Cần tìm hiểu kỹ và viết chính xác về sự kiện lịch sử!

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, nhiều báo điện tử, wesite có bài viết sai sự thật, sai không gian, thời gian, địa danh, số liệu về vụ máy bay Mỹ ném bom xuống lớp 5A, Trường Cấp II Hương Phúc vào hồi 16h30’ ngày 9/2/1966. Báo Hà Tĩnh điện tử xin giới thiệu bài viết của một nhân chứng trong sự kiện này để bạn đọc có được thông tin đầy đủ, chính xác nhất.

Tôi nguyên là giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng, hiện đang cư trú tại tổ dân phố 5, phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh), là nạn nhân trong vụ máy bay Mỹ ném bom xuống lớp 5A, Trường Cấp II Hương Phúc vào hồi 16h30’ ngày 9/2/1966. Lúc đó, tôi 14 tuổi, bị vùi sâu dưới đất, may còn vài sợi tóc trên mặt đất và lại ở sát miệng hố bom nhất nên được lực lượng dân quân, bộ đội bới đất kéo lên. Sau khi được hô hấp nhân tạo và sơ cứu, tôi tỉnh lại và nói: “Em đã sống rồi, các anh đi cứu các bạn khác đi!” Sau đó, tôi được các anh dân quân đưa đi bệnh viện điều trị. Ra viện, tôi may mắn được chọn đi cùng đoàn ra Hà Nội làm nhân chứng tố cáo tội ác đế quốc Mỹ và được gặp Bác Hồ.

Cần tìm hiểu kỹ và viết chính xác về sự kiện lịch sử! ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Mão bồi hồi lật giở từng trang ký ức lầ ra Hà Nội làm nhân chứng tố cáo tội ác đế quốc Mỹ và được gặp Bác Hồ. (Ảnh: Thu Hà)

Thời gian gần đây, một số báo điện tử và trang web đăng bài: “Tình thương của Bác với học trò” hay “Tình thương của Bác với thiếu niên, nhi đồng”, tôi thấy thông tin trong các bài báo chỉ đúng được sự kiện, còn về không gian, thời gian, địa danh, số liệu, các chi tiết hoàn toàn sai sự thật. Tôi xin lấy dẫn chứng:

Về thời gian: Lúc 16h30’, ngày 9/2/1966, một tốp máy bay Mỹ oanh tạc cầu Khe Mơ (nằm trên QL 15) để ngăn chặn ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Chúng đã ném 6 quả bom tấn xuống địa bàn, trong số đó, có 2 quả trúng vào phòng học lớp 5A, Trường Cấp II Hương Phúc (Hương Khê) lúc đang học giờ thầy Nhâm. Vậy mà, có bài báo viết: “Một ngày trung tuần tháng 3/1966, “đàn quạ Mỹ” lồng lộn ném bom “tọa độ” vào trường, sáng hôm ấy, lớp 6A vừa vào học tiết Văn”...

Về địa danh: Trước đây, Trường Cấp II Hương Phúc nằm ở xã Hương Phúc (nay nhập 2 xã Hương Phúc và Hương Trạch, lấy tên là Hương Trạch) là xã thuộc huyện Hương Khê. Thế nhưng, có bài báo viết: “Trường Cấp II Hương Phúc thuộc huyện Hương Sơn là mục tiêu đánh phá của chúng”.

Về số liệu: Tại thời điểm bị ném bom, trong lớp 5A có 57 học sinh và 1 thầy giáo; 33 em chết, 24 em còn lại và thầy Nhâm bị thương. Vậy nhưng, có bài báo viết: “làm chết 45 học sinh, chỉ có một em sống sót”.

Về giá trị của thông tin: Một chi tiết trong bài báo đã làm mất đi hình ảnh cao đẹp, đó là sau khi ngắt tiếng bom, tất cả các lực lượng dân quân, bộ đội... đến hiện trường cứu nạn, tôi (Nguyễn Thị Mão) được các anh dân quân bới đất kéo lên, sau khi hô hấp nhân tạo và sơ cứu, tôi tỉnh lại và nói ngay: “Em đã sống rồi, các anh đi cứu các bạn khác đi...”. Thế mà, một số bài báo viết: “Học trò gái Nguyễn Thị Mão vì có việc nhà, xin phép đến muộn, nên em không bị vùi lấp dưới hố bom của bầy quỷ dữ”.

Từ thông tin sai lệch này mà hồi tháng 5/2015, nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Bác Hồ, tại hội thi kể chuyện: “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng”, tôi lại nghe một học sinh THCS ở thị xã Hồng Lĩnh kể lại thông tin trên và chính em đó được giải nhì. Tôi rất bất bình. Nếu cần người làm chứng, tôi sẽ mời các bạn cùng lớp 5A hồi đó còn sống và người đã cứu tôi.

Tôi viết bài này để lưu ý những người làm báo khi viết về sự kiện lịch sử phải chính xác, gặp nhân chứng tìm hiểu cụ thể (trừ khi nhân chứng đã mất), không được nghe qua lời kể của người khác hoặc lấy lại của các báo khác mà viết sai sự thật, làm ảnh hưởng đến tính chính xác của sự kiện lịch sử, dẫn đến những sai sót đáng tiếc.

(Nhân chứng vụ thảm sát Hương Phúc - Hương Khê ngày 9/2/1966)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast