Bài học thời vụ nhìn từ sản xuất hè thu 2011

Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài bốn yếu tố “nước, phân, cần, giống” thì sự định đoạt của… ông trời đối với kết quả của quá trình sản xuất cũng là một yếu tố tối quan trọng. Tuy nhiên, nếu con người nắm bắt được quy luật thời tiết; chủ động, sáng tạo trong đối phó và né tránh thì vẫn có thể giành được thành quả lao động của mình trước sự đe dọa của thiên tai khắc nghiệt.

Hạt lúa bị nảy mầm là thực trạng của hầu hết các địa phương trong tỉnh
Hạt lúa bị nảy mầm là thực trạng của hầu hết các địa phương trong tỉnh

Vụ sản xuất hè thu năm nay diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn. Mặc dù triển khai hết sức khẩn trương nhưng hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh đều xuống giống chậm so với lịch thời vụ từ 15 - 20 ngày.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, nhận thức và quyết tâm cao của bà con nông dân, nhìn chung quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa khá thuận lợi; năng suất lúa đạt cao so với mọi năm.

Theo kết quả kiểm tra của Sở NN&PTNT và Cục Thống kê tỉnh (trước khi xảy ra cơn bão số 4) năng suất lúa bình quân cả tỉnh ước đạt 45,6 tạ/ha. Tuy nhiên, trong khi phần lớn các diện tích lúa đang vào thời kỳ đỏ bông, 3 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào tỉnh ta, gây khó khăn rất lớn cho việc thu hoạch.

Đặc biệt, mưa lớn kéo dài hơn một tháng nay, không những làm cho hàng ngàn ha lúa không gặt được, bị ngâm nước, mà số lúa đã gặt về nhà cũng đang làm người nông dân như ngồi trên đống lửa khi từng ngày chứng kiến sản phẩm của mình hoặc bị mọc mầm hoặc bị thối rửa do không được hong phơi.

Đến với nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, chúng tôi không khỏi buồn lòng khi chứng kiến bà con nông dân sau những ngày vật lộn trong mưa gió gặt lúa chạy bão, nay đang gồng mình tìm mọi cách bảo quản số lúa hạt trong nhà khi trời mưa kéo dài, độ ẩm không khí quá thấp.

Mặc dù đã huy động mọi lực lượng gặt lúa chạy lũ, nhưng nhiều diện tích lúa vẫn không thoát khỏi bị ngập
Mặc dù đã huy động mọi lực lượng gặt lúa chạy lũ, nhưng nhiều diện tích lúa vẫn không thoát khỏi bị ngập

Nhiều người đành chịu bó tay nhìn những đống lúa của mình đang từng giờ bị hư hại. Anh Trần Văn Hoàn ở xóm 3 xã Thạch Ngọc (Thạch Hà), bới đống lúa sậm màu, nồng nặc mùi ẩm mốc, lác đác màu trắng của mầm non ngán ngẩm: “Chúng tôi đã làm hết cách, vận dụng mọi phương tiện trong nhà có thể như quạt điện, bóng điện công suất cao để sấy lúa, nhưng trời cứ thế này thì bó tay rồi. Hơn tấn rưỡi lúa này coi như làm thức ăn chăn nuôi thôi”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyên ở xã Mỹ Lộc (Can Lộc) làm tới gần 20 sào ruộng. Hiện mới chỉ gặt được hơn 7 sào, còn lại 12 sào ruộng đang ngập trong nước mấy tuần nay. Chị buồn bã cho biết: “Do xuống giống chậm quá, nên khi bão về lúa của chị không chín kịp. Một số diện tích có thể gặt được thì lại chủ quan chờ hết mưa bão. Bây giờ diện tích lúa ngoài ruộng coi như bỏ đi, còn số gặt về cũng chẳng ăn thua gì nữa”.

Ngọc Sơn là một xã vùng cao của huyện Thạch Hà. Mặc dù triển khai xuống giống khá sớm so với các địa phương khác, diện tích lúa bị ngập cũng không nhiều, nhưng bà con nông dân vẫn không thoát khỏi cảnh lúa bị ẩm mốc trong nhà.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở Thôn Nam Sơn làm gần 10 sào ruộng. Trước khi bão đến, gia đình chị đã gặt xong toàn bộ diện tích. Tuy nhiên sau gần 1 tháng cất trữ trong nhà với điều kiện bảo quản hạn chế, gần 2 tấn lúa của chị đã bị chuyển màu đen và bốc mùi. Chị Thủy cho biết: Phần lớn số lúa đông xuân đã bán hết để chi tiêu và trang trải cho các con vào năm học mới. Nguồn lương thực chính của gia đình trong thời gian tới, hiện tại đã không còn hy vọng cứu vớt được nữa.

Tập trung mọi phương tiện để cứu lúa, nhưng hiệu quả không cao khi mưa kéo dài và độ ẩm quá lớn

Tập trung mọi phương tiện để cứu lúa, nhưng hiệu quả không cao khi mưa kéo dài và độ ẩm quá lớn

Đối với nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng trọng điểm lúa, vụ hè thu là vụ sản xuất hàng hóa trong năm. Mọi khoản chi tiêu gia đình hầu như trông chờ cả vào đấy. Với hàng chục ngàn tấn lúa hàng hóa bị hư hại, sẽ kéo theo hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh túng quẩn, đặc biệt là tết Nguyên đán sắp tới.

Xã Vĩnh Lộc (Can Lộc), một trong những địa phương vùng trọng điểm lũ bị thiệt hại nặng nề. Với 249 ha lúa hè thu, trong đó có 100 ha lúa chất lượng cao, đến thời điểm này toàn xã mới chỉ gặt được 50% diện tích. Nhiều diện tích lúa hiện đã mất trắng. Số gặt về nhà cũng hư hại trên 50%. Ông Phạm Đức Hướng, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cho biết: “Chưa có vụ hè thu nào, Vĩnh Lộc bị thiệt hại nặng như năm nay. Nguyên nhân chính vẫn là do xuống giống chậm lịch thời vụ nhiều quá…”.

Điều đáng nói là, trong khi nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề thì một số địa phương lại thu hoạch nhanh gọn, né tránh được bão lũ, bảo toàn cơ bản được thành quả sản xuất của nông dân, điển hình là các huyện: Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Sơn.

Trong khi đó, một số địa phương đã nỗ lực đã né tránh được thiên tai, bảo toàn được thành quả lao động của nông dân
Trong khi đó, một số địa phương đã nỗ lực đã né tránh được thiên tai, bảo toàn được thành quả lao động của nông dân

Để có được kết quả đó, bên cạnh tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp đảm bảo lịch thời vụ, các địa phương này đã vận động nhân dân thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của tỉnh, tổ chức bắc mạ để cấy đúng qui trình kỹ thuật, hạn chế tối đa việc gieo thẳng, vì vậy đã góp phần rút ngắn thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Quang Lộc là một trong những xã trọng điểm lúa của huyện Can Lộc. Những năm qua, vụ hè thu được xã chỉ đạo bắc mạ cấy 100%. Cùng với sử dụng giống lúa ngắn ngày và nỗ lực xuống giống khá sớm, xã đã thu hoạch gọn vụ hè thu trước bão số 4.

Theo ông Nguyễn Trí Hà - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT), thiệt hại từ vụ sản xuất hè thu 2011 đã để lại một bài học kinh nghiệm lớn cho ngành nông nghiệp, cho các địa phương và bà con nông dân trong những vụ sản xuất tiếp theo.

Mặc dù khó đoán được “tính trời”, tuy nhiên bà con vẫn có thể né tránh và hạn chế được những rủi ro do thiên tai gây nên nếu như có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt qui trình kỹ thuật và sự chỉ đạo của ngành chuyên môn.

Bắc mạ để cấy là biện pháp tối ưu nhất để rút ngắn được thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa
Bắc mạ để cấy là biện pháp tối ưu nhất để rút ngắn được thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa

Trong đó, ngoài bố trí các loại giống ngắn ngày, biện pháp tối ưu là bắc mạ để cấy và phải cấy mạ non (12-15 ngày tuổi); bón phân đầy đủ và tập trung vào thời kỳ đầu (đợt 1), đảm bảo chế độ nước; thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, phát hiện sâu bệnh và kịp thời xử lý…

Nếu đảm bảo được những yếu tố nêu trên, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa sẽ rút ngắn xuống từ 7 đến trên 10 ngày. Cùng với đó, cần phải tính đến yếu tố kỹ thuật trong bảo quản sản phẩm sau thu hoạch như đầu tư hệ thống máy sấy lúa cho các địa phương để chủ động giảm thiểu thiệt hại khi gặp thời tiết bất thường như vụ hè thu năm nay…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast