Cẩm Xuyên: “Rình rập” dịch tai xanh ở lợn

Từng là nỗi đắng lòng của biết bao người dân Cẩm Xuyên hồi năm 2008, dịch tai xanh ở lợn tiếp tục là một mối đe doạ lớn đối với những người nuôi heo trong năm nay. Tỷ lệ tiêm phòng trong đợt I của toàn huyện đạt thấp cộng với tình hình vận chuyển, buôn bán diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát như hiện nay thì nguy cơ tái phát các loại bệnh dịch nguy hiểm chỉ còn là vấn đề thời gian…

Nhiều hộ chăn nuôi ở Cẩm Xuyên đang hoang mang vì dịch tai xanh ở lợn có nguy cơ tái phát
Nhiều hộ chăn nuôi ở Cẩm Xuyên đang hoang mang vì dịch tai xanh ở lợn có nguy cơ tái phát

Tính đến thời điểm này, 12 tỉnh, thành trên cả nước đã xuất hiện dịch tai xanh ở lợn, trong đó có Nghệ An, tỉnh giáp ranh với Hà Tĩnh. Mặc dù, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn trong tầm kiểm soát song với đặc điểm lây lan qua không khí thì tốc độ phát tán của nó sẽ cực nhanh và gây nguy hiểm lớn, nhất là đối với những địa phương có QL 1A đi qua như huyện Cẩm Xuyên. Ông Trần Hữu Duyêt, trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Thực tế, dịch tai xanh ở lợn là loại bệnh dịch làm giảm khả năng miễn dịch ở vật nuôi. Bởi vậy, mức độ nguy hiểm của nó không chỉ là tốc độ lây lan nhanh, phát tán rộng mà còn có khả năng làm bùng phát các loại dịch bệnh khác, gây thiệt hại lớn cho đàn lợn và người sản xuất. Do vậy, phòng chống hiệu quả dịch tai xanh chính là giảm thiểu nguy cơ xâm nhập của nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm cho đàn lợn”. Điều đáng nói, dẫu đã phải trả những cái quá giá đắt cho sự lơ là, hời hợt nhưng ý thức phòng dịch của người dân và trách nhiệm của cán bộ địa phương vẫn đang ở mức báo động. Theo báo cáo của huyện, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đợt I chỉ đạt xấp xỉ 50% so với kế hoạch. Riêng đối với lợn, kết quả lại càng trầm trọng hơn khi LMLM chỉ đạt 20%, THT 49,2% và dịch tả là 55,8%. Trong đó, có những địa phương tỷ lệ tiêm không đạt nổi 1/3 kế hoạch, chẳng hạn như: Thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Hưng, Cẩm Sơn, Cẩm Nhượng… Mặt khác, đến nay tập quán chăn nuôi gia súc (chủ yếu là lợn) theo hộ gia đình tại huyện Cẩm Xuyên vẫn chiếm tỷ lệ cao. Điều đó không chỉ làm hạn chế việc đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại để phù hợp với nền sản xuất theo hướng tập trung mà còn là môi trường phát tán dịch bệnh khi tốc độ chăn nuôi phát triển mạnh.

Đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là tình trạng mua bán, vận chuyển lợn của các tẩy lô trong vùng. Lợi dụng khe hở trong công tác quản lý, nhiều tư thương vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp cả sự an toàn của cộng đồng, tiến hành thu mua lợn nhiễm bệnh với giá rẻ về buôn bán tại địa phương. Đặc biệt, vào thời gian này khi dịch tai xanh xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Bắc, thịt lợn chưa qua kiểm dịch được “tuồn” đẩy vào miền Nam kéo theo thị trường thu mua, vận chuyển lợn trên địa bàn càng trở nên sôi động và nóng bỏng. Trong khi đó, đa số các xã vẫn chưa chủ động trong việc thành lập các tổ công tác để kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đấy là chưa kể đến một số lượng lớn lợn giống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được người dân thu mua tự do đang là một ẩn hoạ về mầm bệnh. Được biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 25 xe chở gia súc, gia cầm (ngày nhiều cũng phải lên đến 70 xe) qua địa phận huyện Cẩm Xuyên để vào Nam, đồng nghĩa với việc dịch bệnh này có thêm cơ hội “đổ bộ” vào địa phương.

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm huyện đã khẩn trương đưa ra những giải pháp cấp bách nhằm chủ động đón đầu dịch bệnh và hạn chế tối đa những thiệt hại mà chúng có thể gây ra. Ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch UBND huyện, trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm huyện nhận định: “Việc tái phát dịch lợn tai xanh ở địa phương là điều khó tránh khỏi. Do vậy, để phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, chúng tôi chủ trương thay đổi phương pháp hành động, đảm bảo tính linh hoạt, sẵn sàng đón đầu mọi bất trắc. Một mặt, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, cập nhật liên tục thông tin về dịch bệnh, đốc thúc quyết liệt tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, ưu tiên cho lợn. Mặt khác, kiện toàn và tăng cường hoạt động của BCĐ phòng chống dập dịch cấp cơ sở, xử lý nhanh ổ dịch. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm”.

Đến nay, 810 lít hoá chất đã được phân bổ về tận các địa phương, sẵn sàng công tác ứng cứu kịp thời. Dẫu vậy, để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến cam go này, hơn bao giờ hết sức mạnh cộng đồng cần được phát huy, bắt đầu từ tinh thần tự giác của người dân và sự nhập cuộc của chính quyền, lực lượng xã hội khác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast