Cuộc chiến pháp lý dai dẳng và chiến thắng của Philippines

Tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và Philippines đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, song căng thẳng leo thang dưới thời Tổng thống Bengino Aquino với đỉnh điểm là Trung Quốc đánh chiếm Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012.

Với lập luận rằng sau nhiều thất bại trong việc dùng các biện pháp ngoại giao với Trung Quốc, Manila đã đơn phương đệ đơn kiện Bắc Kinh vào tháng 1/2013. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đã công bố một phán quyết hoàn toàn nghiêng về phía Philippines.

Cuộc chiến pháp lý dai dẳng

Ngày 22/1/2013, hơn nửa năm sau sự kiện Scarborough, Philippines gửi cho Trung Quốc một bản thông báo và tuyên bố sẽ khởi kiện theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và phụ lục VII của công ước này. Philippines khi đó có thể đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Tuy nhiên, nhược điểm của hai cơ chế này là yêu cầu cả hai bên tranh chấp đồng ý ra tòa.

Một tháng sau khi nhận được thông báo của Manila, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ, tuyên bố không chấp nhận và không tham gia vụ kiện. Bởi vậy, Philippines không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải dựa vào một tòa phân xử theo Phụ lục VII của UNCLOS, vì đây là cơ chế cho phép một bên tranh chấp đơn phương kiện bên còn lại, cụ thể quy định “việc thiếu vắng một bên nào đó trong việc phản biện sẽ không cản trở tiến trình của tòa”.

cuoc chien phap ly dai dang va chien thang cua philippines

Các nhà hoạt động Philippines vui mừng sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye trong cuộc tuần hành tại Manila ngày 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Do Trung Quốc từ chối tham gia cơ chế phân xử bằng trọng tài nên theo quy định của UNCLOS, “nguyên đơn” của vụ kiện là Philippines và Chánh án ITLOS - cơ quan tư pháp độc lập được thiết lập theo UNCLOS, với 21 thành viên tương ứng với 21 quốc gia - đã thành lập tòa trọng tài phân xử vào ngày 21/6/2013. Sau đó Tòa đã họp và lựa chọn Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (tức The Hague) làm Ban thư ký cho vụ kiện. PCA là một tổ chức liên chính phủ gồm 121 quốc gia thành viên, được thành lập vào năm 1899 để hỗ trợ làm trọng tài phân xử và giải quyết tranh chấp giữa các nước, các tổ chức liên chính phủ, các thực thể nhà nước, và các bên tư nhân. Trong vụ kiện Biển Đông, PCA đóng vai trò là cơ chế trung gian hỗ trợ tổ chức tòa phân xử và ban thư ký của vụ kiện.

PCA đã thông báo cho Trung Quốc và Philippines rằng họ có cơ hội trao đổi về dự thảo thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, trong khi Manila rất tích cực và nhiều lần bổ sung hồ sơ vụ kiện cũng như tham gia tranh tụng để giải thích lập trường của mình theo yêu cầu, thì Bắc Kinh liên tục phớt lờ và tuyên bố tòa không có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Philippines đưa ra 15 đệ trình để khởi kiện Trung Quốc với bốn nhóm vấn đề chính: 1/ Sự vô căn cứ của "Đường lưỡi bò" mà Trung Quốc vạch ra; 2/ Xác định tính chất và vùng lãnh hải liên quan cho 9 thực thể trên biển (Bãi cạn Scarborough, Đá Chữ thập, Đá Châu viên, Đá Gạc Ma, Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây, Đá Subi, Kennan và Đá Gaven); 3/ Trung Quốc có những hành vi vi phạm chủ quyền lãnh hải của Philippines và hủy hoại môi trường; 4/ Yêu cầu Trung Quốc không được tái diễn các hành vi vi phạm, và không được tuyên bố Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) cũng như thềm lục địa từ các thực thể tại quần đảo Trường Sa.

Phán quyết mà PCA công bố ngày 12/7 được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi kết quả phán quyết được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình khu vực, nhất là tuyến đường hàng hải trọng yếu nơi mỗi năm trung chuyển khối lượng hàng hóa có giá trị lên tới 5.000 tỷ USD này.

Manila “thắng kiện”

Trước thời điểm PCA công bố phán quyết, người ta đã nhắc đến rất nhiều kịch bản.

Một kịch bản nhận được ít ý kiến đồng tình là tòa sẽ công nhận chứng cứ lịch sử và bản đồ cổ của Trung Quốc, chấp thuận yêu sách “Đường 9 đoạn”. Theo đó, PCA phải tuyên bố tòa không có đủ chứng cứ cụ thể để xác định chủ quyền lãnh hải của các nước ở Biển Đông. Phán quyết này, nếu thành sự thật, được cho là sẽ trở thành cái cớ để Trung Quốc càng hung hăng hơn nữa và hủy hoại mọi hy vọng về đàm phán trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hơn thế nữa, giới phân tích lo ngại rằng một phán quyết theo hướng có lợi cho Trung Quốc sẽ là “lý lẽ pháp lý” để nước này cương quyết dùng vũ lực đàn áp các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn và từ đó, kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và nguy cơ của những cuộc đối đầu nghiêm trọng.

cuoc chien phap ly dai dang va chien thang cua philippines

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris đứng cạnh một bức ảnh tố cáo hoạt động bồi đắp của Trung Quốc đối với Đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: AP

Với không ít lo ngại về tương lai khu vực, một kịch bản được nhiều nhà quan sát ủng hộ nhất là phán quyết mà PCA công bố sẽ không có lợi rõ ràng cho Philippines hay Trung Quốc. Theo đó, PCA sẽ tuyên bố “Đường 9 đoạn” không có căn cứ pháp lý song việc xác định chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông sẽ là vấn đề được để ngỏ cho đàm phán giữa các bên liên quan.

Kịch bản thứ ba, và cũng là điều đã trở thành hiện thực, là một phán quyết nghiêng hẳn về phía Manila. PCA đã công bố nội dung phán quyết cụ thể gồm những nội dung chính như sau:

1. Trung Quốc không có "quyền lịch sử" nào để kiểm soát vùng Biển Đông và Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên ở bên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "Đường 9 đoạn".

2. Không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa cho phép Trung Quốc quyền thiết lập Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ). Itu Aba (Đài Loan gọi là đảo Thái Bình, Việt Nam gọi là đảo Ba Bình) một thực thể nổi khi triều lên là đá và do đó không phải là căn cứ để xác lập EEZ.

3. Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông.

4. Trung Quốc đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa.

5. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi ngầm Mischief (Đá Vành Khăn) hay bãi Thomas (Bãi Cỏ Mây).

Tuy từng nhiều lần nói rằng không chấp nhận thẩm quyền của tòa trọng tài và khẳng định sẽ phớt lờ phán quyết, song ngay sau khi PCA công bố kết quả vụ kiện, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra phản ứng của mình. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã trích dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Phán quyết này hoàn toàn vô nghĩa và vô căn cứ, hoàn toàn không có tính ràng buộc". Có lẽ phán quyết này sẽ càng làm cho Trung Quốc quyết tâm hơn nữa trong việc hiện thực hóa tham vọng bá quyền ở Biển Đông, đẩy mạnh hoạt động xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở những hòn đảo nhân tạo và những khu vực chiếm đóng phi pháp. Căng thẳng ở Biển Đông cũng khó tránh khỏi việc sẽ leo thang.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết nước này hoan nghênh phán quyết của PCA khi tuyên bố rằng Trung Quốc không có "các quyền lịch sử" ở Biển Đông. Ông Yasay cũng hối thúc "kiềm chế" sau phán quyết của PCA.

Về phần mình, Nhật Bản cho rằng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng của vụ kiện và có tính ràng buộc pháp lý, vì vậy các bên liên quan tới vụ kiện phải tuân thủ phán quyết. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản kiên định ủng hộ tầm quan trọng của pháp trị và việc sử dụng các phương tiện hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép trong việc tìm cách giải quyết các tranh chấp biển.

Dù cho phán quyết này sẽ tác động như thế nào đến tình hình khu vực thì trên thực tế đây cũng là một sự kiện mang tính biểu tượng. Rõ ràng việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố phớt lờ phán quyết đã ít nhiều xói mòn uy tín và hình ảnh của cường quốc mới nổi này. Không chỉ vậy, sự kiện Philippines đưa tranh chấp của mình với Trung Quốc ra tòa quốc tế và giành chiến thắng còn là động lực để một số quốc gia vẫn đang do dự trong “cuộc chiến” với Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và thượng tôn của pháp luật quốc tế.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast