Căng thẳng nguồn nước phục vụ sản xuất hè thu ở Can Lộc

Cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, Can Lộc bước vào vụ hè thu với nhiều khó khăn về nguồn nước sản xuất do lượng mưa trong các tháng của mùa mưa năm 2009 đạt thấp, lượng mưa từ đầu năm 2010 đến nay thiếu hụt nhiều so với cùng kỳ và trung bình nhiều năm. Tiết kiệm tối đa nguồn nước hiện có kết hợp với chủ động chống hạn và lên phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng có nguy cơ thiếu nước là những việc cần làm ngay ở địa phương này.

Hồ Vực Trống (xã Thượng Lộc) là một trong 3 công trình thủy lợi lớn trên tổng số 7 hồ, đập do Công ty KTCTTL Can Lộc quản lý. Với dung tích thiết kế 13 triệu m3, công trình này có nhiệm vụ tưới cho 635 ha cây trồng và 92 ha NTTS thuộc địa bàn 4 xã: Thượng Lộc, Nhân Lộc, Phú Lộc và Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, vào thời điểm này, mực nước trong hồ chỉ còn 2,9 triệu m3, bằng 22,3% so với thiết kế. Nếu không có mưa tiểu mãn (với lượng mưa 200mm) và các tháng 6, 7 không mưa hoặc mưa với lượng thấp thì công trình chỉ đảm bảo tưới cho 300 ha, hơn 300 ha còn lại buộc phải lên phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sự thiếu hụt nguồn nước ở hồ Vực Trống sẽ đẩy hàng trăm ha đất nông nghiệp phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Sự thiếu hụt nguồn nước ở hồ Vực Trống sẽ đẩy hàng trăm ha đất nông nghiệp phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Có cùng dung tích thiết kế với hồ Vực Trống nhưng hồ Cu Lây - Trường Lão lại có phần dư dật hơn khi lượng nước trong hồ hiện còn 4,9 triệu m3, bằng 37,7% so với thiết kế. Qua cân đối của đơn vị quản lý công trình, lượng nước cần tưới cho cả vụ là 6,93 triệu m3 nên hồ chứa này đang cần thêm 3 triệu m3 để tưới cho 337 còn thiếu trong tổng số 770 ha mà đơn vị đã ký hợp đồng với các xã Phúc Lộc, Tùng Lộc, Hồng Lộc.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty KTCTTL Can Lộc, vụ hè thu này, đơn vị dự kiến tưới cho 8.258 ha lúa hè thu, 100 ha lúa mùa và 758 ha NTTS thuộc địa bàn các huyện Can Lộc, một phần Thạch Hà và Lộc Hà, trong đó diện tích tưới ổn định đạt 3.449 ha, tưới không ổn định 282 ha, tưới tạo nguồn 4.500 ha. Do nguồn nước ở các hồ, đập, sông suối trên địa bàn từ cuối năm 2009 đến nay đạt thấp nên ngay từ vụ đông xuân 2009 - 2010, công ty đã có kế hoạch tích trữ nước ở các hồ, đập, thay vào đó là tranh thủ bơm nước trên các sông suối khi mực nước còn cao. Công ty cũng yêu cầu các cụm, trạm mở tưới theo hướng khoa học, hợp lý nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước để dành cho vụ hè thu. Mặc dù đã chủ động cân đối nước từ đầu năm nhưng do lượng mưa quá thấp nên một số vùng tưới sẽ căng thẳng về nguồn nước, đặc biệt là phần diện tích thuộc các hồ VựcTrống, Khe Hao.

Trước tình hình này, công ty đã tiến hành xây dựng quy trình tưới, họp hội đồng hệ thống công trình để thống nhất lịch tưới, đồng thời vận động bà con đắp bờ giữ nước tại chân ruộng khi thu hoạch lúa đông xuân để ruộng liền bùn thuận tiện cho việc làm đất nhằm tránh phải bơm thêm một lần nước.

Phương pháp tưới mà công ty đặt ra là "Xa trước, gần sau; cao trước, thấp sau". Đối với các hồ chứa, nếu lượng nước đầu nguồn không đủ để tưới đồng loạt thì tiến hành tưới luân phiên; trường hợp hồ ở mực nước chết mà vẫn phải mở để chống hạn thì các cụm, trạm quản lý phải kịp thời báo cáo để công ty có kế hoạch trình Sở NN&PTNT phê duyệt. Cùng đó, các cụm, trạm quản lý cống ngăn mặn - giữ ngọt phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra nồng độ mặn để có kế hoạch đóng - mở cống hợp lý.

Ngoài các biện pháp quản lý, công ty đã tiến hành các biện pháp công trình như: sửa chữa, nạo vét các tuyến kênh đảm bảo mặt cắt thiết kế để hạn chế sự thẩm thấu, rò rỉ nước; bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, đường dây tải điện của các trạm bơm, nạo vét trục dẫn, kênh dẫn để đảm bảo lưu lượng chảy theo công suất thiết kế; bảo dưỡng các cống điều tiết nước trên hệ thống kênh trục sông Nghèn, quan trắc hệ thống cánh đóng mở tự động của cống Đò Điệm.

Công ty cũng đã lên giải pháp đối phó với sự thiếu hụt nguồn cho từng công trình thủy lợi cụ thể. Theo đó, một nửa diện tích thuộc hồ Vực Trống và hồ Khe Hao cần tính đến phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Hồ Cu Lây sẽ được bổ sung nước từ trạm bơm Cầu Cao; Hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu sẽ chia 4 triệu m3 trong tổng số 12,2 triệu hiện có để bổ sung cho sông Già, sông Ba Nái khi cốt nước ở Cầu Già xuống mức +0,4m; Hồ Đồng Hố sẽ được bổ sung 1,8 triệu m3 từ trạm bơm Cầu Cao ngay từ đầu vụ nhưng phải phân chia cụ thể vùng tưới thuộc hồ Đồng Hố, vùng thuộc trạm bơm Cầu Cao để điều hành nước phù hợp.

Đối mặt với hạn hán không còn là những dự báo xa mà đang đến rất gần với nhiều diện tích cây trồng tỉnh ta nói chung, các vùng tưới thuộc hệ thống công trình do Công ty KTCTTL Can Lộc quản lý.

Trước khó khăn hoàn toàn mang tính khách quan này, đề nghị chính quyền các huyện nằm trong vùng tưới cần chủ động hỗ trợ kinh phí để đơn vị khai thác công trình thủy lợi mua một số máy bơm dầu, sửa chữa các thiết bị ở các trạm bơm điện để phục vụ công tác chống hạn, đồng thời cần chỉ đạo các xã củng cố các tổ chức thủy nông cơ sở để phân phối, điều tiết, dẫn nước vào từng thửa ruộng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thoát nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast