Cẩm Lộc: Dùng thuốc tiêu huỷ, tôm vẫn sống!

Sau khi có kết quả dương tính với bệnh đốm trắng, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Cẩm Lộc đã được phòng NN&PTNT phối hợp với Chi cục Thú y và chính quyền xã trực tiếp chỉ đạo tiêu huỷ tôm, trừ diệt mầm bệnh, xử lý ao nuôi bằng dung dịch chlorine. Trớ trêu thay, sau gần 2 tháng kể từ ngày bị tiêu huỷ với một lượng hoá chất được nhận định là tiêu huỷ hoàn toàn mầm bệnh và sự sống, một số diện tích nuôi vẫn cho thu hoạch với giá trị kinh tế khá cao...

Đầm tôm gia đình anh Sinh dùng thuốc tiêu huỷ nhưng tôm không chết.
Đầm tôm gia đình anh Sinh dùng thuốc tiêu huỷ nhưng tôm không chết.

Ngày 27- 3, tại vùng nuôi Bãi Rào, thuộc xã Cẩm Lộc bệnh đốm trắng trên tôm chính thức trở lại ở huyện Cẩm Xuyên với triệu chứng tôm chết tấp vào bờ hàng loạt. Theo nguồn tin từ xã, tổng diện tích bị nhiễm bệnh là 2,7 ha với số giống đã thả là 65 vạn con của 4 hộ dân. Tại thời điểm xuất hiện bệnh, tôm đã lớn sắp đến kỳ thu hoạch vì số giống này được người dân thả từ trong Tết âm lịch. Mặc dù Chi cục Thú y đã hỗ trợ 400 kg hoá chất chlorine cho các hộ dân để xử lý mầm bệnh và khử trùng khu vực nuôi nhưng vì huyện không chủ động được kinh phí nên mãi đến 15 ngày sau, số lượng thuốc cần thiết cho công tác dập dịch mới được huy động đủ. Đó cũng là thời điểm phát hiện ra bệnh đốm trắng đã lây lan thêm 1,5 ha khác của 3 hộ với số lượng giống là 60 vạn con tại vùng nuôi Bãi Rào này khi con tôm mới được 15 ngày tuổi. Trước tình hình đó, phòng NN& PTNT huyện phối hợp với Chi cục Thú y và chính quyền sở tại tiếp tục lấy mẫu kiểm tra, khoanh vùng và tiêu khử bằng hoá chất chlorine các đầm tôm nhiễm bệnh.

Trường hợp 3 đầm tôm của các hộ gia đình tại vùng nuôi Bãi Rào: Lê Xuân Sinh (0,3 ha), Lê Xuân Dũng (0,37 ha) và Nguyễn Văn Xuân (0,5 ha) là một trong những đầm tôm đầu tiên xuất hiện triệu chứng của bệnh đốm trắng từ ngày 17/3. Trước đó, cả 3 hộ đều lấy giống cùng một địa chỉ tại trại tôm giống xóm 6 (Phúc Thọ- Nghi Lộc- Nghệ An), tất cả đều là giống tôm thẻ chân trắng và có kết quả âm tính với dịch đốm trắng ghi trên phiếu kiểm dịch. Phải gần 1 tháng kể từ khi phát hiện bệnh, ngày 20/4, đoàn kiểm tra gồm Phòng NN& PTNT, Chi cục Thú Y phối hợp chính quyền địa phương mới tiến hành chỉ đạo hộ nuôi xử lý hồ tôm nhiễm bệnh. Cả 3 mẫu đều dương tính với bệnh đốm trắng trên tôm nhưng chỉ 2 trong 3 hộ nuôi là anh Lê Xuân Sinh và Nguyễn Văn Xuân được cấp hoá chất chlorine để tiêu huỷ tôm, khử trùng hồ nuôi và tiêu diệt mầm bệnh dưới sự chỉ đạo, giám sát của đoàn kiểm tra (hộ nuôi anh Lê Xuân Dũng xin hoãn để theo dõi tiếp vì con tôm vẫn đang phát triển khoẻ mạnh). Đầm tôm 0,5 ha của anh Nguyễn Văn Xuân sau khi xử lý chlorine với nồng độ khử được hướng dẫn là 35kg/ 1000m3 nước (liều lượng này đủ để tiêu huỷ hoàn toàn sự sống và mầm bệnh trong hồ nuôi), gần như đã tiêu diệt hoàn toàn 20 vạn giống tôm mang mầm bệnh. Trong khi đó, cũng với liều lượng đó, đầm tôm của anh Lê Xuân Sinh lại vượt qua được “cửa tử thần”! Anh cho biết: “Sau khi đo khối lượng nước trong đầm, chúng tôi được cấp 95 kg chlorine đủ để xử lý hồ tôm với 2.700 m3 nước dưới sự giám sát của đoàn kiểm tra. Sau 1 tuần, ra thăm để chuẩn bị tháo nước, cải tạo hồ thì tôi mới tá hoả, tôm vẫn lúng búng trên mặt nước. Rắc thức ăn xuống, tôm kéo lên càng nhiều. Vì xót của, chúng tôi quyết định giữ lại nuôi nhưng vẫn hoang mang lắm vì tôm đã chịu một lượng hoá chất lớn”.

Đến nay, đầm tôm 17 vạn giống tôm bị nhiễm bệnh của gia đình anh Sinh đã cho thu hoạch trên 2 tạ với giá 60.000 đồng/kg. Trước đó, đầm tôm của hộ anh Lê Xuân Dũng (kết quả dương tính bệnh đốm trắng nhưng không khử chất chlorin) cũng đã thu hoạch 1 tấn tôm, đạt 110 con/ kg. Theo những người nuôi tôm, đối với tôm thẻ chân trắng, mức độ tắng trưởng này đã đạt tiêu chuẩn phát triển của con tôm.

Như vậy, nguyên căn vì đâu khi trong cùng một vùng nuôi, nguồn giống và cùng nồng độ hoá chất xử lý, lại xảy ra hiện trạng trái nhau về kết quả? Các cơ quan chức năng cần xem lại những quyết định xử lý của mình, cũng như hiệu quả từ nguồn thuốc tiêu huỷ, diệt trừ mầm bệnh đốm trắng, tạo niềm tin cho người nuôi tôm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast