Đồ chơi bạo lực: Cấm vẫn bán!

(Baohatinh.vn) - Từ năm 2009, những đồ chơi bạo lực trẻ em đã được Nhà nước đưa vào danh mục hàng hóa cấm lưu thông trên thị trường. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cửa hàng phớt lờ quy định, “qua mặt” cơ quan chức năng để buôn bán mặt hàng cấm này.

do choi bao luc cam van ban

Chủ một cửa hàng trên đường Phan Đình Phùng giới thiệu về súng bắn các loại.

Tạt vào điểm chuyên bán đồ chơi trẻ em nằm trên đường Nguyễn Đình Liễn (thị trấn Cẩm Xuyên), chúng tôi dễ dàng nhìn thấy trên các kệ trưng bày có gậy phát sáng, súng phát nhạc, mặt nạ tử thần, súng bắn các loại... Không chờ người lớn hỏi, nhiều trẻ đã chạy ngay vào khu vực phía trong để chọn mua những thứ chúng thích như súng nhựa ngắn, giá chỉ khoảng 40-50 ngàn đồng/cái, loại dài hơn từ 95-120 ngàn đồng/cái; dao, kiếm, gậy từ 30 ngàn đồng/cái với đủ màu sắc.

Vừa để mắt tới 3 đứa con, chị Hồng Phượng (xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) vừa cho hay: “Hai thằng anh thích súng kiếm, ngày nào cũng réo mẹ đòi gậy Tôn Ngộ Không; cô em út thấy thế cũng nằng nặc đòi mua để về đánh nhau với các anh”. Và để thuyết phục cô con gái không chơi gậy, chị Phượng cùng chủ cửa hàng chọn rất nhiều đồ chơi khác như: đàn, búp bê... nhưng cuối cùng vẫn phải “chịu thua” con trẻ. “Biết là không nên cho con trẻ chơi những đồ chơi bạo lực nhưng các cháu đòi thì khó lòng từ chối, hơn nữa, các cửa hàng vẫn bán đầy, muốn cấm cũng khó” – chị Phượng giãi bày.

Không chỉ có khu vực ngoại thành, tại TP Hà Tĩnh, các cửa hàng, quầy kinh doanh mặt hàng nhựa và đồ chơi trẻ em cũng rộn ràng không kém. Một số cửa hàng trên đường Hà Huy Tập, Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót… tập trung nhiều mặt hàng mà trẻ ưa thích, trong đó có súng nhựa. Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, chủ các cửa hàng không bày bán công khai, chỉ khi khách hàng hỏi mới lấy ra bán.

do choi bao luc cam van ban

Những con rô bốt siêu nhân đấu kiếm, đấu súng... được bán trộn lẫn với nhiều đồ chơi khác

Tại một cửa hàng trên đường Phan Đình Phùng, khi được hỏi về súng đồ chơi, chủ cửa hàng lấy ra một bọc đen, bên trong chứa nhiều loại súng khác nhau. Từ súng ngắn đến súng AK có xuất xứ từ Trung Quốc. Chị P. - chủ cửa hàng cho biết: “Gần đây, quản lý thị trường đi kiểm tra nhiều quá nên bọn chị không dám bán lộ liễu, có khách hỏi thì mới mang ra bán”.

Liên quan đến việc kiểm soát các đồ chơi mang tính bạo lực được bán trên thị trường, anh Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết: “Vào các dịp cao điểm như 1/6 hay Tết Trung thu, chúng tôi thường tổ chức các đoàn kiểm tra, qua đó, phát hiện, xử lý nghiêm”. Theo đó, dịp 1/6 vừa rồi, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tịch thu số lượng hơn 200 kiếm, súng các loại; xử phạt trên 4 triệu đồng.

Mặc dù vậy, những vụ truy bắt, phát hiện và tịch thu đồ chơi bạo lực không rõ nguồn gốc trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi lẽ, chủ các điểm kinh doanh đồ chơi luôn tìm cách “đối phó” với lực lượng chức năng. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Nguyễn Đình Khoa lý giải: “Thông thường, các cửa hàng chỉ trưng bày một số loại đồ chơi nhỏ lẻ, nếu phát hiện thì cũng chỉ tịch thu và xử phạt hành chính, còn các kho hàng lớn thường được ngụy trang ở nơi khác, không dễ bị bắt”. Song song với việc kiểm tra, quản lý, xử lý, lực lượng quản lý thị trường cũng thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh cam kết không buôn bán, tàng trữ các loại đồ chơi bạo lực.

Thực tế cho thấy, nhiều bậc cha mẹ vẫn dễ dãi khi chọn mua đồ chơi cho con. Vì chiều theo những sở thích của con mà vô hình trung, phụ huynh đã “tiếp tay” cho đồ chơi bạo lực, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn. Do đó, các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức về sự tiềm ẩn nguy hiểm từ đồ chơi bị cấm để lựa chọn cho con em những loại đồ chơi phù hợp, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast