Can Lộc chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm của huyện Can Lộc đang an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện trở lại bệnh LMLM và cúm gia cầm tại một số địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận, Can Lộc đang bị uy hiếp do đây là điểm trung chuyển gia súc ra Bắc vào Nam.

Can Lộc cũng là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong hai đợt lũ vừa qua. Hệ quả sau lũ là môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng tạo điều kiện cho mầm bệnh nảy sinh và phát triển. Trong khi đó, hiện nay, hai loại bệnh nguy hiểm đe doạ đến sự an toàn của vật nuôi là LMLM ở trâu, bò và cúm gia cầm đã trở lại hoành hành tại 2 huyện: Cẩm Xuyên và Thạch Hà đã đẩy Can Lộc vào vùng bị uy hiếp.

Chủ động tiêm phòng giúp người dân huyện Can Lộc phòng chống được các dịch bệnh nguy hiểm
Chủ động tiêm phòng giúp người dân huyện Can Lộc phòng chống được các dịch bệnh nguy hiểm

Thêm vào đó, suốt gần nửa tháng, Hà Tĩnh liên tiếp gánh chịu sự hoành hành của lũ lụt, công tác bao vây ổ dịch và tiêm phòng định kỳ đợt II chậm so với kế hoạch, do vậy nguy cơ dịch bùng phát và lây lan là điều khó tránh khỏi. Cũng phải nói thêm rằng, dù đến nay tình hình dịch trên địa bàn huyện khá ổn định, số gia súc nhiễm bệnh LMLM đã qua 21 ngày và không có phát sinh thêm nhưng ổ dịch cũ vẫn đang lưu trú trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi thì rất nhiều khả năng có thể bùng phát trở lại. Đó là chưa kể, sau lũ nhiều người dân vì tiếc của nên đã đem bán những con gia súc bị chết để vớt vát lại chút ít, còn tư thương thì vì lợi nhuận trước mắt vẫn lợi dụng thời điểm giá cả leo thang để kiếm lời gấp mấy lần với số thịt trâu, bò này. Vô hình chung, số gia súc này đã trở thành một trong những tác nhân gây bệnh nguy hiểm, nhất là đối với con người.

Theo thống kê của Trạm Thú y huyện Can Lộc, đến thời điểm kết thúc đợt tiêm phòng đối với trâu bò, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên trâu, bò là: LMLM đạt 86%; THT 52%. Đối với lợn, tỷ lệ đạt 31,8% LMLM; 56,1% DTL và 30,2% THT. So với nhiều địa phương, Can Lộc là một trong những huyện tỷ lệ tiêm đạt khá cao, điển hình như một số xã: Thị trấn, Khánh Lộc, Mỹ Lộc, Vĩnh Lộc… Tuy vậy, nhìn vào biểu đồ tổng kết của huyện Can Lộc, một thực tế vẫn thường thấy như ở nhiều địa phương khác là tỷ lệ tiêm vắc xin trên đàn trâu, cao hơn trên đàn lợn. Có những nơi, tỷ lệ này hoàn toàn ngược chiều nhau, trong khi tỷ lệ tiêm trên trâu, bò đạt cao, thậm chí là vượt chỉ tiêu đề ra đến 15% thì tỷ lệ trên đàn lợn lại vẫn chỉ là 0%. Và tất nhiên, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra đối với số ít những con gia súc còn lại.

Liên quan đến tiêm phòng, ông Trần Văn Phúc, Trạm trưởng Trạm Thú y Can Lộc cho biết: “Sở dĩ có sự trái ngược như vậy là do thời gian xuất chuồng một lứa lợn ngắn hơn nhiều lần so với trâu, bò nên người dân vẫn có tâm lý chủ quan. Mặt khác, với vắc xin LMLM ở lợn thì chỉ yêu cầu tiêm trên đàn lợn nái mà thôi. Dẫu vậy, so với cùng kỳ năm ngoái thì tỷ lệ tiêm phòng trên đàn lợn năm nay cao hơn rất nhiều (năm 2009, LMLM đạt 9,5%; DT 50% và THT 0,3%)”.

Cũng theo ông, sở dĩ có được kết quả đó là nhờ vào công tác chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm ngay từ đầu chiến dịch của hệ thống chính trị huyện cùng với ngành chuyên môn. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ 100% văcxin DTL và THT trên đàn lợn của tỉnh đã giảm bớt được gánh nặng cho người dân. Do vậy, đã khuyến khích được tinh thần tự giác khai báo và đăng ký tiêm phòng dịch bệnh trên vật nuôi của bà con.

Tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp, cộng với tâm lý hoang mang do mất mát sau lũ của nông dân vẫn chưa lấy lại được cân bằng, do vậy huyện đã kịp thời bổ cứu các phương án chăm sóc, theo dõi vật nuôi để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh. Đến nay, 697 lít hoá chất Bencozit đã được cấp về tận các xã để tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Ngành còn cử cán bộ thú y xuống tận cơ sở để chỉ đạo bà con phương pháp tiêu huỷ súc vật chết; hướng cách chăm sóc, theo dõi vật nuôi sau lũ, đặc biệt chú trọng các bệnh về đường ruột, đảm bảo nguồn thức ăn không bị ôi thiu, đối với cỏ thì cần bứt và rửa sạch trước khi cho ăn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát và tiêm phòng bổ sung từ nay đến hết đợt. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát giết mổ trên địa bàn kết hợp với công tác kiểm tra vệ sinh thú y ở các chợ, nhằm ngăn chặn tối đa việc giết mổ và buôn bán gia súc chết. Tính đến hết tháng 10, trạm đã lập biên bản 8 trường hợp vi phạm và chỉ đạo cho tiêu huỷ kịp thời.

Thời điểm này, Can Lộc đã bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm phòng trên gia cầm. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của huyện và ngành chuyên môn, Can Lộc quyết tâm đạt kết quả cao trên đàn gia cầm, nhằm hạn chế mức thấp nhất khả năng xảy ra dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi cho nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast