Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh: Góp phần thúc đẩy phát triển ngành kinh tế hàng hải

Là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải trên địa bàn, những năm qua, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh không chỉ nỗ lực cho những chuyến tàu cập bến, ra khơi an toàn mà còn phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường pháp chế, giữ vững kỷ cương pháp luật về hàng hải nhằm đảm bảo trật tự, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển trong khu vực.

Tỉnh ta có hơn 137 km chiều dài bờ biển, trải từ Cửa Hội đến Đèo Ngang với 4 cửa sông đổ ra biển, đặc biệt là vịnh Sơn Dương - Vũng Áng có độ sâu tự nhiên lớn, kín gió và gần các tuyến giao thông huyết mạch. Đó là những tiềm năng tự nhiên cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế hàng hải nói riêng.

Tàu vào "ăn" hàng tại Cảng Vũng Áng
Tàu vào "ăn" hàng tại Cảng Vũng Áng

Từ khi cảng biển nước sâu Vũng Áng đi vào hoạt động (năm 2001) đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành kinh tế hàng hải Hà Tĩnh.

Kinh tế hàng hải là ngành kinh tế có vai trò, tiềm năng lớn nhưng cũng là ngành kinh tế còn non trẻ của Hà Tĩnh nên nhận thức của đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là ngư dân về tầm quan trọng và các quy định của pháp luật hàng hải còn nhiều hạn chế.

Xác định công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về hàng hải là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, những năm qua, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9 - 12 - 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Cảng vụ thường xuyên, liên tục triển khai công tác tuyên truyền pháp luật, lồng ghép công tác tuyên truyền với việc thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn hàng ngày. Thông qua các hội nghị, hội thi tuyên truyền pháp luật đến các đối tượng liên quan đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, làm cơ sở cho việc đảm bảo trật tự giao thông hàng hải.

Ông Vương Bình Minh - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết, chưa bằng lòng với những kết quả đạt được trong những năm qua nên kể từ năm 2010 này, đơn vị đã chủ động xây dựng một kế hoạch dài hơi và đứng ra chủ trì các hội nghị tuyên truyền pháp luật hàng hải tại các vùng cửa biển.

Theo đó, hưởng ứng tháng an toàn giao thông năm 2010, Cảng vụ đã chọn khu vực Cửa Sót - một trong những cửa biển có lượng tàu neo đậu khá nhiều - để phổ biến pháp luật hàng hải cho bà con ngư dân các xã Thạch Kim, Thạch Bằng và các chủ tàu đến từ các tỉnh bạn có tàu đang neo đậu ở Cửa Sót.

Hội nghị lần này đã tập trung giới thiệu một số quy định pháp luật hàng hải có liên quan đến phương tiện và hoạt động đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân như: Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, Nghị định 71/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, Nghị định 62/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, các nội quy cảng biển thuộc địa phận Hà Tĩnh; Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (các khái niệm cơ bản về nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế); Thông báo hàng hải về thiết lập báo hiệu, độ sâu luồng khu tránh trú bão Cửa Sót; Giới thiệu các khu neo đậu, tránh trú bão tàu cá ở Hà Tĩnh.

Đặc biệt hơn cả là tại hội nghị này, đông đảo bà con ngư dân đã được nghe đại diện Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam khái quát về tổ chức và thực tiễn hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam; một số quy định pháp luật liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông trên biển; hệ thống đài thông tin huyên hải Việt Nam; tổ chức hoạt động tìm kiếm cứu nạn khi gặp tai nạn, sự cố trên biển.

Theo ông Nguyễn Hữu Phương - Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, việc đảm bảo an toàn tối đa cho người và phương tiện tham gia hoạt động trên biển là yếu tố quan trọng trong việc góp phần đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để làm được điều này, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực đáp ứng nhu cầu của ngành chủ quản và chính quyền địa phương thì việc nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp, quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông trên biển để phòng tránh, hạn chế các tai nạn của những người trực tiếp hay gián tiếp tham gia hoạt động trên biển là rất cần thiết.

Đối với bà con ngư dân, việc chấp hành các quy định pháp luật trong đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện, trang bị các công cụ thông tin liên lạc, dụng cụ cứu nạn trước những chuyến ra khơi là rất quan trọng.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của hệ thống cảng biển, nghề khai thác thủy, hải sản đang góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế biển và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Việc nắm vững kiến thức pháp luật hàng hải là hành trang vững chắc để ngư dân làm chủ và góp phần bảo vệ vùng biển quê hương, đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast