Cần quyết liệt hơn trong việc phòng trừ dịch lùn sọc đen hại lúa!

Tính đến ngày 4 - 8, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có trên 1.111 ha lúa hè thu nhiễm bệnh lùn sọc đen, cụ thể: Cẩm Xuyên 855,05 ha, Kỳ Anh 124,3 ha, thành phố Hà Tĩnh 37,25 ha, Can Lộc 35 ha, Lộc Hà 26,5 ha, Thạch Hà 20 ha, thị xã Hồng Lĩnh 8,25 ha, Đức Thọ 4,5 ha... Lãnh đạo cơ quan BVTV tỉnh nhận định, số diện tích nhiễm bệnh chưa dừng lại ở đây mà sẽ còn tăng do các địa phương chưa thể thống kê tuyệt đối diện tích bị bệnh ở cơ sở.

Liên quan đến công tác chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh nguy hiểm này, thời gian qua, cùng với tiến hành công bố dịch, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập BCĐ tỉnh về phòng chống dịch bệnh lùn sọc đen, Sở NN&PTNT đã thành lập 6 tổ công tác quy tụ đội ngũ kỹ thuật đầu ngành để trực tiếp về các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng trừ.

Lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh chỉ đạo công tác phòng trừ dịch lùn sọc đen tại Câmr Xuyên
Lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh chỉ đạo công tác phòng trừ dịch lùn sọc đen tại Câmr Xuyên

Chi cục BVTV cũng đã tiến hành mở các lớp tập huấn kiến thức phòng trừ dịch bệnh và các biện pháp thống kê, tiêu hủy lúa cho đội ngũ cán bộ xã, bí thư, thôn trưởng các xóm thuộc các xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) và Kỳ Xuân (Kỳ Anh).

Kỹ sư Lê Anh Ngọc - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết thêm, nhận thức bệnh lùn sọc đen không chỉ gây hại trong vụ hè thu này mà còn ẩn chứa mầm bệnh để bùng phát trong vụ sản xuất tiếp theo, nhất là vụ đông xuân 2010 - 2011, những ngày qua, các địa phương có diện tích nhiễm bệnh lớn đã ráo riết triển khai các biện pháp phòng trừ. Riêng huyện Cẩm Xuyên - địa phương có diện tích nhiễm bệnh sớm nhất và nhiều nhất tỉnh đã tiến hành tiêu hủy 10 ha lúa tại xã Cẩm Lạc và thị trấn Cẩm Xuyên. Cùng đó, Cẩm Xuyên cũng đang tích cực chỉ đạo các xã thống kê, phân loại mức độ nhiễm trên các thửa ruộng bị bệnh để "trảm" lúa theo tinh thần "không làm quá diện tích bị bệnh nhưng cũng không để sót đối tượng nhiễm bệnh".

Tuy nhiên, bệnh cạnh một số địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ dịch thì cũng còn không ít địa phương chưa mạnh tay với dịch bệnh nguy hiểm này.

Do BCĐ huyện chưa quán triệt một cách bài bản về tính chất, mức độ gây hại cũng như biện pháp phòng trừ nên nhiều xã đang có biểu hiện lơ là, còn cán bộ cốt cán ở cơ sở thì đang lơ mơ với dịch.

Nếu không quyết liệt dập dịch kịp thời thì không chỉ gây tốn kém cho nhân dân (do còn nặng tư tưởng "còn nước còn tát" nên sẽ tiếp tục phun các loại thuốc hóa học để cứu lúa) mà nguy cơ tái dịch trong vụ sản xuất tiếp theo cũng cao hơn.

Để tiêu diệt mầm bệnh tại gốc, tránh lây lan sang vụ sản xuất liền kề, ngành BVTV khuyến nghị, đối với những ruộng nhiễm bệnh mà đang có rầy thì phải tiến hành phun thuốc hóa học diệt trừ rầy trước, sau từ 3 - 5 ngày kể từ khi phun mới tiến hành cắt lúa, sau đó tiến hành cày vùi và bón vôi tiêu độc.

Lúa được cắt bỏ từ những ruộng nhiễm bệnh, nếu chưa phun thuốc hóa học thì có thể đưa về sử dụng làm thức ăn cho trâu bò; nếu đã phun thuốc hóa học thì chỉ còn cách phơi khô rồi đốt.

Những diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen trong vụ hè thu này buộc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ sản xuất tiếp theo, đối tượng sản xuất thay thế chỉ có thể là khoai hoặc rau màu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast