Cách chi tiêu thông minh và tiết kiệm hơn trong năm mới

Sau một năm “lăn lộn” với Covid-19, giờ là lúc bạn rút ra bài học từ những bất ngờ đó vào quản lý tài chính cá nhân cho năm mới.

Đối với không ít người, 2020 không phải là năm để tiết kiệm tiền. Ngay cả những người vẫn có việc làm thì một số bị giảm thu nhập hoặc đột nhiên phải tốn kém hơn vì các chi phí không lường trước.

Còn với những người kém may mắn, như phải mất việc thì chi phí sinh hoạt có thể là một vấn đề lớn. Và dù đang khó khăn ở mức độ nào, một số gợi ý sau đây có thể gợi mở cho bạn hướng chi tiêu thông minh và tiết kiệm hơn trong năm mới.

Cách chi tiêu thông minh và tiết kiệm hơn trong năm mới

Bạn cần tiết kiệm hiệu quả và chi tiêu thông minh hơn sau tổn thất có thể có trong năm qua. Ảnh: Ka Young Lee.

Tiết kiệm có mục đích

Nhiều người thường khởi đầu năm mới bằng việc suy nghĩ đến tiết kiệm, sau khi đã tiêu pha một chút cho các sự kiện cuối năm. Tuy nhiên, không ít trong số đó lại không theo đuổi thành công và sẽ sớm quay lại thói quen chi tiêu cũ.

Brent Weiss, Đồng sáng lập công ty lập kế hoạch tài chính Facet Wealth (Mỹ), cho rằng mọi người thường mơ hồ với mục tiêu tiền bạc của mình. Tiết kiệm nhiều hơn hoặc chi tiêu ít hơn là những mục tiêu đáng khen ngợi, nhưng bạn nên “tập trung vào những gì bạn đang cố gắng đạt được,” ông nói.

Bạn có muốn trả bớt nợ không? Bạn có muốn lập một quỹ dự phòng chi tiêu khẩn cấp? Bằng cách xác định cụ thể lý do tiết kiệm và số tiền chính xác cho từng hạng mục đó, bạn sẽ có cho mình một mục tiêu rõ ràng.

Nói tóm lại, hãy đặt tên cho mục tiêu, ước tính số tiền bạn cần và khi nào hoàn tất. Weiss nói rằng những chi tiết đó là chìa khóa để duy trì quyết tâm cho chính bạn khi tinh thần bị dao động.

Mua những gì bạn thích

Năm 2020 có thể tạo ra một trải nghiệm với một số người rằng chi tiêu bản thân của họ bị hạn chế. Do đó, họ hiểu được những gì mình thực sự muốn và những gì không thực sự cần.

“Bắt đầu từ năm 2021 có thể sử dụng những thông tin này để định hình lại ngân sách của mình thành một khuôn mẫu chi tiêu mà ta thích nhất”, Kevin Mahoney, Chuyên gia về lập kế hoạch tài chính cại Washington DC, khuyến nghị.

Theo ông, bạn có thể tiếp tục giảm hoặc loại bỏ những chi phí mà năm qua bản thân đã nhận ra rằng mình có thể sống mà không cần đến. Thay vào đó, chuyển phần tiền đó sang các mục đích sử dụng có giá trị cao hơn. Bằng cách dành tiền cho những món đồ yêu thích, bạn sẽ chi tiêu ít hơn cho những thứ mình không cần.

Phân bổ chi tiêu của bạn

Các hộ gia đình thường chia thu nhập hàng tháng cho các hạng mục chi tiêu khác nhau. Mục đích là tận dụng tốt nhất số tiền đó và không để bị lạm chi. Ví dụ, một cuốn sách ở Mỹ xuất bản năm 1959, tựa đề “Workingman’s Wife: Her Personality, World and Life Style” đã miêu tả một người phụ nữ chia tiền lương của chồng thành hai phần. Một phần tiền cô bỏ vào ngăn kéo để chi tiêu cho nhu yếu phẩm của gia đình. Phần còn lại cô bỏ vào hộp thiếc, dành cho các chi tiêu khác.

Ngày nay, các công cụ để chia các khoản tiền mặt, như phong bì hay lon thiếc, đã lỗi thời nhưng nguyên tắc này vẫn giữ nguyên giá trị. Bạn không cần cất giữ tiền mặt vào các công cụ vật lý, thay vào đó, bạn có thể theo dõi và quản lý chi tiêu bằng các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử...

Chống lại "sự gian lận" của bản thân

Chỉ cần một vài lần chi tiêu sai kế hoạch, bạn sẽ dễ dàng quay lại với bản năng tiêu tiền thiếu kiểm soát. Do đó, điều quan trọng là bảo vệ bạn khỏi sự lạm chi của chính mình. Meir Statman, Giáo sư tài chính tại Đại học Santa Clara ở California (Mỹ), khuyên mọi người nên tìm cách để việc rút tiền tiết kiệm trở nên khó khăn. Ví dụ, bạn có thể để mẹ mình giữ quỹ tiết kiệm. “Bạn phải xin mẹ để lấy tiền của mình và có lẽ sẽ xấu hổ khi phải xin như thế nếu lý do không cần thiết”, ông ví dụ.

Quy tắc tương tự cũng áp dụng cho việc chi tiêu. Khi mua sắm trực tuyến, hãy vô hiệu hóa thẻ tín dụng khỏi bất kỳ tài khoản nào để mỗi lần thanh toán trở nên phiền phức hơn. Hoặc thỏa thuận với vợ hoặc chồng rằng, phải cho nhau biết về bất kỳ chi tiêu từ một mức giá trị nhất định nào được đặt ra. Bằng những cách đó, có thể bạn sẽ nỗ lực nhiều hơn khi muốn chi tiêu, nhưng bù lại, bạn có thể chỉ thực sự làm như vậy cho những gì bạn cần.

Theo Phiên An/VnExpress/NYT

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast