Trăn trở trước mùa thi...

(Baohatinh.vn) - Tại một cuộc hội thảo về “Đào tạo giáo viên đa ngành” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội vừa qua, không ít ý kiến tỏ ra hết sức lo lắng về tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm, nhưng các trường đại học sư phạm vẫn không ngừng tuyển sinh để đạt chỉ tiêu...

tran tro truoc mua thi

Nếu không có giải pháp “phanh” thì đến năm 2020, cả nước có thể thừa 70.000 giáo viên. Con số này rất đáng báo động bởi tình trạng sinh viên thất nghiệp đã gây nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình. Ai cũng hiểu, họ đã phải tốn biết bao kinh phí sau 4 năm ngồi trên giảng đường. Trong đó, không ít gia đình con em nông dân nghèo lại phải nai lưng trả nợ ngân hàng vì chuyện lo học cho con cái.

Chuyện đào tạo ở các trường thiếu khoa học đã trở thành lỗi có hệ thống hơn chục năm nay, thế nhưng, các giải pháp quản lý vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng mạnh ai nấy làm. Bộ LĐ-TB&XH đưa ra một thống kê đáng lo ngại: cả nước đang có khoảng 1 triệu người thất nghiệp, gần 20% trong số đó là lao động có trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, địa phương nào cũng muốn có một cơ sở đào tạo đại học và tìm cách thu hút nguồn lực để nuôi bộ máy. Việc làm này xét cho cùng vừa trái quy luật, khi “cung” vượt xa “cầu”, mặt khác, thiếu tính nhân văn khi làm cho tuổi trẻ mai một niềm tin vào thực tiễn của xã hội.

Mặt khác, hiện nay, tâm lý coi trọng việc vào học đại học, coi trọng bằng cấp vẫn tồn tại khá phổ biến, trước hết là trong học sinh và sau đó là các bậc cha mẹ. Nhà nhà, người người đua nhau vào đại học. Rất ít gia đình có tư duy cho con đi học nghề. Bởi vậy, chỉ cần có trường chiêu sinh ắt sẽ có sinh viên nhập học.

Một mùa thi đại học sắp đến, mong các trường không lặp lại "điệp khúc" cũ và các bậc phụ huynh cũng cần sáng suốt hơn để hướng con em mình chọn đúng đường, vừa để các em có tương lai, vừa giảm tình trạng đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nỗi trăn trở trước mùa thi cũng đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Chính phủ về những giải pháp kịp thời và hiệu quả cần được giải quyết thấu đáo kể cả về quy hoạch đào tạo, năng lực của các cơ sở đào tạo và việc gắn đào tạo với nhu cầu xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast