Áp dụng công nghệ lò gạch kiểu đứng - doanh nghiệp và xã hội có lợi

Trong khi lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nặng nề, còn lò tuynen hiện đại có chi phí xây dựng quá cao đối với các hộ dân thì sự ra đời của công nghệ lò gạch liên tục kiểu đứng đang là giải pháp hữu hiệu, nhằm tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường, đưa lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và toàn xã hội…

Mô hình sản xuất gạch tuynen Cẩm Vĩnh (Thạch Hà) hiện đại nhưng chi phí xây dựng không quá cao đối với hộ gia đinh
Mô hình sản xuất gạch tuynen Cẩm Vĩnh (Thạch Hà) hiện đại nhưng chi phí xây dựng không quá cao đối với hộ gia đinh

Có thể nói, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có sản lượng gạch ngói nung cao nhất nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công có quy mô lớn, vừa và kinh tế hộ gia đình phân bố ở khắp 12 huyện, thành phố. Mỗi năm, các cơ sở này cung cấp ra thị trường hàng triệu viên gạch, góp phần tăng ngân sách địa phương, đưa lại thu nhập cho một bộ phận lao động, đặc biệt là lao động phổ thông. Dẫu vậy, công nghệ sản xuất của đa số các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói của tỉnh ta vẫn còn lạc hậu, chủ yếu là sử dụng lò gạch thủ công. Điều này đã dẫn đến mức tiêu hao năng lượng của các doanh nghiệp này tương đối lớn, giá thành sản xuất ở mức cao và sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng bị hạn chế. Tương ứng với tốc độ sử dụng năng lượng, một lượng khí thải khổng lồ cũng được thải ra môi trường do nhiệt độ của khói thải và nhiệt độ của gạch thành phẩm một cách khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, nhất là sự an toàn của những người thợ trực tiếp sản xuất. Đó là chưa kể chất lượng của những viên gạch được nung từ lò thủ công đã bộc lộ nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Mỗi mẻ gạch ra lò chỉ có khoảng 60% sản lượng là đạt tiêu chuẩn độ chín đều, còn lại là gạch loại 2 và 3, chỉ sử dụng cho các công trình nhỏ, bán với giá thấp hơn so với chi phí đầu tư.

Để thay thế cho các lò gạch thủ công, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, điển hình như công nghệ sản xuất gạch bằng lò tuynen hiện đại. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của công nghệ này là vốn đầu tư quá cao, trong khi đó, điểm khó khăn nhất hiện nay là do hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn để thay đổi trang thiết bị sản xuất hiện đại. Nhất là đối với các địa phương còn nghèo như tỉnh ta, phần lớn lò gạch trên địa bàn tỉnh ta chỉ mới sản xuất ở phạm vi hộ gia đình. Sự ra đời của công nghệ nung gạch bằng lò nung liên tục kiểu đứng (công trình của Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt -Lạnh, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã giải được bài toán khó cho các doanh nghiệp trong việc lựa chọn công nghệ. Theo đánh giá của Sở KH&CN tỉnh, kiểu nung gạch mới giải quyết được 2 vấn đề cơ bản là hạn chế ô nhiễm môi trường, đạt hiệu suất cao với giá thành thấp. Điều quan trọng, phù hợp hơn cả với những hộ sản xuất vừa và nhỏ, bởi vốn đầu tư ít mà chất lượng gạch vẫn đảm bảo. Xét về khả năng giảm thiểu sự ô nhiễm, lò có cấu tạo kiểu đứng, gạch được cấp liên tục vào lò từ phía trên, ngược chiều với dòng khói mang nhiệt đi từ dưới lên để gia nhiệt cho viên gạch. Chính nhờ đặc điểm đó, nhiệt được tận dụng một cách tối đa giữa các giai đoạn. Chẳng hạn, khói thải của giai đoạn nung sẽ là môi chất gia nhiệt cho gạch mộc ở trên đi xuống; không khí lạnh từ dưới lên sẽ được gia nhiệt nhờ nhận nhiệt từ lớp gạch làm nguội sau giai đoạn nung. Bằng cách đó, năng lượng được tái tạo trong viên gạch mà không mất đi đâu cả, lượng khói thải ra hầu như không còn. Quá trình sản xuất liên tục cũng tiết kiệm được nguyên vật liệu như tre, củi, dầu, và đảm bảo các viên gạch ít bị hao vỡ so với lò thủ công gián đoạn, gạch loại 1 (đạt tiêu chuẩn chín đều) đạt tỷ lệ trên 90%. Theo đó, công nghệ mới này cũng làm giảm 50% tiêu hao nhiên liệu so với lò thủ công, giảm lưu lượng khói thải, lượng SO2 và CO2 và nhiệt độ khói, đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường.

Dẫu vậy, bước đột phá về chuyển đổi công nghệ nung gạch trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa mấy thuận lợi. Để tiếp sức cho các doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói, Sở KH&CN đã triển khai đề tài “Chuyển giao KHCN xây dựng lò sản xuất gạch kiểu đứng liên tục tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)” tại cơ sở sản xuất và kinh doanh VLXD Khánh Trang (Thị Trấn Hương Khê). Dự án được thực hiện trong 18 tháng với tổng số vốn hỗ trợ trên 217 triệu đồng là kinh phí chuyển giao công nghệ. Đến nay, cơ sở đi vào sản xuất ổn định với công suất 5 triệu viên mỗi năm. Bà Đặng Thị Kim Oanh, Giám đốc cơ sở SX& KD VLXD Khánh Trang cho biết: “Trước đây, với lò truyền thống chúng tôi phải mất gần 15 ngày để sản xuất một mẻ gạch, còn nay, công nhân có việc làm thường xuyên, trung bình mỗi ngày sản xuất trên 10 ngàn viên, cung ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Không chỉ thế, nhờ tiết kiệm được năng lượng mà giá thành sản phẩm giảm nhiều lần, nhờ vậy chúng tôi thu lãi nhiều hơn. Điều đăc biệt, công nghệ mới này còn đảm bảo sức khoẻ cho công nhân và cả cộng đồng xung quanh”.

Rõ ràng, sản xuất gạch theo công nghệ kiểu đứng liên tục đã thể hiện được tính ưu việt. Đây chính là giải pháp quan trọng để thay thế các lò gạch thủ công truyền thống, đồng thời tiết kiệm đáng kể nguồn nguyên liệu chất đốt, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast