Để đuối nước trẻ em không còn là nỗi lo thường trực

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, dư luận cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin trong 2 ngày 15 - 16/4, tại TP Quảng Ngãi liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của 11 em nhỏ. Những vụ việc đau lòng một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước - nỗi ám ảnh ngày hè.

Để phòng chống đuối nước cần trang bị kỹ năng bơi, cứu đuối cho trẻ. (Trong ảnh: Bể bơi trường Tiểu học Bắc Hồng)

Để phòng chống đuối nước cần trang bị kỹ năng bơi, cứu đuối cho trẻ. (Trong ảnh: Bể bơi trường Tiểu học Bắc Hồng)

Từ ý thức

Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH, năm 2015, toàn tỉnh có 23 trẻ chết do đuối nước. Đau lòng hơn, có những nạn nhân là anh chị em trong nhà và hầu hết đều ở vùng nông thôn, hoàn cảnh khó khăn. Hương Khê, Kỳ Anh, Can Lộc, Vũ Quang là những cái tên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong chuỗi danh sách địa phương thường xảy ra đuối nước.

Em Nguyễn Thị N. (SN 2012, ở xã Hương Đô, Hương Khê), ở nhà chơi một mình rồi ngã sông đuối nước; em Nguyễn Thị Thúy H. (SN 2012, ở xã Đồng Lộc, Can Lộc) ra đập nước gần nhà chơi, không may sẩy chân… và còn rất nhiều trường hợp thương tâm khác mà lý do hầu hết đều do chơi gần các đập, ao, hồ nước, rủ nhau đi tắm sông… không có người lớn bên cạnh, trong khi trẻ không có khả năng tự cứu hay ứng cứu.

Nguyên nhân trước hết phải nhìn ở trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc con. Cùng với đó là nhà trường, các cấp, ngành chức năng chưa trang bị được cho các em kiến thức tự bảo vệ mình trước tai nạn đuối nước. Các cơ quan chức năng tuy đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, song hiệu quả chưa cao. Chị Phan Thị Mai Hương - Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Mỗi năm, sở đều tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều công văn chỉ đạo, đồng thời, các ngành liên quan có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về vấn đề tuyên truyền, tập huấn phòng chống tai nạn thương tích, trong đó, có phòng chống đuối nước; công tác tuyên truyền qua phương tiện truyền thông đại chúng cũng được triển khai, tuy nhiên, ở một số địa phương, đơn vị, hiệu quả tuyên truyền chưa cao; vai trò của cấp ủy, địa phương trong công tác này còn hạn chế. Đặc biệt, ở khu vực nông thôn, việc triển khai tuyên truyền, tập huấn càng gặp nhiều khó khăn.

Đến kỹ năng

Với trẻ em, hầu như khả năng ứng phó với đuối nước không được trang bị. Mỗi năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở VH-TT&DL và các huyện, thị tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em. Riêng năm 2015, sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 5 lớp với gần 1.000 lượt em trong đó có nhiều em hoàn cảnh khó khăn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng phối hợp tổ chức 20 lớp tập huấn phòng chống đuối nước cho gần 1.500 lượt giáo viên, học sinh tiểu học (khối 4, khối 5). Tuy nhiên, so với nhu cầu và số lượng trẻ cần học trên địa bàn toàn tỉnh, con số đó chỉ như “muối bỏ bể”.

Ông Lê Viết Ngụ - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho rằng: Chương trình tập huấn phòng chống đuối nước chỉ là một nội dung nhỏ với thời lượng 1 buổi nằm trong chuỗi chương trình phòng chống thiên tai nên đối tượng tiếp nhận chỉ dừng lại ở mức biết, chưa thể hiểu sâu hay hình thành kỹ năng.

Không chỉ thế, các trường phần lớn chưa quan tâm cũng như thiếu cơ sở vật chất để đưa việc dạy bơi trở thành một môn thể dục hữu ích. Nổi bật nhất trong toàn tỉnh chỉ có Trường Tiểu học Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) xây dựng bể bơi trong trường. Hằng năm, vào cuối tháng 4, trường thường mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh khối lớp 5, ngoài ra, mở liên tục các lớp dạy bơi trong 3 tháng hè (học phí 200.000 đồng/khóa) cho các em có nhu cầu trên địa bàn và các huyện lân cận.

Ở khu vực nông thôn cũng mới chỉ có “Lớp dạy bơi thầy Tùng” do thầy giáo Lê Văn Tùng (giáo viên Trường THCS Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) đứng ra tổ chức, đã dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn lượt em trong gần 10 năm qua. Tiếc rằng, những mô hình như thế trên địa bàn Hà Tĩnh chưa được nhân rộng.

Đuối nước hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu có được sự nhận thức đầy đủ từ chính gia đình, nhà trường và toàn xã hội cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan. Trong đó, việc trang bị cho trẻ ý thức tự bảo vệ mình trước nguy cơ đuối nước và kỹ năng bơi lội, ứng phó khi có tai nạn xảy ra hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự quan tâm, đầu tư thích đáng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast