Vui ngày hội ... không quên nhiệm vụ

(Baohatinh.vn) - Có lẽ đây là thời điểm hy hữu có tính chất tương tự để cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng cùng nhau nhắc lại câu khẩu hiệu “kinh điển” một thời: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, theo một nghĩa khác: Vui ngày hội… không quên nhiệm vụ.

30/4 là ngày hội non sông. Đã là hội thì luôn phóng túng, hồ hởi, thậm chí tùy tiện. Thế nên, mỗi dịp 30/4 về, các bãi tắm, các khu du lịch luôn chật kín người. Người ta hò hẹn đến với nhau để… thỏa thích vui chơi hay cùng nhau nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực. Và hẳn nhiên, những cách thức “xả xì trét” ấy, do khác hẳn bối cảnh bình thường (phải vùi đầu vào công việc) nên cũng là thời điểm để cảm nhận trạng thái của một người dân tự do, mang ơn thế hệ cha anh đã làm nên ngày “đất nước thống nhất”.

Vui ngày hội ... không quên nhiệm vụ

Năm nay, các khu du lịch biển không được phép tập trung đông người (Trong ảnh: Biển Thiên Cầm mùa du lịch năm 2019)

Không khó để lí giải sự nhất trí ấy. Cũng bởi vậy, không khó để lý giải những chuẩn bị cung – cầu ngay trước thềm nghỉ lễ. Nào khai trương bãi tắm, nào mở cửa hàng, nào lập các tour, nào vệ sinh bãi biển…

Nhưng, trạng thái bình thường ấy đã trở nên rụt rè trong năm 2020. Chúng ta đi giữa lằn ranh của tính chất lễ hội và tính nghiêm trọng của vấn đề phòng dịch. Vui ngày hội không quên nhiệm vụ. Ấy là lời nhắc với tất cả mọi người.

Sau ngày 22/4, nới lỏng giãn cách xã hội, một số dịch vụ được hoạt động trở lại để… cứu các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng là cứu nền kinh tế và để thực hiện “mục tiêu kép”. Có cung ắt có cầu. Mở dịch vụ hẳn có người tiếp nhận, trao đổi. Các hình thức trao đổi suy cho cùng là giao tiếp, gặp gỡ. Và thế là những cuộc gặp gỡ đông người trở nên tự nhiên như chưa hề có chỉ thị cách ly. Đôi lúc, đôi nơi, người ta nhớ đến khoảng cách tối thiểu 2m (theo Chỉ thị 16), 1m trong giao tiếp (Chỉ thị 19) như là khái niệm chỉ có trong ý nghĩ không có trong thực hành. Việc tụ tập với số lượng không quá 30 người cũng vậy.

Đây chính là mối nguy cơ về một thói quen miễn nhiễm với khuyến cáo, với truyền thông, bởi những vi phạm về giãn cách xã hội đã trở nên nhiều hơn. Người ta đã bỗng dưng lơi lỏng.

Vui ngày hội ... không quên nhiệm vụ

Kháo nhau về thông tin giãn cách xã hội, cuối chiều 15/4, nhiều người dân đã ngồi gần nhau và không đeo khẩu trang (Ảnh chụp tại đường Mai Thúc Loan, đoạn xã Thạch Hưng)

Quán tính của thói quen có thể trượt dài nhất là khi người Việt đã nhất trí với nhau đã là hội hè thì phải… “đã”, phải tưng bừng. Cố nhiên, lúc cơn bốc lửa đã dâng thì các khuyến cáo sẽ chỉ như đổ nước trên bức tường lát gạch, không sao có thể thẩm thấu. Bởi vậy, không có gì ngăn cản hành vi của con người bằng các luật lệ và hình phạt. Từ thời cổ đại, ông Hàn Phi Tử đã đề cao tính pháp trị để điều hành quốc gia. Ông cho rằng, trong con người đầy rẫy nhưng thói hư tật xấu như: thích chơi hơn thích làm, tham lợi, lại “thân lừa ưa nặng"… Bởi vậy, Hàn Phi Tử chủ trương lấy sự thưởng phạt nghiêm minh để làm phương thức chăn dân; hình phạt phải tương xứng với tội lỗi đã phạm. Làm như thế thì kẻ bị phạt cũng không oán người đã phạt.

Câu hỏi về điều chỉnh hành vi của người dân trong bối cảnh khó khăn này có lẽ chỉ hướng về các cấp chính quyền, ngành chức năng - nơi được pháp luật ủy thác sử dụng những chiếc gậy quyền lực. Trước ngày lễ hội, các cấp chính quyền đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tuyên truyền, nhất là bám sát Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, thậm chí đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm về giản cách xã hội. Và, cố nhiên, các cấp cũng đã không mảy may để ý gì đến thói quen hàng năm vào dịp này: khai trương mùa du lịch (để đảm bảo phòng dịch, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Thế nhưng, chỉ như thế vẫn là chưa đủ nếu chính quyền lơi lỏng các biện pháp quản lý.

Với bản chất ưa vui của hầu hết con người, 30/4 nếu thời tiết đẹp, các khu du lịch rất dễ chật kín người. Việc thực hiện phòng chống dịch sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí bất khả nếu không có giải pháp ngay từ đầu.

Vui ngày hội ... không quên nhiệm vụ

Năm nay, để phòng chống dịch bệnh, Hà Tĩnh không tổ chức lễ khai trương mùa du lịch biển (Trong ảnh: Màn nghệ thuật trong chương trình khai trương du lịch biển Hà Tĩnh năm 2019)

Không khai trương bãi biển là đã ngầm thông báo biển năm nay không vui như mọi năm, nhưng chỉ lẳng lặng như thế thôi thì chẳng khác gì đánh đố, thăm dò hành vi. Trước khi có những giải pháp căn cơ, hẳn là các cấp phải tuyên truyền phòng dịch ngay tại các khu du lịch, bãi tắm để mọi người ứng xử song hành: vui nghỉ lễ và đảm bảo an toàn phòng dịch.

Cần nhớ, chiều 28/4, kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg; mở lại hoạt động du lịch nội địa, lưu ý việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch và không tập trung đông người.

Ngay chiều 29/4, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành văn bản 2734/UBND-VX “Về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”. Văn bản có đoạn: “Đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh khác, khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch, hoạt động du lịch nội địa được phép hoạt động trở lại trong điều kiện mới, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và không tập trung đông người”.

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast