Cẩn trọng để phòng tránh cò, cói mổ vào mắt

(Baohatinh.vn) - Theo Khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh, hằng năm có hàng chục ca nhập viện điều trị vì bị tổn thương mắt do cò, cói mổ, trong đó có nhiều trường hợp phải khoét bỏ mắt do tổn thương nặng.

Cẩn trọng để phòng tránh cò, cói mổ vào mắt ảnh 1

Bệnh nhân Tiệp được kiểm tra mắt trước khi khâu giác mạc

Ngày 8/10/2014, cháu Đinh Lê Hữu Tiệp (3 tuổi, xã Đức Lâm, Đức Thọ) nhập viện trong tình trạng mắt trái bị rách giác mạc, phòi kẹt mống mắt do cò mổ. Chị Lê Thị Lam - mẹ cháu Tiệp cho biết: “Nhà có 3 con nhỏ. Hai vợ chồng làm nghề nông, đến mùa cò, cói, anh tranh thủ đi đơm chim. Thấy bố đưa cò, cói về, mấy đứa lại chơi, cháu Tiệp bị cò mổ vào mắt”.

Anh P.Q.Đ. (20 tuổi, Phù Lưu, Lộc Hà) làm nghề đơm chim hơn 10 năm nay. Gần đây, anh cũng bị cò mổ vào mắt phải, gây rách giác mạc, vỡ thể thủy tinh. Sau khi vào BVĐK tỉnh, các bác sĩ tiến hành khâu giác mạc, dùng kháng sinh, chống viêm và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên…

Cẩn trọng để phòng tránh cò, cói mổ vào mắt ảnh 2

Cò, cói bày bán tại chợ Vườn Ươm, thành phố Hà Tĩnh

Bác sĩ Lê Công Đức - Phó khoa Mắt, BVĐK tỉnh cho biết: Cò, cói rất hay mổ mắt vì sự chuyển động của mắt làm chúng nghĩ đó là thức ăn. Nếu bị cò, cói mổ, mắt sẽ bị tổn thương, dù được khâu lại thì vẫn để lại sẹo và giảm thị lực. Nhiều trường hợp nặng có thể gây vỡ nhãn cầu; vỡ, đục thủy tinh thể; tổn thương mạch máu thần kinh mắt… dẫn đến mù mắt. Nếu nhập viện muộn, mắt nhiễm trùng mủ lan rộng trong nội nhãn, gây đau nhức buộc phải khoét bỏ mắt.

Để tránh tai nạn cò, cói mổ vào mắt, những người đi săn bắt cò, cói cần đeo kính bảo hộ; không để trẻ em chơi gần cò, cói. Nếu bị cò, cói mổ, cần nhanh chóng nhập viện để bác sĩ khâu vết thủng và làm xét nghiệm xác định vi khuẩn bị nhiễm. Điều trị kịp thời kháng sinh đặc trị là khả năng cao nhất có thể cứu vãn thị lực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast