Bài 2: Người lao động trước vòng xoáy thất nghiệp

Qua nhiều năm gắn bó với các DN, người lao động tưởng có thể yên tâm về một cuộc sống tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định. Nhưng, sự tự tin này giờ đang trở thành nỗi ám ảnh khi “cơn lốc” lạm phát tràn qua. Nhiều chủ DN không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện chính sách cắt giảm chế độ, tinh giản lao động để tự “cứu” mình trước khi quá muộn…

Doanh nghiệp trong “cơn lốc” lạm phát

Bài 1: Chìm trong bế tắc

Công việc lao động tay chân của những công nhân như vợ chồng Nguyễn Huy Hoàng (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn) vốn cực nhọc, trong khi thu nhập lại chẳng đáng là bao. Vậy nhưng, cuối cùng những đồng tiền bị cắt giảm chỉ còn một nửa. Để có tiền trang trải mưu sinh, hàng ngày Hoàng dậy rất sớm rồi ra đứng tại khu vực trung tâm thị trấn để chờ việc. Việc làm - cụm từ đó giờ đây với anh sao lại trở nên xa vời đến thế?!. Cả gia đình, 2 vợ chồng cùng 2 đứa con sống “lay lắt” bằng đồng lương chưa đầy 2 triệu của vợ anh làm ở Nhà máy Gạch Kim Thành.

Những dãy nhà trọ tồi tàn của công nhân

Những dãy nhà trọ tồi tàn của công nhân

Cũng 2 vợ chồng cùng làm ở một Công ty nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Vị (Công ty CP Đường bộ 1) còn khó khăn hơn nhiều. “Mỗi lần điện thoại reo là chúng tôi lại chần chừ không muốn nghe máy. Không đứa lớn hỏi tiền đóng tiền nhà thì đứa nhỏ cũng đòi tiền ăn. Tội nghiệp cả 2 đứa đang tuổi thanh niên lại đang học đại học tại Hà Nội. Ngặt nỗi hai tấm thân này chưa già nhưng đã còm cõi vì phải nghỉ việc” - chị Vị nói sau tiếng thở dài. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, người chồng lại cùng chiếc xe máy cà tàng mòn mỏi chờ cuốc xe ôm.

Khó khăn chồng chất từ nhiều năm chưa được cải thiện thì nay Công ty CP Đường bộ 1 lại phải đối mặt với những thách thức mới. Do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên DN không thể tham gia đấu thầu, số thắng thầu cũng rất hạn chế. Theo tính toán, hiện công ty đang còn 150 tỷ hợp đồng đã ký nhưng một số thì chủ đầu tư không yêu cầu thi công, thi công xong cũng không thể giải ngân, còn những công trình khác thì không thể thi công vì thiếu vốn.

Giám đốc Công ty Nguyễn Thanh Hải buồn bã cho biết: “Không có công trình nghĩa là lao động thất nghiệp. Trong tổng số 180 công nhân thì chỉ có 47 người có việc làm ổn định tại mỏ đá, 103 người ở văn phòng và các đơn vị thi công thì “bữa đực, bữa cái”, 30 người khác phải xin nghỉ ra làm ngoài vì không có việc. Thiếu việc làm kéo theo tình trạng nợ lương kéo dài, nợ BHXH 1,3 tỷ đồng và các quyền lợi khác của người lao động không được đảm bảo; đời sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn, tư tưởng không ổn định”.

Không có công trình mới, đội quân “ăn theo” cũng vì thế mà chẳng “ngóc đầu” lên được. Chúng tôi đã có dịp đến tìm hiểu tại Công ty CP Gạch ngói Cầu Họ (Cẩm Xuyên) trong những ngày đầu của mùa xây dựng. Mặc dù đây là một trong những đơn vị luôn được đánh giá cao về thương hiệu, quy mô và thâm niên trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói nhưng DN đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tồn đọng sản phẩm.

Theo tính toán, năm 2011, cơ sở sản xuất chính của đơn vị đã cho ra lò khoảng 28 triệu viên, vượt công suất thiết kế của nhà máy 8 triệu viên. Sản phẩm ra lò nhiều nhưng khả năng tiêu thụ lại hạn chế nên số gạch tồn kho đã lên tới khoảng 13 triệu viên. Mặc dù DN đã chủ động tiếp thị, mở rộng thị trường và có nhiều biện pháp tích cực để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nhưng tình hình vẫn chuyển biến chậm.

Gạch sản xuất ra tồn đọng, các bãi chứa đã dần hết chỗ trong khi lãi ngân hàng cao, bài toán lợi không được giải quyết nên buộc doanh nghiệp phải ổn định lại quy mô sản xuất. Theo đó, cơ sở II của đơn vị ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) có công suất 15 triệu viên/năm buộc phải đóng lò dù điều này sẽ thiệt hại lớn về kinh tế và gây ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Sản xuất bị thu hẹp kéo theo trên 100 công nhân mất việc làm.

Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho công nhân Xí nghiệp gach Kim Thành- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn

Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho công nhân Xí nghiệp gach Kim Thành- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn

Tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn dẫn tới số lượng công nhân mất việc làm ngày một tăng, thu nhập và đời sống của người lao động vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn gấp bội. Theo khảo sát chưa đầy đủ của LĐLĐ tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 7.000 công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, DN mất việc làm. Số lao động có việc làm nhưng không thường xuyên, chỉ được nhận một phần lương hoặc bị nợ lương cũng tương đương con số trên.

Điều đáng trăn trở hơn là tình trạng này đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm được cải thiện. Hầu hết DN hiện nay đều không tuyển thêm lao động, số tuyển thêm cũng không đáng kể. Trong khi đó, đại đa số lại cắt giảm nhân công, cá biệt có nhiều đơn vị chỉ để lại bộ phận văn phòng, bảo vệ và một số người làm công việc phụ trợ, bảo dưỡng máy móc...

Người lao động bị hạn chế, mất việc làm trong các DN xẩy ra ở hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều là ở các đơn vị có liên quan đến hoạt động xây lắp, xây dựng, xuất nhập khẩu. Biến động việc làm không chỉ tác động tới các DN nhỏ, tầm hoạt động hạn chế mà đang có dấu hiệu tác động đến những đơn vị vốn được xem là chim đầu đàn. Thành phố Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Hương Sơn, Hồng Lĩnh là những địa phương có số lượng DN bị ảnh hưởng lớn nhất.

Để “cứu” DN và người lao động, không phải đến bây giờ mà trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều quyết định hỗ trợ DN. Tuy nhiên trên thực tế nguồn hỗ trợ này chỉ như “hạt cát giữa sa mạc”. Dù nhỏ, nhưng không phải DN nào cũng có thể nhận được nguồn hỗ trợ bởi những thủ tục, ràng buộc khắt khe. Con đường tiếp cận các chính sách này, với nhiều doanh nghiệp quả là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast