Khi điện thoại thông minh trở thành đồ chơi của con trẻ

(Baohatinh.vn) - Thời đại công nghệ thông tin, không có gì lạ khi phần lớn gia đình ở thành thị đều có ít nhất một chiếc máy tính xách tay hay điện thoại thông minh (smartphone), iPhone... Điều đáng nói là những thiết bị này không chỉ giúp người lớn làm việc, học tập và giải trí mà còn được coi là “đồ chơi” để dỗ con trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh mặc nhiên để con em mình chơi thỏa thích với thiết bị điện tử. Có người còn coi đó là sự phát triển thông minh của trẻ mà không biết rằng, chính điều đó đã và đang ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe cũng như việc hình thành nhân cách của trẻ.

Trẻ nghiện công nghệ là thói quen xấu cần điều chỉnh. Ảnh minh họa từ internet
Trẻ nghiện công nghệ là thói quen xấu cần điều chỉnh. Ảnh minh họa từ internet

Bé Bin (con chị Lê Ngọc Thúy – phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) năm nay lên 3 tuổi nhưng đã thành thạo việc mở khóa iPad và chơi trò kim cương, chém hoa quả… Biện pháp nhanh nhất để con ăn ngoan và nín khóc cũng là chiếc iPad của mẹ. Chị Thúy tâm sự: “Từ dạo có iPad, cứ đưa máy là Bin ngoan ngoãn lên giường chơi, không níu mẹ, nhờ thế mà chị làm được công việc nhà. Đến giờ ăn có khi vừa chơi trò chơi, vừa ăn; nếu không ăn, chị dọa không cho chơi iPad là cu cậu lại há miệng. Ngoan thì thế, nhưng chị cũng đang lo, hễ có gì không vừa ý là Bin lại giơ tay đòi “chém” như chém hoa quả”.

Không có iPad như bé Bin, bé Hoàng (con chị Nguyễn Thị Hiền – phường Văn Yên) lại có iPhone của mẹ để chơi. Chơi chán các trò trong máy, cậu bé hơn 5 tuổi này còn biết vào mạng tải thêm trò chơi mới hoặc mò mẫm trang hoạt hình để xem.

Thời gian đầu, hầu hết trẻ đều tỏ ra hào hứng và nghe lời nếu được bố mẹ hứa cho chơi thiết bị điện tử, nhưng một thời gian sau, khi mọi trò chơi trở nên nhàm chán, trẻ sinh ra cáu bẳn và luôn có những đòi hỏi “khó chiều”. Không chỉ thế, theo các nghiên cứu khoa học, tiếp xúc với các thiết bị điện tử còn khiến thị lực của trẻ suy giảm, trẻ dễ bị béo phì, kém linh hoạt và lười vận động, lười tư duy. Bức xạ từ các thiết bị điện tử ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh. Từ 3-6 tuổi là lứa tuổi hình thành kĩ năng cơ bản của trẻ, tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử khiến trẻ thụ động với cuộc sống bên ngoài, trầm cảm. Tiếp xúc với các trò chơi, hình ảnh bạo lực dễ dẫn tới trẻ có những hành vi cực đoan. Tính cách trong quá trình hình thành ban đầu dễ lệch lạc.

Trở lại với trường hợp bé Hoàng, chiếc iPhone của mẹ rồi cũng trở thành “đồ bỏ đi” trong mắt cu cậu. Hoàng đòi mẹ phải mua cho mình chiếc máy tính bảng như bố của bạn Khánh Huyền. Khi yêu cầu không được đáp ứng, Hoàng trở nên ương bướng và khó bảo hơn. Mọi biện pháp giáo dục từ giải thích, khuyên nhủ đến đánh đòn đều vô nghĩa. Đến lúc này, chị Hiền mới tá hỏa vì trước nay đã quá dễ dãi với con. Chị tâm sự: “Không ngờ chính mình đã làm hư con chỉ vì chiếc điện thoại. Không chơi điện tử nữa, thằng bé cũng không nói chuyện với bố mẹ mà lại thui thủi một mình, bảo thế nào cũng không được. Cuối cùng, chị cho cháu về quê chơi với ông bà rồi đưa đi du lịch thì mới đỡ. Trước mặt con, chị cũng không dùng điện thoại để chơi điện tử, đọc báo hay xem phim nữa”.

Khi cha mẹ nhận ra hệ lụy từ hành động vô tư để con tiếp xúc với thiết bị điện tử cũng là lúc trẻ đã nhiễm ít nhiều tính xấu. Nhưng vẫn chưa muộn nếu các bậc phụ huynh biết cách nhẹ nhàng, khéo léo tách con ra khỏi những trò chơi, thói quen tai hại này. Trước hết, cha mẹ phải làm gương để con noi theo, cùng con làm việc nhà, nếu chơi thì cùng chơi với con và có thời gian chơi cụ thể.

Ông Tô Quang Quyền – Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH khuyến cáo: “Thiết bị điện tử dù có thông minh hay tiện ích đến đâu cũng không thể thay thế cha mẹ trong việc dạy dỗ con trẻ. Cái cần cho trẻ là luôn tạo cơ hội để trẻ giao tiếp với mọi người, tiếp xúc với thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, việc cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, các chương trình ngoại khóa hay các hoạt động nghệ thuật như học đàn, học vẽ… sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast