Bảo hiểm cây lúa - bảo hiểm cho ai?

Việc thực hiện thí điểm bảo hiểm cây lúa tại ba huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ theo quyết định 315 của thủ tướng chính phủ, sau hơn một năm triển khai đã không đạt hiệu quả như mong đợi. Nông dân vẫn không mặn mà với chủ trương được xem là ưu việt này, trong khi ngành chuyên môn và cơ quan bảo hiểm lại tỏ ra lúng túng trước những điểm bất hợp lý về mặt chính sách.

Nông dân vẫn không mặn mà với chủ trương bảo hiểm cây lúa
Nông dân vẫn không mặn mà với chủ trương bảo hiểm cây lúa

Xã Hà Linh huyện Hương Khê là địa bàn lòng chảo, nên gần như năm nào cũng chịu cảnh lụt lội. Lẽ dĩ nhiên đối tượng chịu nhiều tác động nhất của thiên tai vẫn là người nông dân. Điều này đồng nghĩa nhu cầu bảo hiểm nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng của nông dân Hà Linh là rất lớn. Thế nhưng sau một năm triển khai mới chỉ có 3 trong hơn một chục xóm ở Hà Linh biết đến loại hình bảo hiểm này. Người nông dân cũng chỉ mới mua được 5 triệu trong tổng số 15 triệu phí bảo hiểm cây lúa theo hợp đồng ký kết.

Theo ông Ngô Đăng Hồng – chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Linh thì nguyên nhân số một vẫn là do người nông dân chưa hiểu được tính ưu việt của chủ trương bảo hiểm cây lúa. Thậm chí người nông dân còn cho rằng mua bảo hiểm cây lúa chẵng qua chỉ là làm giàu cho cơ quan bảo hiểm. Ông Hồng cho rằng cách tuyên truyền đang có vấn đề khi mà đội ngũ nông nghiệp chuyên trách cơ sở gánh trên vai quá nhiều sự phân công, trong khi cơ quan bảo hiểm là Bảo Minh Hà Tĩnh lại không đủ lực lượng và sự sâu sát cần thiết để tiếp cận người nông dân.

Dù không như mong muốn nhưng Hà Linh vẫn là xã đạt kết quả tốt nhất trong số các địa phương đăng ký mua bảo hiểm cây lúa. Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn tỉnh có 64 xã ký hợp đồng bảo hiểm cây lúa với Bảo Minh Hà Tĩnh. Theo hợp đồng số hộ tham gia là 10.900, diện tích bảo hiểm 2.200 ha, số phí bảo hiểm phải nộp là 3,9 tỉ đồng, trong đó người dân chỉ phải nạp 270 triệu, còn lại là Ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại Bảo Minh Hà Tĩnh chỉ mới thu được hơn 20 triệu đồng, nghĩa là chưa bằng 1/10 kế hoạch.

Ông Hà Văn Trọng – phó giám đốc sở Tài chính thừa nhận: bảo hiểm nông nghiệp nói chung và bảo hiểm cây lúa nói riêng là một vấn đề mới, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn, cơ chế chính sách chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thậm chí là bất hợp lý. Chẵng hạn mức phí bảo hiểm 5,08% là quá cao so với các tỉnh cùng điều kiện. Hay như việc đền bù thiệt hại cho người nông dân chỉ được thực hiện khi toàn xã có mức thiệt hại trên 20% là không thực tế. Bởi lẽ trong trường hợp sâu bệnh gây hại thì đối với từng cá nhân có thể thiệt hại lớn nhưng nếu tính chung toàn xã lại không đến mức 20%, nghĩa là người bị thiệt hại vẫn không được đền bù. Ông Nguyễn Thiên Toàn – phó chủ tịch UBND xã Cẩm Bình huyện Cẩm Xuyên khẳng định với quy định như thế này thì còn lâu nông dân mới lấy được tiền từ bảo hiểm. May ra chỉ có lũ lụt thì mức thiệt hại chung toàn xã mới lên trên 20% và khi đó nếu không có bảo hiểm đền bù cũng đã có các nguồn hỗ trợ thiên tai khác.

Những phân tích trên đây cho thấy người nông dân có lý do để chưa mặn mà với bảo hiểm cây lúa. Điều này cũng giải thích vì sao đối tượng tham gia bảo hiểm vẫn đang chủ yếu là hộ nghèo, tức là những người thuộc diện được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm. Một tỉ lệ nhỏ khác thuộc về hộ cận nghèo, những người được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm. Các hộ không thuộc diện hỗ trợ hầu như còn đứng ngoài cuộc.

Rõ ràng chính sách hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nghèo và 60% cho hộ cận nghèo đã cho thấy sự chia sẻ của nhà nước đối với người nông dân. Điều quan trọng đặt ra hiện nay đó là sự chia sẻ giữa cơ quan bảo hiểm và ngành chuyên môn thể hiện qua các chính sách phù hợp với đồng đất và nông dân Hà Tĩnh. Xét cho cùng bằng hình thức này hay hình thức khác thì sự hỗ trợ của nhà nước thông qua chính sách bảo hiểm cây lúa vẫn là hướng về người nông dân và đối tượng hưởng lợi vẫn phải là người nông dân. Một khi nông dân chưa mặn mà nghĩa là sự hỗ trợ của nhà nước vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast