Rút quân khỏi Afghanistan, chính quyền Biden đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn

Một số chuyên gia lo ngại, quyết định của chính quyền Biden rút quân ra khỏi Afghanistan dù là với quy mô lớn hay quy mô nhỏ đều tiềm ẩn những rủi ro.

Sau một thời gian dài cân nhắc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức đưa ra quyết định rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan. Theo kế hoạch, tất cả binh sỹ Mỹ sẽ được trở về nhà trước ngày 11/9/2021, khép lại cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ đúng vào thời điểm kỷ niệm 20 năm ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố - sự kiện châm ngòi cho cuộc chiến ở Afghanistan.

Rút quân khỏi Afghanistan, chính quyền Biden đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn

Binh sỹ Mỹ tại Afghanistan. (Nguồn: EPA)

Bước đi thận trọng của chính quyền Biden

Trong bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Biden cho biết, cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ tại Afghanistan sẽ chấm dứt vào tháng 9/2021. Dù thời điểm mà ông Biden đưa ra muộn hơn so với hạn chót ngày 1/5 đã được người tiền nhiệm Donald Trump nhất trí trong thỏa thuận với Taliban, nhưng quyết định này cho thấy chính phủ mới của Mỹ đã không hủy bỏ thỏa thuận.

Chuyên gia Viện các Ưu tiên Quốc phòng tại Washington, bà Bonnie Kristian cho rằng, những lý lẽ mà Tổng thống Biden đưa ra về việc chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột Afghanistan rất thực tế và đầy thuyết phục. Ông Biden đã chỉ ra sự vô ích trong các nỗ lực của Mỹ nhằm giúp chính phủ Afghanistan củng cố quyền lực và tái thiết đất nước, đồng thời khẳng định cần phải trao quyền tự quyết hoàn toàn cho Afghanistan và để họ tự tìm kiếm giải pháp chấm dứt một cuộc nội chiến. Nhắc lại chuyến thăm Afghanistan vào năm 2008, Tổng thống Biden khẳng định: “Chỉ người dân Afghanistan mới có quyền và trách nhiệm điều hành đất nước của họ”.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, một cuộc chiến bất tận của Mỹ không thể giúp “tạo ra hoặc duy trì một chính phủ Afghanistan bền vững” và “chúng ta thật ngớ ngẩn khi tiếp tục cố gắng”. “Đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của lưỡng đảng. Tất cả mọi người đều hiểu rằng các điều kiện sẽ không bao giờ được đáp ứng, vì thế một số giải pháp được đưa ra trên danh nghĩa là chấm dứt chiến tranh nhưng thực tế lại là công cụ khiến cuộc chiến kéo dài hơn”, bà Bonnie Kristian nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho biết thêm: “Bài phát biểu ngắn gọn của ông Biden đã khẳng định quyết tâm rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan, cho thấy kế hoạch cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Thành thật mà nói, đây là điều cần thiết đối với một cuộc chiến kéo dài, tốn kém và đầy hỗn loạn như vậy”.

Tránh lặp lại sai lầm của chiến tranh Iraq

Thách thức đối với nhà lãnh đạo Mỹ trong những tháng tới là làm sao để giữ vững chương trình nghị sự của ông và khiến việc chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan vào năm 2021 không lặp lại kịch bản rút khỏi cuộc chiến Iraq vào năm 2011.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rút quân ra khỏi Iraq vào năm 2011, dẫn đến sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. IS đã lợi dụng khoảng trống quyền lực để chiếm đóng các khu vực và mở rộng tầm ảnh hưởng, có thời điểm chúng chiếm giữ tới 40% lãnh thổ Iraq. Tiếp đến là một loạt chiến dịch chống khủng bố rầm rộ do Mỹ và đồng minh thực hiện, với giai đoạn cao trào diễn ra vào năm 2019 dẫn đến việc giải phóng toàn bộ lãnh thổ do IS chiếm đóng. Những sự kiện lịch sử trong suốt 1 thập kỷ qua đã để lại bài học đắt giá cho chính quyền hiện tại của Mỹ. Nhiều người hy vọng, với những kinh nghiệm có được khi làm phó tổng thống dưới thời chính quyền Obama, ông Biden có thể tránh mắc sai lầm tương tự.

Tổng thống Biden đã nêu bật sự khác biệt giữa nhiệm vụ ban đầu của chiến dịch quân sự mà Mỹ thực hiện tại Afghanistan – nhằm trả đũa cho cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và đảm bảo “Afghanistan sẽ không được sử dụng làm căn cứ tấn công nước Mỹ”, với những sứ mệnh không có mục đích rõ ràng trong những năm tiếp theo. Ông cam kết sẽ tiếp tục các chiến dịch chống khủng bố để giúp người dân Mỹ được an toàn.

Tuần trước, các quan chức trong chính quyền Biden nói với Washington Post rằng, mục tiêu của họ là “rút hoàn toàn cho đến khi không còn một binh sỹ nào tại Afghanistan cho đến tháng 9”. Nhưng New York Times tiết lộ, điều này không có nghĩa là chính quyền Biden chấm dứt mọi nỗ lực chống khủng bố tại Afghanistan: “Thay vì tuyên bố duy trì quân đội ở Afghanistan, Mỹ nhiều khả năng sẽ dựa vào các lực lượng đặc nhiệm, các nhà thầu của Lầu Năm Góc và các thành viên của cơ quan tình báo để tìm kiếm và triệt phá những mối đe dọa nguy hiểm nhất từ Al Qaeda hoặc từ IS”.

VOV.VN - Cuộc chiến dai dẳng Afganistan đắt đỏ cả về sinh mạng con người, tiền của và tinh thần-tâm lý của tất cả các phía, mà số đông nạn nhân là trẻ em, phụ nữ và dân thường vô tội.

Những rủi ro tiềm ẩn

Một số chuyên gia lo ngại, quyết định rút quân ra khỏi Afghanistan dù là với quy mô lớn hay quy mô nhỏ đều tiềm ẩn những rủi ro. Trong cuộc họp với Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hồi tuần này, Giám đốc CIA William J. Burns cho rằng, IS hoặc al-Qaida có thể lợi dụng việc Mỹ rút quân để củng cố lực lượng hoặc thực hiện âm mưu tấn công nước Mỹ hay các lợi ích của Mỹ. Theo ông, Mỹ chắc chắn sẽ mất đi một số công cụ thu thập thông tin tình báo để chống lại các mối đe dọa từ những phần tử cực đoan, song mức độ tổn thất hoàn toàn có thể kiểm soát được.

“Khả năng thu thập thông tin tình báo và hành động của chính phủ Mỹ đối với các mối đe dọa sẽ giảm đi. Đó là một sự thật. Nhưng CIA sẽ nỗ lực làm việc với các đối tác để cung cấp cảnh báo chiến lược cho các cơ quan khác trong chính phủ Mỹ, cho phép tất cả các bên triệt tiêu mối đe dọa đó trước khi nó bắt đầu thành hiện thực”, ông William J. Burns nói.

Stephen Biddle, giáo sư chính trị quốc tế trường Đại học Columbia, người từng cố vấn cho các chỉ huy của Mỹ ở Afghanistan cho rằng, nhiều khả năng al-Qaeda có thể khôi phục lại các căn cứ của tổ chức khủng bố này ở Afghanistan sau khi binh sỹ của Mỹ và liên minh rời đi. Theo thỏa thuận vào tháng 2/2020, Taliban cam kết với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rằng họ sẽ không cho phép al-Qaida hoặc các nhóm cực đoan nào khác sử dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa Mỹ. Nhưng thỏa thuận này có thể bị phá vỡ do việc chính quyền Biden không hoàn tất rút toàn bộ lực lượng theo cam kết vào ngày 1/5.

Theo ông Stephen Biddle, rủi ro lớn nhất sau khi Mỹ rút quân là sự sụp đổ của các lực lượng an ninh Afghanistan và cuộc nội chiến tại quốc gia này “sẽ trở nên tàn khốc hơn cuộc nội chiến diễn ra vào những năm 1990”. “Đây sẽ là một thảm họa nhân đạo đối với người Afghanistan”.

Nhìn rộng hơn, sự vắng mặt của các lực lượng Mỹ ở Afghanistan có thể khiến tình hình trong khu vực trở nên bất ổn hơn, thậm chí khiến căng thẳng leo thang giữa Pakistan và Ấn Độ - hai cường quốc hạt nhân trong khu vực.

“Đây là một khu vực tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chính phủ Afghanistan sụp đổ. Đây sẽ là rủi ro lớn nhất”, ông Biddle cho biết.

Tuy vậy, một số chuyên gia khác lại cho rằng, quyết định rút quân cho thấy chính quyền Biden có cái nhìn tương đối rõ ràng về tình hình hiện tại. Sự hiện diện liên tục và vô thời hạn của Mỹ ở Afghanistan sẽ không mang lại cho Washington nhiều lợi ích hơn những gì mà họ đã đạt được. 20 năm can thiệp quân sự và sẵn sàng đặt mạng sống của các binh sỹ vào tình thế nguy hiểm là quá đủ để Washington chứng minh rằng họ sẽ không bao giờ cho phép Afghanistan trở thành mối đe dọa thêm một lần nữa./.

Theo VOV

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast