Can Lộc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu các trà lúa vụ đông - xuân

Cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, bước vào vụ sản xuất đông – xuân 2009 – 2010, Can Lộc (Hà Tĩnh) có khá nhiều thuận lợi khi chương trình hành động thực hiện Nghị quyết “Tam nông” các cấp được triển khai mạnh mẽ, ngành NN&PTNT tỉnh đã có đề án xây dựng ban nông nghiệp xã, đặc biệt là nhận thức về sản xuất thâm canh và sản xuất hàng hóa của nhiều hộ dân ngày càng được nâng cao.

Cấy lúa Đông - Xuân. Ảnh: Internet

Theo ông Võ Văn Lượng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc, trên cơ sở phân tích khá kỹ tình hình thực tế của địa phương cũng như căn cứ vào quỹ đất hiện có, toàn huyện đặt chỉ tiêu gieo trồng 10.370 ha cây trồng các loại, trong đó: lúa 7.825 ha, lạc 980 ha, đậu xen lạc 500 ha, khoai lang 230 ha và rau màu các loại 335 ha, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi 235 ha. Trong chăn nuôi, đưa tổng đàn trâu bò lên 34 – 36 ngàn con, đàn lợn 79 ngàn con, đàn gia cầm – thủy cầm 750 ngàn con, đàn hươu 560 – 600 con. Về NTTS, thả nuôi 821 ha, trong đó: nuôi cá ao hồ trên 600 ha và nuôi cá ruộng lúa gần 220 ha. Nét mới trong vụ đông xuân này ở Can Lộc chính là địa phương dồn sức cho việc chuyển dịch cơ cấu các trà giống theo hướng giảm mạnh trà lúa xuân sớm (chủ yếu sử dụng giống IR1820) từ 49% xuống còn 20%, tăng trà lúa xuân trung từ 27,5% lên 50%, tăng trà lúa xuân muộn từ 23,5% lên 30%.

Theo đó, trong trà xuân sớm, chỉ sử dụng giống IR 1820 cây trung và cao, loại bỏ giống cây thấp, đặc biệt là không bố trí ở các chân ruộng chua đã qua nhiều vụ bị bệnh đỏ đuôi lươn; trong trà xuân trung tập trung vào các giống lúa thuần như: NX30, Xi23, CRO2, P290; trong trà xuân muộn, phấn đấu gieo trồng 800 ha lúa lai ở các xã vùng thâm canh với các giống chủ lực như: Q.ưu 1, Thụy hương 308 và các giống lúa thuần khác như: HT1, khang dân đột biến, TBR1, nếp 98, nếp 99. Liên quan đến giải pháp kỹ thuật, huyện vận động nhân dân thực hiện tốt chương trình “3 giảm 3 tăng”, đồng thời tích cực áp dụng mô hình hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI trên diện rộng. Để góp phần giảm thiểu áp lực trong đầu tư sản xuất cho bà con nông dân, Can Lộc quyết định hỗ trợ 20 ngàn đồng/kg lúa lai và 5 ngàn đồng/kg lúa thuần; hỗ trợ 50% giá ni lông che phủ mạ xuân trung, xuân muộn và cho cây lạc. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các địa phương trích thêm nguồn vốn từ quỹ khuyến nông để hỗ trợ thêm cho bà con nông dân trước tình hình giá lúa lai tăng đột biến (gần gấp đôi) so với vụ sản xuất cùng kỳ.

Khâu làm đất để cấy lúa giờ đây đã được cơ giới hóa. Ảnh: internet

Để chuẩn bị tốt cho vụ sản xuất chính trong năm 2010, thời gian qua, địa phương đã tổ chức nhiều lớp quán triệt đề án sản xuất, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho hơn 1.300 cán bộ chủ chốt ở thôn, xóm, đồng thời in ấn và phát hành 2 vạn tài liệu về quy trình sản xuất, lịch thời vụ cho các hô dân. Cùng đó, hưởng ứng chiến dịch ra quân làm giao thông – thủy lợi nội đồng theo tinh thần Chỉ thị 21 của UBND tỉnh, ngày 9 – 11, huyện tổ chức hội thi làm đất giỏi bằng máy cơ giới tại xã Vượng Lộc, đồng thời phát động nhân dân trong huyện ra quân làm giao thông – thủy lợi nội đồng. Sau gần một tháng triển khai phong trào, toàn huyện đã huy động 53 ngàn lượt người dân tham gia nạo vét 275 ngàn m3 đất, bồi trúc 35 ngàn m3 đất đá các loại, làm mới 13 ngàn m3 thuộc các tuyến đường giao thông và kênh mương nội đồng. Gắn với chiến dịch này, huyện đã kêu gọi nhân dân tham gia diệt chuột với số lượng trên 50 vạn con.

Theo thống kê của phòng NN&PTNT huyện, đến thời điểm này, toàn huyện đã làm đất đợt 1 đạt trên 60% diện tích và đang phấn đấu hoàn thành trước ngày 12 – 12. Để đảm bảo nước tưới phục vụ làm đất, từ giữa tháng 11, Công ty khai thác công trình thủy lợi Can Lộc đã tiến hành mở nước đợt 1 và đang chuẩn bị mở tiếp đợt 2; riêng một số diện tích cục bộ thuộc vùng trà sơn và vùng giữa còn gặp khó khăn do nguồn nước của hệ thống thủy nông Linh Cảm chưa điều tiết kịp, huyện chỉ đạo các địa phương yêu cầu bà con chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để khi có nước là tranh thủ làm ngay nhằm đảm bảo lịch thời vụ sản xuất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast