Bước tiến lớn vì quyền bình đẳng cho phụ nữ A-rập Xê-út

Ngày 12-12 vừa qua đã đi vào lịch sử A-rập Xê-út khi lần đầu tiên phụ nữ nước này được quyền ứng cử và đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử đã gửi tín hiệu mạnh mẽ cho xã hội A-rập Xê-út rằng, phụ nữ đang tiếp tục cuộc “trường chinh” để tham gia nhiều hơn vào đời sống cộng đồng.

Sáng 12-12, A-man Ba-đren-đi-nan Xa-oa-ri (Amal Badreldinal-Sawari), bác sĩ nhi khoa, 60 tuổi, hồi hộp khi bước tới khu vực bầu cử tại thành phố thánh địa Méc-ca. Là một trong số 979 phụ nữ tham gia tranh cử vào các hội đồng địa phương lần này, Xa-oa-ri không tránh khỏi cảm giác vui mừng xen lẫn lo sợ. Vui mừng vì lần đầu tiên trong đời, bà được thực hiện quyền công dân theo đúng nghĩa. Lo sợ vì sẽ phải hứng chịu những lời chỉ trích nếu thất bại. Hít một hơi thật sâu để xua đi lo lắng, Xa-oa-ri thẳng người tiến về phía khu vực bầu cử.

Một nữ cử tri A-rập Xê-út tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử. Ảnh: Roi-tơ

Một nữ cử tri A-rập Xê-út tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử. Ảnh: Roi-tơ

Cũng giống như bà Xa-oa-ri, bà A-li-a-di An Hô-xai-ni (Aljazi al-Hossaini), 57 tuổi, đã quyết định tham gia ứng cử vào hội đồng địa phương. Để chuẩn bị cho cuộc cải cách lớn này, bà đã tập trung vận động bầu cử 12 ngày trên internet. Bà đưa ra tuyên ngôn trên trang web của mình, nơi cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có thể đọc được. An Hô-xai-ni nói: “Tôi nỗ lực làm tốt nhất trong phạm vi có thể và tự hào vì bản thân làm được điều đó”.

Đối với 979 phụ nữ tham gia ứng cử, cũng như hơn 130.000 phụ nữ đăng ký tham gia bỏ phiếu, cuộc bầu cử lần này là một thành tựu vĩ đại, nơi họ cảm thấy mình là một bộ phận của xã hội mà họ góp phần xây dựng. Hai cử tri trẻ Ri-em Át-xát (Reem Assad) và A-man Phai-xan (Amal Faisal) chia sẻ trên trang mạng xã hội Twitter: “Đã bỏ phiếu xong! Lần đầu tiên tôi được đi bầu cử như một người trưởng thành. Bạn có thể thấy nó buồn cười, nhưng với tôi, đó là sự khởi đầu”…

Theo kết quả kiểm phiếu, có 20 phụ nữ A-rập Xê-út trúng cử các chức danh Hội đồng địa phương trong cuộc bầu cử ngày 12-12. Trong số đó, bà Xan-ma Bin Hi-dát An Ô-tê-bi (Salma Bint Hizab al-Oteibi) đã giành một ghế trong Hội đồng Ma-đra-ca, một khu vực tại thành phố thánh địa Méc-ca, còn cô Ha-nu Bin An Ha-di-mi (Hanouf bin al-Hazimi) giành một ghế ở thành phố An Gio-phơi. Đối với những người thắng cử, sự hiện diện của phụ nữ trong Hội đồng địa phương đồng nghĩa với việc họ có thể tiếp cận với một số vấn đề mà trước đây là không thể, đồng thời mở ra một cơ hội mới đối với phụ nữ A-rập Xê-út trong những năm tới.

Hội đồng địa phương là cơ quan trực thuộc chính phủ duy nhất ở A-rập Xê-út mà các công dân có thể được lựa chọn các đại diện của họ. Đây là lần thứ ba cuộc bầu cử được tổ chức, đầu tiên vào năm 2005 và lần thứ hai vào năm 2011, nhưng chỉ có nam giới mới được tham gia. Khác với hai lần trước, cuộc bầu cử lần này được cả thế giới quan tâm và theo dõi sát sao, vì đây là lần đầu tiên phụ nữ ở đất nước A-rập được đi bầu cử và ứng cử.

Sự kiện phụ nữ A-rập Xê-út được bầu vào Hội đồng địa phương được coi là "bước tiến quan trọng" bởi từ trước đến nay, phụ nữ nước này chịu nhiều ràng buộc như không được lái xe, không được tự do đi lại... Theo luật Hồi giáo Sharia, phụ nữ A-rập Xê-út phải có người giám hộ (cha hay chồng), họ phải trùm khăn che đầu và mặc y phục truyền thống khi ra ngoài…

Tháng 9-2011, Quốc vương A-rập Xê-út Áp-đu-la Bin Áp-đun A-dít (Abdullah bin Abdul Aziz) đã cho phép phụ nữ có quyền tham gia bỏ phiếu và ứng cử trong các cuộc bầu cử cấp địa phương. Quốc vương còn tuyên bố, các đại diện phái yếu sẽ được phép bầu làm thành viên Hội đồng Shura (cơ quan lãnh đạo cấp cao). Dưới thời trị vì của Quốc vương Áp-đu-la, A-rập Xê-út đã từng bước tạo điều kiện cho phụ nữ có vai trò lớn hơn trong xã hội, đi học đại học và khuyến khích lao động nữ. Hiện nay, phụ nữ trong lực lượng lao động ở A-rập Xê-út đã tăng đáng kể, từ 23.000 người vào năm 2004 lên hơn 400.000 người năm 2015.

Mặc dù vậy, cuộc bầu cử không được kỳ vọng sẽ có những tác động lớn đến xã hội, vốn được xem là rất bảo thủ với quy định phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Ngay việc phụ nữ được tham gia vào cuộc bầu cử nhưng vẫn bị phân biệt trong cách thực hiện quyền công dân của mình. “Theo quy tắc phân biệt giới tính, nam giới và nữ giới sẽ bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu riêng. Ngoài ra, các ứng cử viên nữ không được phép tiếp xúc trực tiếp với các cử tri nam, thuyết trình chương trình tranh cử phải thông qua người ủng hộ là nam giới và người thân”, tờ Người bảo vệ của Anh cho hay.

Nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng, cuộc bầu cử là bước ngoặt lớn đối với mỗi phụ nữ ở quốc gia A-rập này. “Nhiều người không có niềm tin vào các nữ ủy viên hội đồng địa phương, nhưng sự có mặt của họ sẽ tạo thêm sắc màu mới và giảm đi tham nhũng. Hãy cho họ có thời gian hành động để tạo ra một tác động tích cực trong xã hội”, nhà báo Giê-đa Xa-ma Pha-ta-ni (Jeddah Samar Fatany) đề xuất.

Theo LINH OANH/qdnd.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast