Nguyên nhân nào khiến Mỹ thất bại trong chiến tranh đương đại?

Nỗi ám ảnh của Lầu Năm Góc về việc phải duy trì ưu thế quân sự trong tương lai trước Nga-Trung là điều rất nguy hại cho quân đội Mỹ.

Nghiêng về lựa chọn các dự án quân sự công nghệ cao đắt tiền của tương lai, Bộ Quốc phòng Mỹ đang sai lầm nghiêm trọng - Trung tá Thủy quân lục chiến Mỹ, kiêm chuyên viên Trung tâm An ninh Mỹ Peter Maclear đã nhận định như vậy trên “War on the Rocks”.

Theo ông Maclear, các biện pháp cần thiết để chống các lực lượng vũ trang của các đối thủ Nga và Trung Quốc đã gây thiệt hại cho các lực lượng vũ trang thường trực chủ chốt của Mỹ, có khả năng phản ứng nhanh với rất nhiều thách thức an ninh.

Các hạn chế về ngân sách buộc Lầu Năm Góc phải có những thỏa hiệp nghiêm trọng về chiến lược.

Bộ Quốc phòng buộc phải lựa chọn: Hoặc là chuẩn bị lực lượng đầy đủ khả năng răn đe trong cuộc chiến tranh lớn trong tương lai, hoặc hỗ trợ tiềm năng ít ỏi cho quân đội Mỹ để đối phó với các xung đột hiện tại, ít mạo hiểm hơn và trên quy mô nhỏ hơn.

Tuy nhiên, nỗi sợ hãi đối với cuộc chiến tranh lớn trong tương lai có thể dẫn đến thực tế rằng Hoa Kỳ đi “lạc đường” và phải chịu thất bại trong những xung đột mà Lầu Năm Góc hiện đang can dự " - chuyên gia quân sự Maclear cho biết.

Theo ông Maclear, nỗi sợ Nga-Trung đã dẫn đến thực trạng là đề xuất gần đây đối với ngân sách quốc phòng đang tiếp nối "xu hướng mạo hiểm" là đầu tư thiếu cân đối vào các hệ thống công nghệ cao và đắt tiền, ví dụ như tàu ngầm hạt nhân mới, tàu sân bay Gerald R.Ford hay máy bay ném bom tầm xa B-21.

Nguyên nhân nào khiến Mỹ thất bại trong chiến tranh đương đại? ảnh 1

Chuyên gia Mỹ cho rằng, do quá sợ Nga-Trung nên Mỹ đã đầu tư chệch hướng

Tất cả các hệ thống này được thiết kế đặc biệt để chống trả tiềm năng quân sự của Nga và Trung Quốc nhưng nó cũng không đạt hiệu quả cao, trong khi đó, để làm điều đó, Mỹ phải cắt giảm chi phí mua các tàu mặt nước đã dự kiến, giảm số lượng bộ binh Mỹ, rút nhiều đơn vị Mỹ về nước.

Theo ông Maclear, chính sách này khiến Mỹ bất lực nhiều cuộc xung đột kéo dài với các đối thủ “làng nhàng”. Nếu Washington đầu tư vào công nghệ cao, chứ không đầu tư cho các lực lượng vũ trang linh hoạt ở tuyến đầu, lợi thế sẽ thuộc về các đối thủ của Mỹ trong cuộc xung đột hiện tại.

Hôm 19-01 vừa qua, Trung tâm Các nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) đã công bố một báo cáo với kết luận rằng, sự thay đổi không ngừng của cán cân quyền lực ở châu Á, đặc biệt là trong tương quan với Trung Quốc đang không có lợi cho Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu và NATO đang bộc lộ rõ sự kém hiệu quả và thiếu năng lực trong các vấn đề an ninh. Bất kỳ khủng hoảng nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền an ninh của châu Âu, sớm muộn đều cần tới sự can thiệp của Quân đội và các cơ quan đặc nhiệm Mỹ.

Do đó, nếu hoạch định đầu tư phát triển vũ khí trang bị không cân đối và lệch trọng tâm thì trong thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chiếm ưu thế trong giải quyết các sự vụ quốc tế, trước các đối thủ nặng ký trên toàn cầu như Nga, Trung Quốc.

Đặc nhiệm không đủ súng, tàu chiến kém hiệu quả

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã có khá nhiều lời phàn nàn về việc đầu tư kém hiệu quả hoặc hoạch định thiếu hợp lý của Bộ quốc phòng Mỹ, ví dụ như việc đóng tàu chiến không hiệu quả hoặc đặc nhiệm thiếu súng nhưng không phải do thiếu tiền.

Vừa qua, lực lượng đặc nhiệm “Hải cẩu” (SEAL) của Mỹ tuyên bố họ không đủ súng trường tấn công để sử dụng.

Việc biệt đội đặc nhiệm chuyên trách thực hiện những sứ mệnh tuyệt mật của chính phủ và các hoạt động chống khủng bố tuyên bố về việc thiếu súng trường chiến đấu vì những lí do rất buồn cười đã khiến nhiều người thấy lạ và khiến các nghị sĩ Mỹ không hài lòng.

Hãng thông tấn Mỹ AP (Associated Press) cho biết, do không đủ súng, các quân nhân buộc phải sử dụng chúng theo thứ tự. Vấn đề không phải ở việc thiếu kinh phí mà ở chỗ ngay từ ban đầu, ngân sách dành cho hoạt động đặc biệt vốn chỉ quy định một số lượng vũ khí không nhiều.

Lính đặc nhiệm Mỹ đã gửi khiếu nại của mình đến ông Duncan Hunter, một dân biểu từ đảng Cộng hòa, cũng là cựu thành viên của lực lượng đặc nhiệm "Hải cẩu", đã từng ba lần từng tham gia các hoạt động ở Iraq và Afghanistan để đề xuất ý kiến thay đổi cơ chế cung cấp vũ khí cho họ.

Mới đầu tháng 2 vừa qua, một báo cáo của Lầu Năm Góc cho thấy, các chiến hạm thế hệ mới của Mỹ không đối phó nổi với nguy cơ thường thường bậc trung. Đánh giá này là giành cho các tàu tác chiến ven bờ (LCS- Littoral Combat Ship) thế hệ mới của hải quân Mỹ.

Nguyên nhân nào khiến Mỹ thất bại trong chiến tranh đương đại? ảnh 2

Ít ai ngờ được rằng, đặc nhiệm “Hải cẩu” (SEAL) của Mỹ lại không đủ súng để dùng

Bloomberg dẫn nguồn từ báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, các tàu tuần duyên mới của Hải quân Hoa Kỳ lớp LCS tỏ ra yếu kém trong các cuộc thử nghiệm chống nhóm tàu tấn công cỡ nhỏ, không đủ khả năng đẩy lui mối đe dọa khá khiêm tốn nằm xa tầm hỏa lực.

Việc các chiến hạm có lượng giãn nước không nhỏ (trên dưới 4000 tấn) này được trang bị vũ khí quá kém đã đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về khả năng đối phó với những mối đe dọa lớn hơn - Giám đốc Cục hoạt động thử nghiệm của Lầu Năm Góc là Michael Gilmore viết trong báo cáo.

Vị quan chức quân sự này cũng lưu ý rằng trong quá trình thử nghiệm cả hai phiên bản tàu tuần duyên loại này đã bộc lộ hàng loạt trục trặc, từ vấn đề với máy phát điện và hệ thống điều hòa không khí cho đến ngắt mạch trong hệ thống an ninh mạng, làm giảm đáng kể hiệu suất hoạt động của tàu lớp LCS.

Trước đó, các quan chức Mỹ cũng đã nhiều lần phàn nàn về việc Mỹ đóng những chiến hạm quá lớn vừa lãng phí vừa không hiệu quả như các khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt (DDG-1000) hay tàu sân bay khổng lồ lớp Gerald R. Ford.

Trong khi đó, các dự án chiến hạm cỡ nhỏ (nhỏ đối với Mỹ) là các tàu tác chiến ven bờ lớp Freedom và Independence thì lại quá yếu ớt, chỉ đủ khả năng chống cướp biển, chứ không đủ khả năng đối phó với các tàu hộ vệ cỡ nhỏ hay các tàu tên lửa của các đối thủ như Nga, Trung Quốc.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast