Cẩm Xuyên: Nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị tàn phá.

Nằm trong tầm ảnh hưởng của cơn bão “dị biệt” KETSANA, Cẩm Xuyên là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Những cơn mưa kéo dài trong hoàn lưu của bão đã gây lụt cục bộ ở nhiều nơi, tàn phá nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Theo báo caó của phòng Nông nghiệp PTNT, trong tổng thiệt hại 7 tỷ đồng của toàn huyện thì thiệt hại của ngành nuôi trồng thuỷ sản lên đến 3,6 tỷ đồng tương với 214 tấn tôm, cá.

Gia đình ông Phan Văn Cảnh ở Thị trấn Cẩm Xuyên là một trong những hộ có diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại lớn. Năm 2009, với diện tích 11 ha, ông đã thả nhiều loại cá như Trắm, Mè, Rô phi, cá lóc miền Nam và Ếch. Ước tính các mô hình nuôi trồng sẽ cho thu lãi hàng trăm triệu đồng vào cuối năm. Ấy thế mà, chỉ trong một đêm, tất cả cơ nghiệp đã bị cuốn trôi trong dòng nước lớn. Ông Cảnh nhớ lại: “Đây là trận lụt lớn nhất trong mấy năm gần đây, nước lên nhanh không kịp trở tay. Mặc dù trước ngày mưa bão, gia đình tôi đã giăng lưới bảo vệ hồ, nhưng mưa lớn kéo dài mấy ngày đã làm nước dâng tràn qua bờ, ngập băng tất cả”. Khi chúng tôi đến, nước đã rút chỉ còn trơ lại những hồ cá của gia đình ông đã tan tác, tiêu điều. Trận lụt này đã cuốn trôi của gia đình ông khoảng 1,5 tấn cá lóc, trên 1 tấn cá các loại và 3 tạ ếch, thiệt hại lên đến 120 triệu đồng. Nhưng chưa dừng lại ở đó, màu nước lũ đục ngầu ấy sẽ còn đe doạ số phận của những con cá ít ỏi còn sót lại của gia đình ông.

Xót xa nhất, phải kể đến thiệt hại về tôm he chân trắng ở xã Cẩm Lĩnh. Toàn xã có tổng diện tích nuôi trồng 15 ha thì trận lụt vừa rồi đã cuốn trôi mất 11 ha. Tất cả diện tích này là của gia đình ông Trần Mạnh Duyên ở thôn 10. Tuy đây không phải là vùng cho sản lượng tôm cao của huyện nhưng nghề này đã tạo nguồn thu nhập cho nhiều lao động của địa phương. Đặc biệt, đầu năm 2009 giống tôm he chân trắng hứa hẹn nhiều thành công đã thúc đẩy nghề nuôi tôm ở Cẩm Lĩnh phát triển. Từ 4 ha nuôi trồng trong vụ 1 năm 2009, ông Duyên đã mạnh dạn tăng lên 11ha ở vụ 2 với trên 3 triệu con giống. với diện tích nuôi trồng này ông đã thuê 13 nhân công nuôi tôm trong vùng. Nhưng, trớ trêu thay khi chỉ còn mấy ngày nữa là đến mùa thu hoạch thì tai hoạ ập đến. Dẫu đã có hàng nghìn bao cát đắp thành hồ, rất nhiều tấm lưới bao quanh bảo vệ cũng không thể kháng cự lại những va đập của sóng biển. Chẳng mấy chốc 11 ha nuôi tôm của gia đình ông Duyên đã chìm trong biển nước. Bởi lẽ, khu vực nuôi tôm này nằm sát Cửa Nhượng, khi có gió lớn ở biển sẽ tạo ra những đợt sóng đập vỡ thành hồ. Mặt khác, đợt xả lũ hồ sông Rác và Kẽ Gỗ cộng thêm mưa lớn đã làm nước liên tục dâng cao. Mực nước lúc đỉnh điểm lên trên 1m, cô lập hoàn toàn một vùng rộng lớn.

Đống hoang tàn sau trận lụt mà chúng tôi được chứng kiến là những đoạn hồ sạt lở, nước chảy thành từng dòng; toàn bộ bao cát và tấm lưới đăng chắn đã bị vùi sâu trong cát; nhiều cống bị vỡ trầm trọng. Thậm chí có những hệ thống cống được xây dựng bằng bê tông, đá hộc cũng bị sóng đập vỡ tan tành. Tổng thiệt hại của đồng tôm do mưa bão gây ra là 1,3 tỷ đồng. Ông Duyên ngậm ngùi: “Lúc đầu, thành hồ chỉ bị thủng một vài chỗ nhỏ, về sau khi mưa lớn, chúng như cùng một lúc vỡ oà. Tôi cùng với những công nhân khác cố gắng cứu vãn nhưng không thể làm gì được. Nhìn tiền của và công sức của mình trôi ra biển mà xót xa. Rất mong sự quan tâm của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành ngân hàng tiếp tục cho vay vốn để sửa chữa, cải tạo hồ và đầu tư nuôi tiếp trong những vụ tới”. Vì cố gắng cứu hồ nên thiếu chút nữa thì tính mạng của họ cũng không giữ được nếu lực lượng cứu hộ của Ban chỉ huy quân sự huyện không kịp thời ứng cứu. Đồng tôm có thể cho năng suất 4- 5 tấn/ ha phút chốc đã không còn, chỉ còn lại nỗi âu lo trước những khoản tiền vay khổng lồ và 13 lao động trên đồng tôm chưa biết bấu víu vào đâu.

Tình hình thiệt hại về nuôi trồng thuỷ sản cũng diễn ra phổ biến ở các xã như Cẩm Phúc, Cẩm Lộc, Cẩm Trung,… Theo thống kê, toàn huyện có 214 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập lụt, ước tính thiệt hại lên đến 3,6 tỷ đồng, trong đó 180 tấn cá các loại, 34 tấn tôm. Qua thất bại này đã để lại bài học đắt giá cho những người nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Cẩm Xuyên. Họ cần thả giống và thu hoạch đúng mùa vụ để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, đặc biệt là nuôi trồng vụ 2 (từ tháng 6 đến 15-9 dương lịch), thời điểm thường có bão và lũ lụt. Để bà con ổn định sản xuất, phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên đã có những phương án thiết thực để khắc phục thiệt hại về nuôi trồng thuỷ sản. Trước mắt, huyện sẽ tiếp tục động viên bà con đầu tư nuôi lại cá vụ Đông, tập trung vào giống cá chép và cá trôi. Đồng thời, huyện cũng khuyến cáo người dân không nên nuôi tôm vụ này, bởi lẽ diễn biến thời tiết thất thường sẽ đe doạ sự an toàn của con tôm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast