, theo tôi, việc giám định gen (ADN) cần triển khai dứt điểm trong thời gian ngắn. Nếu chậm trễ sẽ gặp nhiều khó khăn mỗi khi hài cốt liệt sĩ đã được cất bốc, quy tập và bia mộ đã được xây dựng kiên cố, khi hiện trạng nơi mai táng các liệt sĩ đã thay đổi do yêu cầu xây dựng các công trình hoặc người thân của liệt sĩ đã qua đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast