Cần thống nhất nghi lễ chào cờ

(Baohatinh.vn) - Chào cờ, hát Quốc ca là nghi lễ thiêng liêng, thể hiện ý thức tự trọng, tinh thần độc lập, tự chủ, đoàn kết gắn bó của mỗi quốc gia, dân tộc, niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc, nhân dân.

Không chỉ tại các sự kiện chính trị lớn, gần đây, tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học..., việc chào cờ, hát Quốc ca đầu tháng đã đi vào nền nếp, trở thành hoạt động thường xuyên; góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, viên chức và nhân dân.

Cần thống nhất nghi lễ chào cờ ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Mặc dù đã được quy định và hướng dẫn cụ thể, song gần đây, việc thực hiện nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca còn thiếu tính thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong đó, lời hô của người chỉ huy trước khi hát mỗi nơi một kiểu. Theo mô thức tôi được biết từ trước đến nay, khi chuẩn bị cử hành lễ chào cờ, người chỉ huy tiến lên phía trước và hô to: “Mời các đại biểu (...) chỉnh trang y phục để làm lễ chào cờ! (mọi người đứng lên, chỉnh trang tư thế, trang phục). Tiếp đó, người chỉ huy hô: “Tất cả chú ý... Nghiêm...! Chào cờ...! Chào!” (có dự lệnh và động lệnh đại biểu có mặt hát hoặc phát bài Quốc ca)... Hiện nay, một số nơi, sau tiếng hô: Nghiêm...! Chào cờ…! của người chỉ huy là hát Quốc ca luôn. Như vậy, nhiều điểm khác trong quy trình cử hành lễ chào cờ cho thấy còn thiếu sự thống nhất, mà mệnh lệnh chính trong việc hát Quốc ca đã có sự khác biệt cơ bản ở các cơ quan, đơn vị.

Thiết nghĩ, hoạt động chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca là nghi lễ thiêng liêng. Vì vậy, dù là ở không gian nào, lĩnh vực nào thì việc thể hiện cũng cần phải có sự thống nhất về quy trình thực hiện, có khuôn khổ nhất định để đảm bảo tính nghiêm túc, trang trọng, thể hiện niềm tự hào dân tộc, tình cảm và trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast