Cẩm Xuyên -Dịch cúm gia cầm và dịch LMLM gia súc hoành hành

Từ ngày 8/10 đến 7/11, dịch cúm gia cầm và dịch LMLM gia súc liên tục xuất hiện trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng đã kịp thời tập trung bao vây, khống chế nhưng do nhận thức của một bộ phận cán bộ thú y cơ sở và các chủ hộ chăn nuôi còn hạn chế nên công tác phòng, chống dịch chưa triệt để.

Vài ngày sau khi kết thúc đợt lũ trước (đầu tháng 10), dịch cúm gia cầm bắt đầu bùng phát ở xã Cẩm Thành làm 3.408 con gia cầm (của 10 hộ dân thuộc 2 thôn) bị chết và buộc phải tiêu hủy. Nhờ bao vây, khống chế kịp thời nên nhiều ngày sau, dịch không phát sinh thêm thôn mới. Tuy nhiên, kết thúc đợt lũ thứ hai (trung tuần tháng 10 vừa qua) thì dịch cúm gia cầm lại tiếp tục hoành hành trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên với tâm điểm là xã Cẩm Quang (ngày 26/10), làm 3.448 con vịt bị chết và tiêu hủy. Một ngày sau, dịch phát sinh ở thôn 6, xã Cẩm Vịnh buộc phải tiêu hủy 150 con vịt. Liên tục trong các ngày từ 2 - 6/11, dịch tiếp tục xuất hiện ở thôn Tân An (xã Cẩm Bình), thôn 8 (xã Cẩm Duệ) và xã Cẩm Huy làm 1.803 con gia cầm phải tiêu hủy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại thôn 3, xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên). Ảnh: Thanh Nga (Báo NNVN)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại thôn 3, xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên). Ảnh: Thanh Nga (Báo NNVN)

Theo Trạm Thú y huyện Cẩm Xuyên, tính từ khi dịch cúm gia cầm phát sinh đến nay, toàn huyện đã tiêu hủy 10.215 con gia cầm của 6/27 xã, thị trấn với tổng thiệt hại khoảng 853,5 triệu đồng, trong đó: Nhà nước thiệt hại 253,5 triệu đồng, 600 triệu đồng còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi.

Song hành với các mốc thời gian xảy ra dịch cúm gia cầm thì dịch LMLM cũng âm thầm tấn công đàn gia súc của huyện Cẩm Xuyên. Bắt đầu là ngày 10/10 tại thôn 5, xã Cẩm Vịnh với 6 con trâu, bò mắc bệnh; tiếp đó là xã Cẩm Quang với 7 con, xã Cẩm Trung với 6 con, xã Cẩm Hưng 26 con, xã Cẩm Huy 10 con và mới đây nhất (ngày 3/11) là xã Cẩm Lạc với 6 con gia súc mắc bệnh. Tính chung, tổng số gia súc mắc bệnh LMLM sau hai trận lũ vừa qua ở Cẩm Xuyên là 62 con ở 6 xã.

Trưởng Trạm Thú y huyện Cẩm Xuyên Phạm Đào Tịnh cho hay, nhờ kịp thời tiêm phòng bổ sung, kết hợp với chăm sóc tốt nên hầu hết gia súc mắc bệnh LMLM đã dần hồi phục. Theo đó, Trạm Thú y Cẩm Xuyên đã phối hợp với chính quyền các xã và các hộ dân tiến hành đóng dấu chín cho 62 con gia súc mắc bệnh để quản lý tại địa phương trong vòng 2 năm.

Theo quy định, đợt 2 sẽ tiến hành tiêm vắc xin LMLM trong tháng 9 và tiêm vắc xin cúm gia cầm trong tháng 11. Như vậy, các đợt dịch LMLM xảy ra đều sau thời hạn kết thúc tiêm phòng cho nên có thể khẳng định: số gia súc mắc bệnh chủ yếu do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với dịch cúm gia cầm, vì mới tiến hành tiêm nên có thể thuốc chưa phát huy tác dụng, nhất là phải liên tục gặp phải các điều kiện ngoại cảnh khá bất lợi như: lũ lụt, thời tiết thay đổi, không khí ẩm ướt...

Ngành Thú y cho rằng, sự xuất hiện của các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Cẩm Xuyên do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trước hết, điểm chung dễ nhận thấy nhất là cả hai loại dịch bệnh này đều bùng phát sau khi lũ rút, chứng tỏ môi trường ở các vùng nuôi này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân thứ hai - yếu tố quyết định chính là do các đối tượng mắc bệnh chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc đã tiêm nhưng không đảm bảo chất lượng.

Ông Dương Văn Tri - Phó Giám đốc Cơ quan Thú y vùng III (Bộ NN&PTNT) cho rằng, dịch bệnh phát sinh sau lũ lụt là điều khó tránh. Điều ghi nhận sau các chuyến kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch vừa qua là mặc dù khá bận rộn với công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả lũ lụt nhưng chính quyền các cấp và ngành chức năng ở Hà Tĩnh, trực tiếp là huyện Cẩm Xuyên đã vào cuộc thực sự. Số gia cầm mắc bệnh đã được tiêu hủy kịp thời, số gia súc mắc bệnh được đóng dấu chín để quản lý. Vấn đề đặt ra hiện nay trong công tác phòng, chống dịch ở Hà Tĩnh nói chung, Cẩm Xuyên nói riêng là phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng để người dân tự giác tham gia "phòng là chính, chống phải kịp thời và dứt khoát xử lý".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn "Trước ngày 15/11, Cẩm Xuyên phải hoàn thành công tác tiêm phòng"
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn "Trước ngày 15/11, Cẩm Xuyên phải hoàn thành công tác tiêm phòng"

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại huyện Cẩm Xuyên, chiều ngày 8/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã có chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các xã Cẩm Quang, Cẩm Huy và làm việc với chính quyền địa phương và ngành chuyên môn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu: "Trước ngày 15/11, Cẩm Xuyên phải hoàn thành công tác tiêm phòng bắt buộc đối với 100% gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn huyện. Sau thời hạn trên, nếu địa phương nào chưa hoàn thành công tác tiêm phòng nhưng có gia súc, gia cầm mắc bệnh buộc phải tiêu hủy thì không được hỗ trợ tiền theo quy định".

"Cùng với tiêm phòng, các địa phương ở Cẩm Xuyên cần làm tốt công tác vệ sinh môi trường; tăng cường giám sát diễn biến các đàn vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ tình trạng giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn" - Phó Chủ tịch Sơn nhấn mạnh.

Theo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, ngoài Cẩm Xuyên, dịch LMLM còn xuất hiện ở các huyện: Thạch Hà, Kỳ Anh và Vũ Quang làm 167 con trâu, bò của 88 hộ dân bị bệnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong cả nước, cùng những hạn chế trong tiêm phòng, bất lợi về thời tiết thì nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới trên địa bàn Hà Tĩnh là rất cao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast