Bài 1: Chìm trong bế tắc

“Thở bằng ô xy”, “chết lâm sàng” - những cụm từ được giới doanh nhân ví von là bức tranh ảm đạm chưa từng có của doanh nghiệp (DN) hiện nay. “Khúc dạo đầu” về lạm phát dù chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn từ năm 2008 nhưng đã khiến không ít DN lao đao. Tình trạng này kéo dài đang khiến nhiều DN mấp mé bờ vực thẳm. Hệ lụy là đời sống của hàng ngàn lao động lâm vào bế tắc. Những giải pháp ngành chức năng đưa ra nhằm cứu vãn tình thế đang như... muối bỏ biển.

Doanh nghiệp trong “cơn lốc” lạm phát

540 trong tổng số 3.446 DN và HTX đã giải thể hoặc buộc phải giải thể dẫu chưa phản ánh hết thực tế nhưng lần đầu tiên được ngành chức năng công bố đã nói lên tình cảnh bi đát của đội ngũ DN. Khó khăn là do nhiều lý do tác động do khách quan mang lại nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì yếu tố chủ quan từ phía DN cũng rất lớn. Cho đến nay chưa ai có thể lường trước được những gì sẽ đến, bởi phía trước vẫn là chặng đường đầy chông gai.

Những yếu tố khách quan tác động xấu đến DN vẫn là “điệp khúc” quá quen thuộc khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán. Đó là đầu tư công bị thắt chặt, ngân hàng xiết chặt tín dụng và lãi suất lên đến đỉnh. Bên cạnh đó, một trong những tác động rất lớn đến hoạt động của DN là thị trường bất động sản bị đóng băng khiến mọi giao dịch vốn thông qua con đường này bị ngưng trệ.

Không phải bây giờ mà năm 2008, dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng khủng hoảng kinh tế đã làm không ít DN lao đao. Lần này khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia đang phát triển.

DN xây lắp là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất khi các công trình xây dựng dở dang do thiếu vốn và khối lượng công việc đã được nghiệm thu không được thanh toán.

DN xây lắp là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất khi các công trình xây dựng dở dang do thiếu vốn và khối lượng công việc đã được nghiệm thu không được thanh toán.

Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” ban hành đầu năm 2011 nhằm đưa nước ta thoát khỏi mọi bế tắc mà nhiều quốc gia đang mắc phải. Đó là một chủ trương hoàn toàn phù hợp, nhất là trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu đang là căn bệnh nan y. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lớn không thể tránh khỏi những tổn thương ngoài mong muốn. Hơn 1 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 11, hoạt động của nhiều DN đang mấp mé bờ vực thẳm.

Theo ông Nguyễn Đắc Dân - Trưởng phòng Quản lý DN (Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh), “80% DN đang lao đao, nếu không muốn nói là lâm vào tình cảnh không lối thoát”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thực tế con số đó rất có thể còn cao hơn.

Trong số 31% DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại - du lịch - dịch vụ và xuất nhập khẩu, chỉ có hoạt động của các DN thương mại có phần ổn định hơn. Bởi lượng hàng hóa bán ra tăng hay giảm tùy thuộc thị trường ở từng thời điểm khác nhau. Đương nhiên không thể nói là thuận lợi khi mức tiêu dùng bị sụt giảm. Khó khăn nhất vẫn là hoạt động của các DN sản xuất hàng hóa và chế biến hàng xuất khẩu.

Giá cả nguyên liệu đầu vào tăng quá nhanh cùng với các chi phí khác cũng tăng vùn vụt, trong khi đó giá bán ra vẫn giữ nguyên. Một DN lớn chuyên sản xuất hàng xuất khẩu cay đắng cho biết: “Cho đến nay DN vẫn tồn kho với tổng số hàng trị giá 40 tỷ đồng. Ngoại trừ công nghệ kém, tay nghề lao động thấp thì đầu vào quá cao so với lợi nhuận khiến cho hàng hóa trong nước sản xuất ra không đủ sức cạnh tranh với nước ngoài”.

Ở lĩnh vực kinh doanh vận tải, nhiều DN “kêu trời” vì giá nhiên liệu và nhiều chi phí tăng quá cao trong khi cước phí vận chuyển dù có nhích nhưng chẳng đáng bao nhiêu.

Nhiều DN cho rằng, Nghị quyết 11 ra đời quá nhanh khiến họ trở tay không kịp. Hoạt động của các DN, nhất là các DN xây lắp đang trôi chảy được ví như “một chiếc xe lao nhanh đột nhiên phanh gấp”. Bất cập lớn nhất là hiện tại nhiều công trình hoặc hạng mục công trình đã được nghiệm thu khối lượng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa có tiền để thanh toán cho nhà thầu.

Trong khi đó nỗi ám ảnh về tiền lãi ngân hàng và tiền thuế đang khiến chủ DN mất ăn mất ngủ. Không có tiền trả lãi ngân hàng và nộp thuế không đúng hạn, DN bị phạt. Những món nợ mà chính DN lại là chủ nợ thì chỉ biết ngậm ngùi và… than thở. Vòng luẩn quẩn cứ xoay quanh khiến DN không lối thoát. Một DN lắp cho biết, hiện con số nợ của chủ đầu tư đối với DN đã lên đến 50 tỷ đồng Mỗi tháng DN phải còng lưng gánh 1 tỷ tiền lãi ngân hàng.

Qua tìm hiểu thực tế ở các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh…, nhiều chủ đầu tư cũng thừa nhận còn nợ đơn vị thi công số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Không phải ở thời điểm này mà thực trạng trên đã tồn tại từ nhiều năm. Trước đây, mỗi lần nghe tin có dự án là các DN lại có một cuộc “chạy đua” bất chấp có nguồn hay không. Khi các công trình chưa triển khai, nhiều DN tham gia đấu thầu đã cam kết với chủ đầu tư: tự bỏ vốn trước thi công rồi sẽ thanh toán tùy theo khối lượng công việc; quá trình chờ vốn, DN tự chịu lãi suất.

Sự ràng buộc này không phải là DN không biết được rủi ro, nhưng họ vẫn tin rằng mọi việc trở nên đơn giản và trước sau cũng sẽ được thanh toán. Vì vậy, DN tham gia tích cực trong các cuộc đầu thầu, dù phải bỏ ra một khoản lớn chi phí không chính thức. Lúc đó, nguồn tiền đầu tư còn dồi dào và ngân hàng cũng khuyến khích DN vay để tăng thêm lợi nhuận.

Các DN sản xuất vật liệu xây dựng cũng lao đao vì sản phẩm bị ứ đọng

Các DN sản xuất vật liệu xây dựng cũng lao đao vì sản phẩm bị ứ đọng

Giờ đây, cùng với việc thắt chặt đầu tư công, thắt chặt tín dụng, Nhà nước chỉ cho phép ứng 30% trên tổng số tiền vốn của công trình được ghi. Chẳng hạn như tổng trị giá gói thầu 50 tỷ thay vì được ứng 30% để thi công như trước đây là 10-15 tỷ, nay chủ đầu tư chi ghi vốn được 5 tỷ, nghĩa là nhà thầu chỉ nhận được khoảng 1,5 tỷ đồng.

Vốn ngân sách trung ương bị cắt giảm nhưng ghi vốn ngân sách địa phương cũng không hề đơn giản. Quá trình gặp gõ tiếp xúc với nhiều chủ đầu tư chúng tôi được biết, tỉnh ghi vốn cho huyện thị và thành phố năm nay là hàng chục hay hàng trăm tỷ nhưng bản chất của vấn đề là nguồn này thu được phần lớn từ việc bán đất. Bất động sản bị đóng băng, trên thực tế ghi vốn chỉ là kế hoạch đặt ra mà thôi.

Mặc dù vay với lãi suất 24-25%/năm nhưng vay vốn đối với ngân hàng không dễ như trước bởi để tránh nợ xấu , các ngân hàng đã thắt chặt việc cho vay và chỉ “móc” hầu bao khi DN có dự án đầu tư mới được phê duyệt. Bất động sản - tài sản lâu nay vẫn được DN thế chấp, trong cơn “lốc” lạm phát, thị trường này đóng băng khiến giá trị thế chấp giảm chỉ còn 50-70%...

Trong khi đó, hầu hết vốn của DN đều vay ngân hàng lại bị chủ đầu tư nợ đọng năm này qua năm khác, không “chết lâm sàng” mới là chuyện lạ. Nhiều công trình không tiếp tục triển khai và không có công trình mới được phê duyệt đã kéo theo gần 200 doanh nghiệp khai thác đá và hàng chục cơ sở sản xuất gạch “ăn theo” mấp mé bờ vực thẳm.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch& Đầu tư Hoàng Văn Sơn nhận định: “Năm nay và năm tới, tình trạng khó khăn vẫn chưa dừng lại”. Như vậy là chặng đường phía trước vẫn còn lắm gian nan. Không chỉ 540 DN giải thể mà con số này chắc hẳn sẽ còn tăng lên từng ngày. Bế tắc triền miên khiến các DN ngập lặn lần tìm lối thoát. Đã xuất hiện những tín hiệu đáng báo động khi hàng ngàn lao động rơi vào vòng xoáy của sự thất nghiệp.

(Còn nữa)...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast