Thiếu nguồn nhân lực tu bổ, nhiều di tích văn hóa bị biến dạng!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Theo thời gian, do nhiều tác động, các di tích lịch sử, văn hóa dần bị “lão hóa”, đặt ra yêu cầu được trùng tu, tôn tạo. Hàng năm, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác này, song do thiếu nguồn nhân lực nên đã dẫn tới tình trạng di tích bị biến dạng, “trẻ hóa”…

Thiếu nguồn nhân lực tu bổ, nhiều di tích văn hóa bị biến dạng! ảnh 1

Không có kiến thức về tu bổ di tích nên tắc môn (bình phong) tại di tích đền Chào đã bị đặt ở phía ngoài cổng

Thiếu nguồn nhân lực tu bổ di tích

Tại điểm 2, điều 6 trong thông tư quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 28/12/2012 nêu rõ: những cá nhân muốn hành nghề lập dự án, thi công, giám sát tu bổ, tôn tạo di tích, ngoài những bằng cấp, chứng chỉ khác thì phải có chứng chỉ lớp bồi dưỡng kiến thức bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do các cơ sở đào tạo chuyên ngành cấp.

Cũng tại thông tư này, một tổ chức muốn lập dự án, thi công hay giám sát các công trình tu bổ di tích đều phải có ít nhất 2 người (đối với đơn vị giám sát), 3 người (đối với đơn vị lập dự án và thi công) được cấp chứng chỉ hành nghề lập dự án, thi công, giám sát tu bổ di tích.

Chiếu theo những quy định này thì hiện ở Hà Tĩnh không có công ty nào đủ điều kiện để lập dự án cũng như thi công, giám sát tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa (hiện chỉ có 1 cá nhân là ông Phí Ngọc Hòe – Giám đốc Công ty TNHH Giám sát và Thi công công trình văn hóa Hà Tĩnh có chứng chỉ quản lý, tu bổ di tích). Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, các công ty vẫn được cấp phép hoạt động.

Nguồn nhân lực về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là yếu tố rất quan trọng, cần ngay cả trong quá trình giữ gìn và phát huy di sản. Nhưng do chưa có quy định cụ thể nào về việc thành lập BQL các di tích nên hầu như đều do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Hàng năm, công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích đều giao cho địa phương làm chủ đầu tư. Thực tế này đã khiến nhiều di tích ở địa phương bị bỏ hoang hoặc tu bổ, tôn tạo không đúng làm cho các di tích bị biến dạng, mất hết yếu tố gốc, thậm chí “trẻ hóa” các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi.

Thiếu nguồn nhân lực tu bổ, nhiều di tích văn hóa bị biến dạng! ảnh 2

Đền chợ Củi hiện đang trong quá trình tu bổ, tuy nhiên nhiều hạng mục đã bị thay mới khiến đền bị trẻ hoá

Ông Phan Quốc Bảo – Trưởng BQL dự án Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, ban có 2 người có chứng chỉ này. Đối với các công trình do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư, chúng tôi luôn nghiên cứu kỹ các phương án thi công sao cho giữ lại tối đa các yếu tố gốc cho di tích. Ví dụ như tại công trình đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá (xã Sơn Thịnh - Hương Sơn), những cây cột làm bằng gỗ lim với hoa văn được chạm khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa của thời kỳ lịch sử cách đây 200 năm đều đã bị tiêu tâm. Giữ lại yếu tố gốc là vấn đề hàng đầu mà chúng tôi quan tâm, chính vì vậy, phương án đắp lõi mới cho cột cũ được chúng tôi nghiên cứu và thi công thành công”. Luật Di sản quy định phải giữ tối đa yếu tố gốc khi tu bổ di tích nhưng thực tế việc thi công như BQL dự án của Sở VH-TT&DL khó được các công ty thi công các công trình văn hóa áp dụng triệt để do năng lực về tu bổ di tích không có, hơn nữa, phương án đó còn liên quan đến vấn đề tài chính…

Sự biến dạng và “trẻ hóa” của di tích

Các di tích lịch sử được coi là một biểu tượng của đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của nhân dân. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là nhiều công trình tôn tạo, kể cả các công trình do ngân sách xã hội hóa hay ngân sách nhà nước cấp thì khi thực hiện vẫn để xẩy ra vi phạm nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo theo Luật Di sản.

Thiếu nguồn nhân lực tu bổ, nhiều di tích văn hóa bị biến dạng! ảnh 3

Nhiều cột gỗ ở đền Chợ Củi vẫn còn tốt nhưng bị thay thế và vứt ngổn ngang vì bị cho là đã tiêu tâm

Phổ biến nhất là không tôn trọng tính nguyên gốc, nguyên bản của các di tích. Rất nhiều di tích sau khi trùng tu, tôn tạo đã rơi vào tình trạng “trẻ hóa”, lai căng, biến dạng do sử dụng nguyên vật liệu không phù hợp, kiến trúc, trang trí không đúng phong cách vùng miền và thời đại. Đền Chào (Kỳ Thọ - Kỳ Anh) mới được tu bổ, tôn tạo gần đây đã phản ánh sự thiếu hiểu biết của đội ngũ lập dự án và thi công khi lẽ ra bức bình phong phải nằm phía trong cổng lại được mang ra đặt phía ngoài. Hay như tại thành Sơn Phòng - Hàm Nghi (Hương Khê), lẽ ra theo kiến trúc vùng Trung bộ, kèo phải được thiết kế cong nhưng do trình độ thi công lẫn giám sát hạn chế nên những chiếc kèo lại được làm thẳng giống kiến trúc vùng Bắc bộ.

Bên cạnh thực tế “trắng” nguồn nhân lực bảo quản, tu bổ di tích thì điều đáng buồn hơn chính là quan điểm của các vị lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành văn hóa khi coi công trình văn hóa cũng giản đơn như các công trình xây dựng dân dụng khác. Họ ít, thậm chí, không quan tâm và chú ý nhiều đến các nguyên tắc khoa học bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, đến các quy định của Luật Di sản. Điển hình cho thực tế này là cách đây nhiều năm, di tích chùa Hương Tích (Can Lộc), sau khi hạ giải toàn bộ đã bị “hóa” để dựng chùa mới. Nhà thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ cũng nằm trong tình trạng đó. Và gần đây là đền Chợ Củi (Nghi Xuân) tuy không bị thay thế toàn bộ nhưng cũng bị làm mới rất nhiều chi tiết khiến ngôi đền như chỉ mới vài năm tuổi. Một người trong BQL di tích này “hãnh diện” nói: “Đền cũ thấp nên bây giờ chúng tôi nâng cao cột lên 65 cm và thay lại hầu như toàn bộ cột mới, đẹp hơn nhiều, thuận lợi cho người đi lễ”(!?). Thậm chí, khi chúng tôi trao đổi với một vị lãnh đạo ngành văn hóa về ý định sẽ cho 1 ngôi miếu khác số gỗ đã hạ giải ở đền Chợ Củi thì nhận được ý kiến: “Nếu cho được thì cũng là việc tốt, không vấn đề gì vì thực ra số gỗ này cũng không phải là gỗ của đền gốc. Giống như chùa Hương năm xưa, chúng tôi cũng làm mới hoàn toàn vì đền cũ không phải là đền gốc”. Nói vậy thì cứ mỗi lần trùng tu, tôn tạo, những ngôi đền, ngôi chùa lại được khoác thêm một tấm áo mới và mất dần yếu tố văn hóa, lịch sử thời đại?

Lời kết

Có thể nói, theo thời gian, các di tích lịch sử văn hóa sẽ bị hư hỏng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tu bổ, tôn tạo hay phục chế cần tuân thủ nguyên tắc khoa học và Luật Di sản. Muốn vậy, đội ngũ bảo quản, lập dự án và thi công công trình phải có kiến thức chuyên môn. Có như vậy mới gìn giữ được những giá trị văn hóa quý giá mà ông cha để lại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast