Lo như... bèo tây “lấn” sông!

(Baohatinh.vn) - Bèo tây (còn gọi là lục bình, bèo Nhật Bản...) ngày càng lan rộng trên địa bàn Hà Tĩnh, đặc biệt là tại Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ... Bèo phủ kín mặt nước gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân.

Thực trạng đáng lo

Ông Nguyễn Văn Hoàng (xóm Sông Hải, xã Thạch Sơn, Thạch Hà) đầu tư nuôi cá lồng nước mặn, lợ dọc sông Nghèn, thuộc hạ lưu cống bara Đò Điệm. Tuy nhiên, sự xâm nhập của bèo tây đã ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cá, làm giảm sản lượng thu hoạch. Đang ra sức vớt những tảng bèo bao vây lưới lồng, ông Hoàng bức xúc: “Mỗi khi cống bara Đò Điệm xả nước, bèo từ thượng nguồn trôi dạt ra tứ phía, bám vào lồng cá. Theo dòng xoáy, bèo len lỏi xuống dưới lớp lưới của lồng, đội cá lên cao khỏi mặt nước khiến cá bị chết”.

Lo như... bèo tây “lấn” sông! ảnh 1
Bèo tây xâm hại khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân xã Thạch Sơn (Thạch Hà).

Ở môi trường nước mặn, một thời gian bèo sẽ chết, nhưng xác bèo trôi nổi khiến môi trường ô nhiễm. Nguồn nước bẩn không những khiến cá chậm lớn mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Mỗi khi lội xuống sông cho cá ăn, chúng tôi thấy ngứa ngáy khó chịu. Người dân sống gần sông còn bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối, ô nhiễm không khí do quá trình bèo phân hủy” – một người dân ở xóm Sông Hải cho hay.

Bèo tây không chỉ gây hại cho nuôi trồng cá nước lợ, mặn mà còn tác động mạnh hơn tới những hộ nuôi cá nước ngọt. Bác Nguyễn Văn Hồng - Xóm trưởng xóm Sông Tiến (xã Thạch Sơn) cho biết: “Xóm có 65 hộ nuôi cá lồng nước ngọt với tổng diện tích 100 ha trên khu vực thượng nguồn cống bara Đò Điệm. Khó khăn lớn nhất trong quá trình nuôi là việc bèo xâm lấn dày đặc”.

Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn – Trần Công Trung cho biết: “Tổng diện tích mặt nước của địa phương là 300 ha, trong đó, 50% đã bị bèo tây xâm lấn”. Trên thực tế, không chỉ Thạch Sơn mà nhiều địa phương của huyện Thạch Hà đều bị bèo “tấn công”.

“Bèo phát triển mạnh trên hệ thống các tuyến sông Đò Bang – Hữu Ngạn, Vách Nam, Rào Trẻn; cầu Song (Việt Xuyên) đến hói Trộ (Thạch Liên); đập Mươi (Thạch Ngọc) đến máng Sơn Lộc (Việt Xuyên); từ tràn Cửa Ải (Thạch Xuân) đến cầu Sú (Thạch Đài)… với tổng chiều dài hàng chục km. Bèo đan thành từng tảng lớn, rễ đâm sâu vào lòng sông, ngăn cản dòng chảy, gây ứ đọng dẫn tới ngập úng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp”, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà - Nguyễn Văn Sáu cho biết.

Bác Dương Kim Trương (thôn Hòa Lạc) chia sẻ: “Nhà tôi cạnh cầu Đò Bang, do bèo tấn công nên khi mưa lớn, nước ứ đọng không thoát ra được và tràn cả vào nhà, rất bẩn thỉu, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của gia đình”.

Những năm gần đây, cùng với sự thiếu ý thức của người dân trong việc xả nước thải, vứt rác, xác động vật xuống sông suối, công trình thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường đã góp phần tạo điều kiện cho bèo tây phát triển nhanh. Khi mưa lũ về, bèo tây và rác thải sẽ trôi theo dòng chảy tập trung ở các cống làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu lũ, khiến việc thoát lũ chậm, gây ngập úng và thời gian ngập lâu hơn.

“Hiện tại, một số cống tiêu thoát lũ như: Đò Bang, Hói Trẻn, Cầu Trù, Đồng Huề, Đồng Mỹ, Ba Nái, Cầu Sú, Vọoc Sim…, tình trạng bèo tập trung trước cống dày đặc gây cản trở dòng chảy và mất an toàn công trình. Mùa mưa lũ đang đến gần sẽ càng nguy hiểm” – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ngô Đức Hợi cho hay.

Cơ giới hóa diệt bèo

Trước thực trạng bèo phát triển dày đặc trên các tuyến sông, trục tiêu, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các công ty thủy lợi tổ chức ra quân trục vớt. Song, phương pháp thủ công này chỉ như… “muối bỏ bể”.

Lo như... bèo tây “lấn” sông! ảnh 2
Từ đầu năm 2014 lại nay, máy băm bèo của gia đình anh Phạm Đình Quỳnh (xã Quang Lộc - Can Lộc) đã xử lí sạch hơn 15 ha bèo tây trên toàn xã.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà - Nguyễn Văn Sáu cho biết thêm: Thực hiện “Ngày thứ bảy, chủ nhật xây dựng nông thôn mới”, địa phương đã huy động phương tiện, lực lượng tổ chức các đợt trục vớt bèo, rác thải, khơi thông dòng chảy các tuyến sông, trục tiêu, cống điều tiết thoát lũ, kênh dẫn, các vị trí thấp trũng… có lượng bèo tập trung nhiều trên địa bàn các xã Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Thanh, Việt Xuyên, thị trấn Thạch Hà, Thạch Kênh, Thạch Long, Thạch Sơn… Tuy nhiên, khối lượng bèo lớn, rễ ăn sâu tận gốc nên dọn xong, bèo lại theo dòng chảy đổ về, rất khó xử lý triệt để.

Gần đây, việc đưa máy móc vào xử lý bèo được xem là một giải pháp hữu hiệu. Ông Đặng Hồng Kiệm – Chủ tịch UBND xã Quang Lộc (Can Lộc) cho biết: “Trước đây, bèo tây phủ kín diện tích mặt nước, ăn sâu vào đất nông nghiệp, là nơi trú ẩn của chuột, sâu bọ… phá hại mùa màng. Mưa lũ, nước dâng cao, bèo tràn vào ruộng, làm giảm năng suất, thậm chí, có ruộng lúa bị bèo “ăn” không thể thu hoạch được. Nhưng từ đầu năm 2014 lại nay, máy băm bèo của gia đình anh Phạm Đình Quỳnh (xóm Ban Long) đã xử lý sạch hơn 15 ha bèo trên toàn xã. Nếu tính cả ở ngoài địa bàn, trong hơn 1 năm đưa vào sử dụng, chiếc máy này đã xử lý được khoảng 100 ha bèo”.

Với chiếc máy băm bèo đặt mua ở Tây Ninh, tổng kinh phí 850 triệu đồng, anh Quỳnh là người đầu tiên ở Hà Tĩnh tiến hành xử lý bèo tây bằng cơ giới hóa. Sau khi bèo được cắt sẽ xốc thẳng vào băng tải, rồi được băm nhỏ, nhồi nát và ép kiệt khiến bèo không thể tái sinh. Sau một tuần lễ, số bèo này sẽ tự tiêu hủy thành bùn, hoai vào đất, trả lại diện tích mặt nước sạch như ban đầu. Không chỉ vậy, bèo có thể được tận dụng làm phân vi sinh, bón cho cây trồng.

“Trên thực tế, máy băm bèo hoạt động khá hiệu quả. Nếu máy này được cải tiến một số bộ phận (để phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của bèo tây ở Hà Tĩnh khi rễ đã ăn sâu vào lòng sông hàng mét) và nhân ra diện rộng thì sẽ là giải pháp hữu hiệu để xử lý triệt để bèo tây” – Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast