Bộ trưởng Canh nông đầu tiên là một nhà thơ quê Hà Tĩnh, đó là ai?

(Baohatinh.vn) - Năm 26 tuổi, ông được bổ nhiệm là Bộ trưởng Canh nông (nay là Bộ NN&PTNT) trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là một trong những nhà thơ lớn, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XX.

Nhà thơ nào quê Hà Tĩnh là Bộ trưởng Canh nông đầu tiên?
A: Xuân Diệu
B: Hoàng Ngọc Phách
C: Chính Hữu
D: Huy Cận

Giải thích

Nhà thơ Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận, sinh ngày 31/5/1919 tại xã Ân Phú, thời đó thuộc huyện Hương Sơn, sau chuyển về Đức Thọ và nay là huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Trước Cách mạng tháng Tám, ông học tú tài, sau đó thi vào Trường Cao đẳng Canh nông, bắt đầu hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cuối tháng 7/1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc (sau mở rộng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Năm 26 tuổi, ông là Bộ trưởng Canh nông (nay là Bộ NN&PTNT) và Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời. Ông cũng là Bộ trưởng Canh nông đầu tiên trong Chính phủ lâm thời. Từ năm 1946 đến lúc nghỉ hưu, ông liên tục được giao nhiều trọng trách quan trọng như: Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Bộ trưởng Đặc trách công tác văn hóa - thông tin tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam… Huy Cận cũng là đại biểu Quốc hội khóa I, II và VII.
Tập thơ đầu tay của ông là gì?
A: Trời mỗi ngày lại sáng
B: Đất nở hoa
C: Lửa thiêng
D: Vũ trụ ca

Giải thích

“Lửa thiêng” là tập thơ đầu tay của Huy Cận, sáng tác vào khoảng năm 1937-1940. Tập thơ này được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao về cả nội dung và nghệ thuật, được xem là tác phẩm ưu tú nhất trong sự nghiệp của nhà thơ. Ngay từ khi mới ra đời, tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhị giữa chất cổ điển phương Đông và vẻ hiện đại phương Tây. “Lửa thiêng” đã khẳng định tài năng của Huy Cận, đưa ông trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới (1932-1945) khi trào lưu thi ca này đang ở giai đoạn đỉnh cao với những tên tuổi như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… Trên thi đàn văn học Việt Nam, Huy Cận được mệnh danh là một nhà thơ đa tài, bên cạnh tập thơ “Lửa thiêng”, những tác phẩm chính của Huy Cận gồm: Vũ trụ ca (thơ, 1942); Kinh cầu tự (văn xuôi, 1942); Tính chất dân tộc trong văn nghệ (nghiên cứu, 1958); Trời mỗi ngày lại sáng (thơ, 1958); Đất nở hoa (thơ, 1960); Bài thơ cuộc đời (thơ, 1963); Hai bàn tay em (thơ, 1967); Phù Đổng Thiên Vương (thơ, 1968); Những năm sáu mươi (thơ, 1968); Cô gái Mèo (thơ, 1972); Thiếu niên anh hùng họp mặt (thơ, 1973); Chiến trường gần đến chiến trường xa (thơ, 1973); Những người mẹ, những người vợ (thơ, 1974); Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (thơ, 1975); Sơn Tinh, Thủy Tinh (thơ, 1976); Ngôi nhà giữa nắng (thơ, 1978); Hạt lại gieo (thơ, 1984); Văn hóa và chính sách văn hóa ở CHXHCN Việt Nam (viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Paris, 1985); Tuyển tập (thơ, 1986); Nước thủy triều Đông (thơ, song ngữ, xuất bản ở Paris, 1994); Hồi ký song đôi (1997)…
Bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận gợi nhớ đến con sông nào?
A: Sông Lam
B: Sông Lô
C: Sông Thái Bình
D: Sông Hồng

Giải thích

“Tràng giang” nằm trong tập thơ “Lửa thiêng” là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của nhà thơ Huy Cận. Bài thơ được viết vào mùa thu năm 1939, khi tác giả tròn 20 tuổi. Trong Tác phẩm văn học 1930-1975 (tập III), nhà thơ Huy Cận viết: “Tràng giang là bài thơ được sông Hồng gợi tứ. Trước cách mạng, tôi thường có thú vui vào chiều Chủ nhật hàng tuần đi lên vùng Chèm. Về để ngoạn cảnh Hồ Tây và sông Hồng”. Bài thơ với lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, toàn văn như sau: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng/ Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/ Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu/ Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng/ Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa/ Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Bài thơ “Tràng giang” được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học lớp 11 khoảng 30 năm nay.
Huy Cận là người ký quyết định thành lập trường đại học nào?
A: Học viện An ninh nhân dân
B: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
C: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
D: Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Giải thích

Năm 1946, khi làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Cù Huy Cận ký Nghị định số 215-NV/NĐ ngày 25/6/1946 thành lập các lớp huấn luyện công an sơ cấp và trung cấp (tiền thân của Học viện An ninh nhân dân). Thời điểm đó, Bộ Nội vụ được giao quản lý ngành Công an. Với tư cách thành viên Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông cũng đại diện ngành Công an trả lời chất vấn trong phiên chất vấn đầu tiên của lịch sử Quốc hội và lịch sử ngành Công an vào ngày 31/10/1946.
Huy Cận là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Thơ thế giới. Sự kiện này diễn ra vào năm nào?
A: 2000
B: 2001
C: 2002
D: 2003

Giải thích

Năm 2001, Huy Cận là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Thơ thế giới. Điều đó không chỉ có ý nghĩa tôn vinh tài năng của nhà thơ Huy Cận mà còn thể hiện sự ghi nhận, vinh danh những đóng góp của thơ ca Việt Nam với thế giới. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và thi ca, nhà thơ Huy Cận đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Hiếm có nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX có một sự nghiệp dồi dào, ổn định và gánh trọng trách một nhà quản lý văn hóa trọn vẹn như Huy Cận. Ông mất ngày 19/2/2005 tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói