Di sản văn hóa là những sản phẩm tinh thần, vật chất do con người sáng tạo ra, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hóa được phân loại thành vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu.
Hà Tĩnh là địa phương có vị trí đặc biệt trong hành trình mở cõi của dân tộc. Trên mảnh đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, vừa kiên cường, vừa oanh liệt, điển hình như cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan chống lại ách đô hộ nhà Đường trong những năm đầu thế kỷ thứ X. Đầu thế kỷ XV, Lê Lợi chọn vùng đất Đỗ Gia, Hương Sơn làm căn cứ xây dựng lực lượng tấn công quân Minh.
Đến thế kỷ XVII, hai "tập đoàn" phong kiến Trịnh - Nguyễn chia cắt đất nước và đẩy Nhân dân ta vào cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn”, mảnh đất Hà Tĩnh là nơi chứng kiến cuộc giao tranh dai dẳng, kéo dài 45 năm với 7 cuộc chiến lớn nhỏ. Các địa danh như: Hà Trung, Kỳ La, Lạc Xuyên, Nam Giới, Hội Thống, sông La, sông Lam… đến nay vẫn còn lưu nhiều dấu tích của cuộc chiến này.
Thế kỷ XVIII, Hà Tĩnh cũng là địa bàn chiến lược của Nguyễn Huệ khi hành quân ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh”, đánh đuổi bè lũ xâm lược phương Bắc, thống nhất đất nước, lập nên vương triều Tây Sơn. Cuối thế kỷ XIX, Phan Đình Phùng lựa chọn vùng rừng núi Vụ Quang - Hương Khê tổ chức phong trào Cần Vương chống Pháp. Trong thế kỷ XX, đế quốc Mỹ đã từng trút xuống mảnh đất Đồng Lộc hàng ngàn tấn bom đạn để hòng chặt đứt hậu phương và tiền tuyến.
Chính từ những nguyên nhân, điều kiện lịch sử nêu trên nên đã tôi luyện cho người Hà Tĩnh phẩm chất giàu nghị lực, luôn nỗ lực vươn lên, sáng tạo nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.800 di tích lịch sử - văn hóa đã được thống kê, kiểm đếm, trong đó có gần 700 di tích đã được xếp hạng các cấp. Nguyễn Du và Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh, dân ca ví, giặm, ca trù được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp). Toàn tỉnh hiện có gần 70 lễ hội, trong đó có 4 lễ hội được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với di sản vật thể và phi vật thể thì di sản tư liệu của Hà Tĩnh cũng rất phong phú, đa dạng. Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương… Đặc biệt là số lượng sắc phong của Hà Tĩnh hiện còn rất nhiều, thậm chí có thể là một trong những địa phương có số lượng sắc phong nhiều nhất trên cả nước hiện nay.
Trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai rất nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Có rất nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo hằng năm, hàng trăm tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa để bảo tồn di sản, nhiều đầu sách về văn hóa được in ấn; một số lễ hội được phục hồi và tổ chức thường xuyên, công tác quản lý Nhà nước về di sản dần đi vào nền nếp, quy củ, nhận thức của Nhân dân về bảo tồn văn hóa được nâng cao; ngày 22/12/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Một số di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích vật liệu gỗ có niên đại hàng trăm năm đã xuống cấp, quy trình tu bổ còn khó khăn… Năm 2011, có một di tích của Hà Tĩnh còn lưu giữ gần 250 sắc phong, được công nhận là di tích lưu giữ nhiều sắc phong nhất của Việt Nam, vậy nhưng, đến đầu năm 2024, khi kiểm đếm lại thì số lượng sắc phong hiện chỉ còn 149 bản, trong đó có gần 20 bản đã bị rách nát. Như vậy là chỉ trong vòng 12 năm, đã có hơn 100 sắc phong tại di tích này bị hư hại. Cùng đó, còn rất nhiều di tích như đền Phạm Hoành (huyện Kỳ Anh), đền Thanh Hòa (Lộc Hà), đền thờ vọng Lê Khôi (Thạch Hà), đền Liên Minh (Đức Thọ)… các sắc phong cũng đang bị hư hỏng, mất mát, mục nát từng ngày…
Là địa phương có nhiều di tích được xếp hạng, tuy nhiên số lượng di tích quốc gia đặc biệt của Hà Tĩnh lại rất khiêm tốn, chỉ có Khu lưu niệm Nguyễn Du là một di tích độc lập đúng nghĩa. Ngã ba Đồng Lộc và Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh 559, 500 (Hương Khê) chỉ là hai điểm trong hệ thống di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Nhìn sang tỉnh Nghệ An, hiện đã có 6 di tích quốc gia đặc biệt. Với Hà Tĩnh, nếu có kế hoạch và lộ trình phù hợp, cũng có thể xếp hạng từ 3 đến 5 di tích quốc gia đặc biệt nữa (ngoài di tích Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác hiện đã trình hồ sơ và được Bộ VH-TT&DL thỏa thuận, Hội đồng Di sản quốc gia đã họp bỏ phiếu thông qua để xếp hạng trong năm 2024, đúng vào dịp kỷ niệm 300 ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác). Cùng đó, Hà Tĩnh còn có hàng chục hiện vật đủ cơ sở khoa học để xếp hạng bảo vật quốc gia…
Là vùng đất được coi là giàu truyền thống văn hóa, tuy nhiên, Hà Tĩnh cũng là địa phương gần như duy nhất trong cả nước chưa có hai thiết chế rất quan trọng là bảo tàng và địa chí. Nếu như bảo tàng là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hiện vật thì địa chí cũng là một bảo tàng thành văn. Thiếu hai thiết chế này, coi như những cốt lõi của văn hóa đang bỏ ngỏ.
Theo kế hoạch, Dự án Bảo tàng tỉnh sẽ khởi công vào quý I/2025. Tuy nhiên, việc trưng bày như thế nào sau khi bảo tàng xây dựng xong cũng là vấn đề cần phải tính đến ngay từ lúc này.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn miền Bắc lần thứ I ngày 30/5/1956, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Các di tích lịch sử cần được bảo tồn. Bộ Văn hóa phải lo, nếu không thì chỉ trong một thời gian ngắn là mất. Một nước không có di tích lịch sử thì mất ý nghĩa đi…”[1]. Đến Hội nghị tổng kết đợt đi thực tế lần thứ II của Bộ Văn hóa, ngày 11/4/1959, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại nhấn mạnh: “Phải đi sâu vào từng nơi, từng vùng, vạch cho đúng, cho cụ thể. Nếu cần bỏ tiền bỏ gạo tu bổ thì cứ tu bổ, vì nếu để hư hỏng thì ngày mai dù có mười lần tiền gạo nhiều hơn cũng không thể làm được”[2].
Những kết quả về công tác bảo tồn di sản văn hóa trong thời gian qua của Hà Tĩnh là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước. Nếu không kịp thời, chạy đua với thời gian thì nhiều di sản văn hóa của Hà Tĩnh sẽ bị mai một, sau này, rất khó để khôi phục lại được.
*****
[1]. Hồ Chí Minh - Lê Duẩn - Trường Chinh - Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Chí Thanh, Về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr.326.
[2]. Hồ Chí Minh - Lê Duẫn - Trường Chinh - Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Chí Thanh, Về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr.347.