Cẩm Xuyên tập trung khống chế dịch cúm gia cầm

Sau đợt lũ vừa qua, ở thôn 9, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) lại xuất hiện tình trạng vịt chết hàng loạt với những biểu hiện giống hệt dịch cúm gia cầm ở xã Cẩm Thành (xảy ra sau đợt lũ đầu tháng 10). Huyện Cẩm Xuyên cùng với ngành chuyên môn đã tập trung bao vây, dập dịch.

Gia đình chị Lê Thị Nhượng ở thôn 9, xã Cẩm Quang, bắt đầu nuôi 1.700 con vịt cách đây 3 tháng. Đến nay, khi đàn vịt bắt đầu đẻ cũng là lúc chị phát hiện chúng có những biểu hiện bất thường như: bỏ ăn, ủ rũ, cổ ngẻo ra sau, mờ mắt không xác định được hướng đi. Được một số người bán thuốc thú y tư vấn điều trị dịch tả nhưng đàn vịt vẫn chết nhiều nên chị đã báo với chính quyền xã.

Người dân xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) thu gom gia cầm chết (đợt dịch đầu tháng 10)
Người dân xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) thu gom gia cầm chết (đợt dịch đầu tháng 10)

Chị Nhượng bày tỏ: “Sau hai đợt lũ vừa rồi, cá và gà đều bị cuốn trôi cả. Bầy vịt còn sót lại là do rút kinh nghiệm từ đợt lụt đầu tiên. Tưởng công sức bỏ ra của hai vợ chồng được đền đáp ai ngờ nước vừa rút, chưa kịp dọn dẹp sửa soạn lại chuồng trại đã thấy vịt ốm và chết rất nhanh. Vừa nói, chị vừa gạt nước mắt khiến những người xung quanh không khỏi chạnh lòng".

Sau khi xem xét các biểu hiện lâm sàng cũng như xác định đàn vịt nằm trong vùng khống chế từ đợt dịch trước nên huyện đã quyết định tiêu hủy toàn bộ số vịt còn lại của gia đình này.

Không chỉ có gia đình chị Nhượng mà tại gia đình anh Nguyễn Văn Trí ở cùng thôn cũng đã xuất hiện tình trạng vịt chết hàng loạt. Đàn vịt này nuôi cùng thời điểm với gia đình chị Nhượng và cùng phát bệnh.

Nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên dù bầy vịt là tài sản lớn nhất còn sót lại của trang trại sau lũ nhưng gia đình chị Nhượng và anh Trí đã chủ động phối hợp để tiêu hủy. Chỉ tính riêng tiền giống và thức ăn mỗi hộ cũng mất ít nhất từ 75 đến 90 triệu đồng. Để tiêu hủy, bao vây dịch bệnh ngoài 2 tạ vôi của xã Cẩm Quang, trạm thú y huyện đã cấp 84 lít hóa chất Benkosit để phun tiêu độc khử trùng, cấp 12 bộ quần áo, 30 đôi găng tay và khẩu trang phục vụ cho công tác tiêu hủy. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết mưa ẩm nên công tác dập dịch bệnh gặp không ít khó khăn.

Ông Phạm Đào Tịnh – Trưởng trạm Thú y huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin báo của xã Cẩm Quang, chúng tôi đã về các gia đình xem xét biểu hiện của đàn vịt và tiến hành họp đội ngũ cán bộ xã, thôn để thống nhất phương án tiêu hủy cũng như triển khai các biện pháp bao vây, dập dịch. Dù đang tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt nhưng với mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên huyện rất tập trung, bám sát cơ sở khẩn trương khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên trong điều kiện môi trường ô nhiễm nghiêm trọng sau lũ lụt và thời tiết diễn biến phức tạp, người dân thì trắng tay sau lũ lụt nên thực sự công tác dập dịch gặp rất nhiều trở ngại”

Xác định mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đối với sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển đàn vật nuôi, cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, huyện Cẩm Xuyên đang nỗ lực khống chế dịch bệnh. Đến nay, toàn huyện đã tiêu hủy 3.700 con gia cầm có biểu hiện bị bệnh. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất sự lây lan người dân cần nêu cao ý thức hơn nữa, nhất là trong việc vệ sinh môi trường chuồng trại, chấp hành nhgiêm chỉnh quy định cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast