GCNQSDĐ hết hạn tại Lộc Hà: "Không ảnh hưởng quyền lợi của người dân"

(Baohatinh.vn) - Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) khẳng định như vậy trước những băn khoăn, lo lắng của hàng ngàn người dân trên địa bàn huyện khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã hết hạn...

Người dân bức xúc, lo lắng...

Những ngày gần đây, hàng ngàn người dân ở xã Thạch Bằng và nhiều hộ ở một số xã khác trên địa bàn huyện Lộc Hà tỏ ra lo lắng, thậm chí, bức xúc khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã hết hạn (thời hạn sử dụng đến tháng 6/2015).

Thực hiện chủ trương cấp đổi GCNQSDĐ, toàn huyện Lộc Hà có trên 31.000 bộ hồ sơ đất các loại. Đến nay, các cơ quan chuyên môn, phòng chức năng, chính quyền các xã đã hoàn tất hồ sơ, tiến hành in và cấp giấy đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đối với diện tích đất nông nghiệp một số nơi xẩy ra hiện tượng thời hạn sử dụng đất ghi trong bìa đã hết. Vì vậy, người dân đã phản ứng gay gắt, nhất là ở xã Thạch Bằng khi địa phương này phải cấp đổi 3.237 bìa cho 1.469 hộ.

Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị P. (thôn Khánh Yên, xã Thạch Bằng) khá bức xúc: “Tôi cho rằng, huyện và xã đã làm sai, hoặc in nhầm chứ làm sao có chuyện bìa phát hôm 30/8/2015 mà nội dung ghi bên trong lại có “Thời hạn sử dụng đến tháng 6/2015”. Khi phát bìa, tôi và nhiều người khác đã thắc mắc, không muốn nhận giấy chứng nhận này, thậm chí, phản ứng khá gay gắt nhưng rồi cũng chẳng biết làm gì hơn nên đành miễn cưỡng ký nhận. Tôi thực sự rất lo lắng nên chắc chắn sẽ ra UBND xã để làm rõ vấn đề, chứ nhất quyết không thể để nội dung thông tin như thế được”.

GCNQSDĐ hết hạn tại Lộc Hà: "Không ảnh hưởng quyền lợi của người dân" ảnh 1

Người dân ở xã Thạch Bằng và nhiều hộ ở một số xã khác trên địa bàn huyện Lộc Hà tỏ ra lo lắng, thậm chí, bức xúc khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã hết hạn (thời hạn sử dụng đến tháng 6/2015)

Cũng với tâm trạng đó, anh Lê Đăng Kh. (thôn Trung Nghĩa) thắc mắc thêm: “Do đất cha ông để lại nên gia đình chúng tôi có đến 7 giấy chứng nhận QSDĐ, mỗi bìa chúng tôi phải nộp 140 ngàn đồng. Ngoài phải nộp một khoản tiền khá lớn, người dân lại phải chờ đợi cả năm trời nhưng chỉ nhận được một GCNQSDĐ đã hết hiệu lực. Như thế thì thử hỏi người dân đồng tình, yên tâm sao được? Không lấy về thì không xong, lấy về thì lo thêm vì mình đã ký nhận vào hồ sơ chứng minh rằng, quyền sử dụng các vùng đất sản xuất của gia đình đã hết, tư liệu sản xuất đã không còn thuộc về mình. Tại sao Luật Đất đai 2013 đã có hiệu lực, đất sản xuất của chúng tôi thuộc diện được mở rộng phạm vi sử dụng đến 50 năm mà chính quyền và các cơ quan chức năng lại không ghi thời hạn như thế?”.

Quá trình tìm hiểu thực tế vấn đề, đến với một số hộ dân trên địa bàn Lộc Hà nói chung và xã Thạch Bằng nói riêng, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh khác nhau từ dư luận và bao trùm là không khí khá nặng nề. Một số ý kiến chủ quan cho rằng, chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện làm sai, cán bộ cấp phát bìa lại không giải thích thỏa đáng cho dân, thậm chí, có dấu hiệu né tránh trách nhiệm. Cá biệt, có những người lo lắng thái quá nên sốt sắng làm đơn yêu cầu thôn tập hợp gửi chính quyền các cấp trả lời thỏa đáng...

Hết hiệu lực sẽ rà soát gia hạn

Trước tình hình đó, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu, trao đổi với cơ quan chức năng và nhận thấy, vấn đề không phức tạp, đáng lo ngại như dư luận phản ánh. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Lộc Hà cho biết: “Chúng tôi thực hiện cấp đổi chứ không phải làm mới nên thời hạn được giao sử dụng trước đây như thế nào thì phải ghi lại như thế ấy. Mặt khác, tất cả GCNQSDĐ đều đã được ký trước mốc 1/7/2014 và hồ sơ hoàn thành khi thời hạn giao đất chu kỳ 20 năm trước đây chưa hết nên không thể đính chính, muốn chỉnh sửa mốc thời gian đó thì phải làm theo quy trình của luật định. Việc một số nơi bìa đến tay người dân chậm hơn so với tiến độ và nhận được bìa khi mốc thời hạn giao đất cũ đã hết là do các địa phương, hoặc hồ sơ có vấn đề, đất đang tranh chấp...”.

Liên quan đến quyền lợi của người dân và quan điểm của cơ quan chức năng, ông Tuấn khẳng định: “Việc bìa được cấp đổi đến tay người dân khi thời hạn sử dụng đất đã hết không ảnh hưởng đến giá trị, quyền sử dụng cũng như các lợi ích hợp pháp khác của chủ hộ trên mảnh đất đó nếu nó chưa được Nhà nước thu hồi để phục vụ các công trình, dự án khác theo quy định. Những trường hợp nào đã hết hạn thì sẽ được tiến hành gia hạn theo quy định mới của luật và thủ tục rất đơn giản vì chỉ cần ghi bổ sung thông tin gia hạn vào mục “Những thay đổi sau khi cấp đất” ở trang sau của bìa là được. Ngay sau khi tiến hành cấp xong toàn bộ bìa cho toàn huyện thì chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra, thu hồi, tiến hành bổ sung, chỉnh sửa các giấy đã quá hạn này để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như tính pháp lý của nó...”.

Lời kết...

Đất nông nghiệp là tài sản hợp pháp, tư liệu sản xuất quan trọng và lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và đời sống của người dân nên khi có những thông tin chưa rõ ràng, các băn khoăn chưa được giải thích thấu đáo thì người dân lo lắng, bức xúc là điều dễ hiểu và cần được chia sẻ. Tuy nhiên, bản chất vấn đề không đáng quá lo ngại, việc xử lý các nội dung có liên quan khá đơn giản, quyền lợi hợp pháp của người dân hoàn toàn không bị ảnh hưởng nên những người trong cuộc cần bình tĩnh, không nên lo lắng và có những hành động thái quá.

Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền, phổ biến các thông tin liên quan cho người dân biết, không gây hiểu nhầm, làm phức tạp tình hình. Mặt khác, chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc để rà soát, tập hợp, bổ sung hồ sơ, chỉnh sửa nội dung trong GCN QSDĐ để phát lại miễn phí cho người dân...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast