Cấp giấy chứng nhận QSDĐ: Còn nhiều vướng mắc.

Luật Đất đai năm 2003 ra đời đã xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý. Để đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý đất đai thì công tác lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đặt lên hàng đầu. Mặc dù, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền quan tâm nhưng tiến độ vẫn còn chậm và tồn tại những khó khăn, vướng mắc.

Thực trạng

Can Lộc là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về công tác chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2. Nhờ đó, việc triển khai đo vẽ bản đồ (bắt đầu từ tháng 6-2009) gặp nhiều thuận lợi và đạt kết quả cao. Đến nay, có 23/23 xã, thị trấn đã đo, vẽ xong bản đồ địa chính với diện tích trên 23.400 ha đất nông nghiệp, đất ở và các loại đất khác (đạt 100% kế hoạch). Theo kế hoạch chỉ đạo của huyện, trong năm 2011 phải cơ bản hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ cho 23/23 xã, thị trấn nhưng đến nay mới có 9/23 xã, thị trấn có hồ sơ đăng ký và đang chuẩn bị ký GCNQSDĐ, còn 15 xã đang lập hồ sơ và tổ chức xét duyệt, chưa có hồ sơ trình ký cấp GCNQSDĐ.

Nhờ sớm hoàn thành chuyển đổi ruộng đất, nên Can Lộc gặp nhiều thuận lợi trong việc triển khai đo vẽ bản đồ và đạt kết quả cao

Nhờ sớm hoàn thành chuyển đổi ruộng đất, nên Can Lộc gặp nhiều thuận lợi trong việc triển khai đo vẽ bản đồ và đạt kết quả cao

Ông Nguyễn Văn Lâm – Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc cho biết: “Công tác đo vẽ bản đồ trên địa bàn huyện đến nay đã hoàn thành, song, so với kế hoạch vẫn chậm. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do các xã chưa tập trung cao độ trong công tác chỉ đạo, xét duyệt hồ sơ. Một số xã chưa tập trung chỉ đạo quá trình đo đạc kê khai ruộng đất, xác định ranh giới thửa đất, tổ chức cho nhân dân kê khai nhận ruộng, vườn mà phó mặc cho cán bộ xóm. Mặt khác, một số đơn vị tư vấn chưa tập trung phối hợp với xã trong việc đo đạc bản đồ, chưa quan tâm đến việc lập hồ sơ, lồng ghép quy trình đo đạc bản đồ với cấp giấy chứng nhận…”.

Cẩm Xuyên cũng là một trong những địa phương trong quá trình thực hiện đo đạc gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ chậm, chưa đảm bảo kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, tháng 6-2011 phải hoàn thành đo vẽ bản đồ và tháng 12-2011 phải cơ bản hoàn thành việc kê khai, cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, đến nay, công tác đo, vẽ bản đồ đất nông nghiệp và đất ở mới đạt 85%; công tác cấp GCNQSDĐ các loại mới đạt 20%.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, thời gian qua, việc cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức và đất ở hộ gia đình vùng đô thị đạt kết quả khá cao, từ 80-95%. Trong khi đó, việc cấp GCNQSDĐ đối với đất ở vùng nông thôn, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, HTX… còn khá nhiều vướng mắc và kết quả thấp. Cụ thể, đất ở vùng nông thôn mới cấp được 202.695/297.225 hộ, đạt 68,2%; đất lâm nghiệp đã cấp được 7.467/13.999 hộ, đạt 53,49%; đất HTX: đã cấp 5/127 HTX, đạt 4%; đất trang trại đã cấp 44/685, đạt 6,5%. Đặc biệt, sau khi chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2, việc cấp GCNQSDĐ đối với đất sản xuất nông nghiệp đạt kết quả rất thấp, chỉ đạt gần 16% số hộ (35.179/234.310 hộ) và 17% diện tích.

Ông Nguyễn Cao Sâm – Trưởng phòng Thống kê, Sở TN&MT, cho biết: “Những tồn tại, vướng mắc trong việc cấp GCNQSDĐ trong thời gian qua do các nguyên nhân chính, như: hồ sơ tài liệu bản đồ phục vụ cấp GCN vừa thiếu vừa biến động; giấy tờ pháp lý về QSDĐ của người sử dụng đất đang còn nhiều bất cập, không rõ ràng; kinh phí cấp giấy hạn hẹp, nhận thức của một bộ phận người dân về QSDĐ chưa cao…”.

Việc chậm cấp GCNQSDĐ sẽ gây khó khăn cho người dân trong sản xuất, kinh doanh

Việc chậm cấp GCNQSDĐ sẽ gây khó khăn cho người dân trong sản xuất, kinh doanh

Theo ông Sâm, yêu cầu của việc cấp GCNQSDĐ phải đảm bảo độ chính xác về diện tích, kích thước các cạnh, ranh giới sử dụng đất ở ngoài thực địa và phải phù hợp với bản đồ. Nhưng thực tế hiện nay tài liệu phục vụ cho công tác cấp GCNQSDĐ nông nghiệp, đất ở mới chỉ đạt gần 28% (73/262 xã đã có bản đồ đo đạc địa chính chính quy). Các xã còn lại đang dùng bản đồ đo đạc từ năm 1982-1985 đã biến động nhiều so với thực tế, do đó không thể cấp GCN trên loại bản đồ này. Ngoài ra, có 55 xã đã có bản đồ đo đạc chính quy dạng số (bản đồ đo đạc theo Quyết định 371/QĐ-UB) cũng đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, khi đưa vào sử dụng cấp GCN cần phải chỉnh lý nên cũng đã làm chậm tiến độ thực hiện.

Bên cạnh đó, giấy tờ pháp lý về QSDĐ của người sử dụng đất đang còn nhiều bất cập, một số thông tin ghi trên giấy tờ không rõ ràng; mặt khác, việc đăng ký biến động về QSDĐ chưa được người sử dụng đất và chính quyền địa phương quan tâm thực hiện nên khi cấp GCNQSDĐ cần phải có thời gian xác định nguồn gốc sử dụng đất, xác định các thông tin liên quan đến thửa đất.

Theo quy định của Chính phủ, hàng năm các địa phương phải bố trí tối thiểu 10% số tiền thu được từ tiền sử dụng đất để đầu tư cho công tác cấp GCN. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương chưa bố trí nên thiếu kinh phí phục vụ cấp GCNQSDĐ.

… và giải pháp

Theo ông Võ Tá Đinh – Giám đốc Sở TN&MT, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp GCNQSDĐ trước hết cần tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật đất đai bằng nhiều kênh thông tin để người dân nắm bắt chủ trương và thực hiện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo ở cơ sở nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc cấp GCNQSDĐ; nội dung cải cách tập trung vào việc quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã và các cơ quan tham mưu ở cấp huyện, cấp tỉnh; quy định thời gian giải quyết hồ sơ ở mỗi cấp; quy định mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã trong việc thẩm định hồ sơ.

Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT và chỉ đạo của UBND tỉnh thì việc đo đạc thành lập bản đồ địa chính ở các xã phải gắn liền với việc cấp GCNQSDĐ. Nhưng thực tế, do kinh phí cho việc cấp GCNQSDĐ còn hạn hẹp nên các đơn vị tư vấn không thể kham nổi. Vì vậy, các địa phương cần có sự điều chỉnh đơn giá cấp GCNQSDĐ phù hợp với đơn giá mới theo quy định hiện hành.

Công tác lập hồ sơ và cấp GCNQSDĐ không chỉ đảm bảo sự thống nhất quản lý mà còn bảo đảm các quyền lợi và nghĩa vụ cho người sử dụng, giúp cho người sử dụng đất yên tâm đầu tư, sản xuất, xây dựng các công trình, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; bảo đảm công bằng, minh bạch trong các quan hệ về sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Tiếng nói người trong cuộc

"Nhiều giải pháp tăng cường đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ" - Ông Bùi Huy Tam – Chủ tịch UBND huyện Can Lộc

Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho nhân dân, huyện Can Lộc đã có quyết định điều động cán bộ, công chức thuộc UBND huyện về tăng cường chỉ đạo, đôn đốc công tác cấp GCNQSDĐ tại các xã, thị trấn. Giao UBND các xã, thị trấn trích kinh phí trả cho đơn vị tư vấn thực hiện theo hợp đồng cấp GCNQSDĐ. Đồng thời xây dựng kế hoạch thu ngân sách đối với người sử dụng đất khi được cấp GCNQSDĐ. Các cán bộ huyện chỉ đạo cơ sở, các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để đến ngày 31-12-2011 hoàn thành 80% cấp GCNQSDĐ nông nghiệp và 7 xã về đất ở.

"Chưa có GCNQSDĐ, người dân khó vay vốn và không yên tâm sản xuất" - Anh Nguyễn Tất Thắng – Chủ nhiệm HTX chăn nuôi tổng hợp Quyết Tiến (Thạch Thắng - Thạch Hà)

GCNQSDĐ là “bảo bối” đối với người dân, đặc biệt là những người có trang trại và đang sản xuất kinh doanh như chúng tôi. Để có được một trang trại chăn nuôi tổng hợp qui mô và hiệu quả với tổng thu nhập 650-700 triệu đồng/năm, chúng tôi đã đầu tư khá nhiều công sức và tiền bạc. Để tăng qui mô chăn nuôi, chúng tôi rất cần vay thêm vốn. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp (GCNQSDĐ) nên các ngân hàng rất ngại cho vay. Ngoài việc dùng để thế chấp khi vay vốn tại các ngân hàng, thì đây còn là điều kiện pháp lý đảm bảo để chúng tôi yên tâm đầu tư sản xuất.

"Cần bố trí đủ cán bộ chuyên trách để giải quyết nhanh thủ tục cấp GCNQSDĐ" - Ông Nguyễn Văn Trung – Trưởng phòng TN&MT huyện Cẩm Xuyên

Do số lượng cán bộ chuyên trách mảng địa chính còn thiếu (cấp xã mới có 1 người, cấp huyện 7 người) trong khi khối lượng công việc rất lớn, thời gian giải quyết, thẩm định hồ sơ đòi hỏi chính xác, nhanh chóng, vì vậy, bên cạnh việc bố trí, phân công hợp lý số lượng cán bộ hiện có theo các chức năng, nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh, huyện cần bổ sung thêm lực lượng cán bộ chuyên trách để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast