Lì xì đầu xuân: Niềm vui hay nỗi ám ảnh

Lì xì là một nét đẹp văn hóa, mang lại niềm vui trong ngày đầu Xuân. Thế nhưng, theo thời gian, nét đẹp này dần bị biến tướng, khiến cả người lớn và con trẻ dần quên đi ý nghĩa thực sự của lì xì mà chỉ so bì chuyện nặng - nhẹ, thiệt - hơn.

Lì xì là mỹ tục

Cũng như nhiều phong tục khác, lì xì bắt nguồn từ Trung Hoa. Nhưng khi du nhập về Việt Nam, phong tục này đã bị thay đổi ít nhiều, dần mang đậm sắc màu văn hóa Việt. Phong tục tặng tiền mừng tuổi (lì xì) ngày Tết Nguyên Đán có ý nghĩa chúc sức khoẻ, may mắn và đem lại niềm vui cho mọi người.

T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Trước đây, ở miền Bắc, tục này có tên gốc là mừng tuổi. Nhưng về sau, do sự giao lưu văn hóa và ảnh hưởng ngôn ngữ phía Nam - nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo- nên người Việt quen gọi là lì xì”.

Lì xì vào ngày Tết là hành động biếu, tặng người thân, bạn bè những món quà đựng trong phong bao đỏ. Tục này đã có từ xa xưa, không ai biết rõ thời gian và nguồn gốc của nó. Từ trong dân gian, có hai hình thức lì xì: tặng quà hoặc đựng tiền trong phong bao.

li xi dau xuan niem vui hay noi am anh

Lì xì ngày Tết có ý nghĩa chúc sức khoẻ, may mắn và đem lại niềm vui cho mọi người.

Người Việt Nam theo tục lệ cổ truyền, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Cứ vào sáng mồng một Tết Nguyên đán, con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc tiền cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy may và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.

“Số tiền lì xì đựng trong phong bao đỏ mang tính biểu trưng nhiều hơn là số lượng. Ý nghĩa chính không nằm ở “tiền” mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà "bách niên giai lão". Ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì chăm ngoan, hay ăn chóng lớn”, T.S Đinh Đức Tiến giải thích.

Đặc biệt, theo quan niệm dân gian, tiền dùng để lì xì phải là tiền mới, và tiền phải được làm từ chính mồ hôi nước mắt, bằng chính công sức lao động chân chính.

Đừng để lì xì bị biến tướng

Không thể phủ nhận, lì xì là một phong tục đẹp của văn hóa Việt. Nhưng trong quá trình vận dụng, phong tục này bị con người lợi dụng, biến tướng, nên nhiều khi, tiền mừng tuổi mang ý nghĩa xấu.

“Phong tục không xấu, nhưng chính hành động cá nhân đã làm phương hại đến hình ảnh của phong tục. Lấy cớ mừng tuổi, nhưng thực chất là hối lộ, nịnh nọt hoặc tặng, biếu theo ý nghĩa xấu. Điều này hoàn toàn do tư duy lệch lạc của con người, bóp méo, làm sai ý nghĩa tục mừng tuổi ban đầu”, T.S Đinh Đức Tiến nhận định về thực trạng lì xì hiện nay.

Tục lì xì nhiều khi đã biến thành cái “cớ” để nhân viên tặng quà sếp với hy vọng sang năm mới được thăng quan, tiến chức, hay đơn giản là để gây dựng mối quan hệ làm ăn… Tiền mừng tuổi cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân,…

li xi dau xuan niem vui hay noi am anh

Nghiêm trọng hơn, thói thực dụng của người lớn qua việc “thương mại hóa” tục lì xì đã vô tình “lây” sang con trẻ. Cầm trên tay tờ 5000, 10.000 tiền mừng tuổi, đứa trẻ 4,5 tuổi cũng có thể tỏ rõ thái độ buồn bực, không vừa lòng. Thấy con trẻ đưa lại tờ tiền lẻ người khách mới mừng, cha mẹ chỉ nhếch môi mà không có một lời cám ơn. Hóa ra tiền mừng tuổi thời nay không nằm ở tấm lòng, ở ý nghĩa mà chủ yếu nằm ở “sức nặng” của đồng tiền bên trong.

Nhiều khi, chỉ một câu nói tếu táo, nửa đùa nửa thật của người lớn cũng đủ in sâu vào tiềm thức con trẻ những quan niệm lệch lạc. Chuyện “chọn tờ tiền xanh, tờ tiền đỏ” hay “tờ này đẹp hơn”,… chỉ cần lặp lại một vài lần. Lần sau, nếu ai mừng tuổi, đứa bé sẽ có sự so sánh thiệt hơn.

Cứ thế, không biết từ bao giờ, một niềm vui, một nét văn hóa đẹp của ngày Tết truyền thống đã dần trở thành nỗi ám ảnh trong suy nghĩ của nhiều người.

Nhiều nhà còn biến tục lì xì thành kiểu lì xì như trả nợ. Nhà nào mừng tuổi con mình bao nhiêu thì mình phải mừng lại con họ bấy nhiêu, nhiều nhà đi chơi tết còn cố mang theo bằng hết những đứa trẻ trong nhà để kiếm được thật nhiều tiền mừng tuổi tết. Đó là những chuyện không còn quá xa lạ.

Mỹ tục ngày Tết giờ bị biến tướng đến mức khiến cho không ít người cảm thấy khó xử và đau đầu. Nhưng có một điều mà mỗi người cần nhìn nhận lại: đây là sự biến tướng ở phong tục hay chính là sự biến tướng ở suy nghĩ của con người trong xã hội hiện đại?

Theo Dân trí

Chủ đề Chào năm mới 2024

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast