Phạt người vi phạm trên mạng xã hội: Coi chừng tác dụng ngược

“Theo tôi, chưa cần thiết phải có quy định riêng để quản lý, xử lý vi phạm trên mạng xã hội. Lấy hai ví dụ gần đây nhất để thấy rõ điều đó”.

phat nguoi vi pham tren mang xa hoi coi chung tac dung nguoc

Đó là ý kiến của bạn đọc Khánh Hưng xung quanh chuyện xử lý vi phạm trên mạng xã hội, đang có nhiều tranh luận trái chiều. Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của bạn đọc này.

"Câu chuyện đầu tiên là một nghệ sĩ đã làm đơn tố cáo một người mẫu vì bị xúc phạm danh dự trên mạng xã hội. Trong trường hợp này, rõ ràng pháp luật hiện hành vẫn xử lý, quản lý được, chưa cần quy định xử phạt riêng.

Câu chuyện thứ hai là em học sinh lên Facebook “chê” bệnh viện bị nhà trường kỷ luật. Nếu theo dự thảo nghị định này thì đây có thể bị xem là hành vi vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan... và em có thể bị phạt 30 - 50 triệu đồng, như vậy có hợp lý không? Theo tôi thì không hợp lý chút nào.

Hơn nữa, nếu dự thảo này có hiệu lực thì có thể xảy ra chuyện nhiều cá nhân, tổ chức sẽ “mượn gió bẻ măng”, “xử” những người nói ra những thông tin mà họ không hài lòng. Trước đây cũng đã xảy ra chuyện một người dân lên Facebook “chê” chủ tịch tỉnh và bị xử phạt, hay chuyện mẹ “chê” đồng phục nhà trường trên Facebook và con bị đuổi học.

Những câu chuyện đó cho ta thấy nếu có chế tài nặng với những vi phạm trên mạng thì chưa chắc đã tạo ra điều tích cực, mà có thể tác dụng ngược khi tạo ra nhiều bất bình trong xã hội. Nhiều bức xúc của người dân sẽ không được nói lên vì sợ vi phạm, nhiều người dám nói thẳng sự thật sẽ bị chèn ép, xử phạt một cách... có lý (vì đã có nghị định) nhưng người dân không hài lòng".

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả.

Theo Tuổi trẻ

Bạn đọc Khánh Hưng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast