Đừng để “quýt làm, cam chịu”!

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, chính quyền và người dân xã Kỳ Trung (Kỳ Anh) đối mặt với nỗi lo tuyến đường nối từ QL 1A qua địa bàn bị băm nát vì xe tải chở đất...

Đây là tuyến đường do xã làm chủ đầu tư nhưng khi hoàn thành lại giao huyện quản lý. Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị cấp trên xử lý xe quá tải gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Đừng để “quýt làm, cam chịu”! ảnh 1

Phương tiện quá tải đi lại với mật độ dày đặc, khiến đường bị lún, môi trường ô nhiễm.

Tại địa phận dốc Am thuộc xóm Tân Thọ, xã Kỳ Thọ - nơi mỏ đá của Công ty TNHH Thương mại xây dựng 1 đứng chân, ngày ngày có hàng trăm lượt xe tải tấp nập vào ra chở đất phong hóa. Những chiếc xe “no” hàng rồ ga, bỏ lại đằng sau “cột” bụi mù mịt. Xe này đi, xe khác lại tiếp tục lao tới. Khu mở rộng 3 ha và tuyến đường dài khoảng 2 km nối từ QL 1A vào xã Kỳ Trung ngày cũng như đêm ầm ầm tiếng máy, cát bụi từ trên xe trút xuống mặt đường khiến người lưu thông ngộp thở.

Không chỉ đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều đoạn đường nhựa bị bong tróc, hằn sâu vệt bánh xe, nhiều nhất là khu vực gần cầu Đập Hiểm. Theo những người dân sống xung quanh thì “ban đêm mới là thời điểm xe chở đất hoạt động với mật độ dày đặc. Nhiều xe chở quá tải nhưng lại không hề bị xử lý”.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng 1 Nguyễn Trung Kiền cho hay: “Mỏ đá của công ty được UBND tỉnh cấp phép hoạt động từ năm 2013 lại nay, tuy nhiên, mới chỉ là giai đoạn bóc đất phong hóa chứ chưa khai thác đá. Chúng tôi đóng thuế và các loại phí đầy đủ”.

Lý giải về việc hàng ngày có hàng trăm xe tải chở đất gây ô nhiễm môi trường và làm hư hỏng tuyến đường, ông Kiền tỏ ra thờ ơ: “Họ mua đất thì chúng tôi bán, còn quá tải hay làm đất đá trút xuống đường không phải là phần việc của chúng tôi”. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ - Lê Thành Bình tỏ ra bình thản: “Mỏ đang trong quá trình hoạt động nhưng chưa hiệu quả. Việc vận chuyển đất hay đá dù nằm trên tuyến đường liên xã nhưng ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.

Toàn bộ tuyến đường có chiều dài hơn 10 km nối từ QL 1A chạy qua xã Kỳ Trung. Đây là tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của Kỳ Trung nói riêng, miền thượng Kỳ Anh nói chung. Bởi vậy, sau nhiều nỗ lực kêu gọi nguồn vốn đầu tư, xã Kỳ Trung với tư cách là chủ đầu tư đã triển khai xây dựng tuyến đường vào năm 2005 với tổng số vốn trên 11 tỷ đồng. Nhưng khi hoàn thành, tuyến đường được giao cho UBND huyện Kỳ Anh quản lý.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có sự hiện diện của mỏ đá như đã nói trên. Mặc dù chính quyền xã đã nhiều lần gửi đơn “kêu cứu”, tuy nhiên, tình trạng xe chở quá tải vẫn thường xuyên diễn ra và không được xử lý dứt điểm. Mới đây, ngày 21/5, UBND xã Kỳ Trung lại có

Tờ trình số 15/Ttr-UBND đề nghị huyện Kỳ Anh và các ngành chức năng có giải pháp ngăn chặn tình trạng chở quá tải gây ô nhiễm môi trường tại khu vực dốc Am. Tờ trình nêu rõ: “Xe quá tải vận chuyển với mật độ dày đặc, đặc biệt là vào ban đêm và ngày nghỉ, khiến đường xuống cấp nghiêm trọng. UBND xã Kỳ Trung đã thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý nhưng chủ xe vẫn không chấp hành”. Tuy nhiên, trớ trêu thay: “sau khi nhận văn bản kiến nghị từ chính quyền xã, huyện Kỳ Anh lại phúc đáp công văn: đề nghị chính quyền 2 xã Kỳ Trung, Kỳ Thọ phối hợp với doanh nghiệp có các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường và ngăn chặn xe quá tải trọng”.

Nhiều người bức xúc cho rằng, trong việc này, lợi nhuận thuộc về doanh nghiệp, còn hậu quả thì người dân và chính quyền gánh chịu. Đang thời kỳ bóc đất phong hóa đã vậy, không biết khi khai thác và vận chuyển đá thì con đường sẽ ra sao? Không để xảy ra tình trạng “quýt làm, cam chịu” là mong muốn của những người đang hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm môi trường và chứng kiến tuyến đường huyết mạch đang bị “băm” nát dưới những làn xe...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast