Vướng mắc trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

(Baohatinh.vn) - Kể từ khi mô hình HTX, tổ đội vệ sinh môi trường (VSMT) đi vào hoạt động, việc thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn Hà Tĩnh từng bước được cải thiện. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đội ngũ này đã góp phần giữ gìn môi trường, môi sinh sạch đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, bất cập.

Việc gom rác thải theo giờ tại Hà Tĩnh bước đầu tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động để mọi người chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường sống.

Việc gom rác thải theo giờ tại Hà Tĩnh bước đầu tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động để mọi người chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường sống.

Ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 122/2010, 132/2010 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể và quản lý chất thải rắn, trong vòng 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh đã thành lập thêm 132 mô hình HTX, tổ hợp tác VSMT, nâng tổng số lên 162 HTX. Tại Can Lộc, Lộc Hà, đến nay 100% xã đã có HTX, tổ đội VSMT hoạt động hiệu quả. Theo thống kê của ngành chức năng, kết quả thu gom và xử lý rác thải trên toàn tỉnh hằng năm đạt trung bình 100.000-150.000 tấn và dự kiến sẽ tăng nhiều trong vài năm tới”.

Tuy nhiên, việc thu gom rác thải sinh hoạt ở Hà Tĩnh cũng như ý thức của một bộ phận nhân dân trong việc bảo vệ môi trường còn thấp. Bên cạnh đó, mô hình này ra đời xuất phát từ yêu cầu cấp bách trong xây dựng nông thôn mới nên chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hoạt động của HTX, tổ đội VSMT chủ yếu mang tính công ích, việc mua sắm phương tiện, trang thiết bị chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của địa phương nên thiếu đồng bộ, không đầy đủ.

Trên thực tế, nhiều HTX vẫn chưa có xe chuyên dụng hoặc có nhưng không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường trong vận chuyển rác. Toàn tỉnh hiện có 92 xe vận chuyển rác thì mới chỉ có 26 xe chuyên dụng, số còn lại cơ bản là xe chở vật liệu xây dựng.

Phần lớn các HTX, tổ đội VSMT chưa có trụ sở nên nơi để phương tiện, thiết bị thu gom rác chủ yếu là... sân UBND xã. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa quy định cụ thể bãi tập kết rác nên nhìn chung, hiệu quả thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Ngoài các khu vực trung tâm, những nơi còn lại, tỷ lệ thu gom rác thải chỉ đạt 55-60%.

Song song với đó, công tác xử lý rác thải cũng còn nhiều chuyện phải bàn. Hiện toàn tỉnh chỉ có duy nhất 1 nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động với công suất 200 tấn/ngày, 1 nhà máy công suất 500 tấn/ngày được đầu tư tại Kỳ Anh vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Theo ông Nguyễn Duy Bằng - Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh: Do lượng rác thải tập kết về nhà máy trước đó không được phân loại cụ thể nên đốt trực tiếp vẫn là phương pháp chính hiện nay”.

Vấn đề đặt ra ở chỗ, để có phương pháp xử lý rác hiện đại, đúng quy trình thì phải có hàng trăm tỷ đồng. Với số vốn đầu tư lớn như thế này thì sẽ rất hiếm doanh nghiệp, cá nhân dám mạo hiểm. Do đó, phần lớn rác thải trong toàn tỉnh vẫn đang phải xử lý theo phương pháp chôn lấp.

Tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh nhà ngày càng cao, lượng người đến địa bàn cũng tăng đột biến, vì vậy, chính quyền các cấp, các địa phương cần tính toán, tìm ra hướng giải quyết việc thu gom, xử lý rác thải phù hợp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast