Bản quyền Ngoại hạng Anh ở Việt Nam và các nước trong khu vực

Trong khi nhà đài Việt Nam đang gặp trục trặc trong việc thương thảo mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh thì Singapore và Malaysia từ lâu đã có trong tay bản quyền phát sóng giải đấu hấp dẫn nhất xứ sương mù trong 3 năm tới.

Bản quyền Ngoại hạng Anh ở Việt Nam và các nước trong khu vực ảnh 1

Khán giả Việt Nam thấp thỏm trước viễn cảnh không có Ngoại hạng Anh

Câu chuyện về việc mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh của các nhà đài tại Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, đặc biệt là với những người vốn quá quen theo dõi các trận đấu của xứ sở mù sương trong suốt gần 20 năm đã qua.

Sức hút ngày càng mãnh liệt từ các trận đấu, ngôi sao cũng như những đội bóng tên tuổi kéo theo tiền bản quyền truyền hình của giải Ngoại hạng Anh tăng phi mã. Nếu như giai đoạn từ 1992 – 1997 (thời điểm giải VĐQG Anh đổi tên thành Premier League), nguồn thu tiền bản quyền truyền hình chỉ là 191 triệu bảng thì số tiền để sở hữu bản quyền phát sóng giải đấu này trong 3 năm tới (2016 – 2019) đã tăng lên xấp xỉ 27 lần, với tổng thu dự kiến có thể lên đến 5.136 tỷ bảng. Tất nhiên, nguồn thu càng lớn, tài chính của các CLB tại giải đấu nước Anh càng mạnh. Và đó là lý do tại sao những đội bóng khá và trung bình có thể chơi ngang phân với những đại gia, cả trên thị trường chuyền nhượng lẫn đấu tay đôi trên sân cỏ.

Bản quyền Ngoại hạng Anh ở Việt Nam và các nước trong khu vực ảnh 2

Giá trị bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh tăng chóng mặt

Ngoại hạng Anh càng hấp dẫn. Người hâm mộ, đặc biệt là tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng càng có nhu cầu thưởng thức các trận đấu ở xứ sở sương mù. Và theo trận tự logic hiển nhiên, số tiền mà nhà đài phải chi trả để mua bản quyền truyền hình giải đấu này từ đơn vị phân phối lại càng lớn.

4 ngày trước, các nhà đài Việt Nam gặp trở ngại trong việc đưa những trận đấu ở Ngoại hạng Anh trong 3 năm sắp tới đến người hâm mộ. 10 nhà đài liên kết với nhau thành Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) nhằm mong muốn thương lượng một mức giá hợp lý (mức giá chỉ cao hơn tối đa 20% so với giai đoạn trước, khoảng 29,5 triệu bảng) với đơn vị sở hữu bản quyền là MP&Silva.

Tuy nhiên cả hai đã không tìm được tiếng nói chung. Lời đề nghị lên đến 49-56 triệu bảng (khoảng 1.500 – 1.700 tỷ đồng) của MP&Silva khiến khả năng sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh của Việt Nam rơi vào bế tắc. Và nếu VNPayTV không tìm được tiếng nói chung với đơn vị kể trên trước ngày 15/4, khán giả Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ chia tay với những trận đấu của M.U, Chelsea, Leicester hay Arsenal kể từ năm 2016.

Singapore nhanh tay, Malaysia mạnh tay, Thái Lan khoanh tay chờ đợi

Trong khi nhà đài Việt Nam đang gặp trục trặc trong việc đàm phán mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh thì các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á cũng đã có những phản ứng về vấn đề nóng hổi này.

Nhanh tay nhất phải nói đến Singtel (Singapore). Thực tế kể từ tháng 11 năm ngoái, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền này đã thông báo về việc sở hữu thành công bản quyền truyền hình trong 3 năm (2016 – 2019) của giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu. Mức giá không được phía Singtel tiết lộ, nhưng hẳn nhiên sẽ cao hơn nhiều so với số tiền 190,1 triệu bảng (khoảng 6.000 tỷ VND) mà họ từng bỏ ra để có bản quyền trong 3 năm 2013 – 2016.

Tương tự, Malaysia cũng góp mặt trong top 3 quốc gia châu Á duy nhất tính đến hiện tại (cùng với Hong Kong (TQ) và Singapore) có được bản quyền giải Ngoại hạng Anh – theo thống kê từ trang chủ Premier League. Được biết, Astro Malaysia Holdings Berhad (Astro) có thể đã chi ra một số tiền lên tới số tiền vào khoảng 166 triệu bảng (xấp xỉ 5260 tỷ VND) để có được quyền phát sóng các trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh trong vòng 3 năm tới.

Bản quyền Ngoại hạng Anh ở Việt Nam và các nước trong khu vực ảnh 3

Nguồn thu từ tiền bản quyền truyền hình của các nước châu Á, châu Mỹ và châu Phi của giải Ngoại hạng Anh giai đoạn 2013-2016

Bản quyền Ngoại hạng Anh ở Việt Nam và các nước trong khu vực ảnh 4

Người hâm mộ châu Á yêu thích cuồng nhiệt giải Ngoại hạng Anh

“Chúng tôi rất hài lòng khi Astro một lần nữa lại có được bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh ở Malaysia”, Giám đốc phụ trách điều hành giải Ngoại hạng Anh, Richard Scudamore chia sẻ. “Mức độ quan tâm giải đấu ở Malaysia ngày càng tăng lên trong khi chất lượng phát sóng của Astro luôn ở chất lượng cao. Đó là một trong những yếu tố quan trọng”.

Ngoài Singapore và Malaysia, Hong Kong (TQ) mà cụ thể là Letv cũng đã có được bản quyền phát sóng các trận đấu trực tuyến và cả trên nền tảng điện thoại. Ngược lại, cũng như Việt Nam, Thái Lan – một trong những quốc gia có dân số hâm mộ giải Ngoại hạng Anh thuộc top đầu châu Á cũng chưa chốt giá mua bản quyền truyền hình. Ở giai đoạn 2013-2016, CTH đã bỏ ra tới 204,8 triệu bảng để sở hữu quyền phát sóng ở Thái Lan, Lào và Campuchia.

Tuy nhiên việc có được bản quyền truyền hình với Thái Lan chỉ là vấn đề thời gian. Nhất là trong bối cảnh CTH đang vấp phải sự cạnh tranh từ một đối thủ đến từ Trung Đông là Bein Sport. Cùng với đó, Leicester City, một đội bóng thuộc quyền sở hữu của ông chủ người Thái đang chơi rất hay và nhiều khả năng sẽ trở thành tân vương mới của giải Ngoại hạng Anh mùa này.

- Singapore: Singtel mua bản quyền với giá trên mức 190,1 triệu bảng (khoảng 6.000 tỷ VND)

- Malaysia: Asrto mua bản quyền với giá khoảng 166 triệu bảng (xấp xỉ 5260 tỷ VND)

- Thái Lan: Chưa chốt bản quyền

- Việt Nam: Chưa chốt bản quyền (mức giá mà MP&Silva đưa ra là khoảng 49-56 triệu bảng, tương đương 1.500 – 1.700 tỷ đồng)

Theo Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast