Cắt giảm nguồn trái phiếu Chính phủ: Cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều... bí!

Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, vấn đề cắt giảm đầu tư công được ưu tiên hàng đầu; trong đó, việc cắt giảm nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) không là ngoại lệ. Tuy nhiên, thực tiễn của vấn đề này đã làm không ít địa phương, đơn vị rơi vào tình thế khó khăn, bế tắc khi nhiều dự án có nguy cơ bị đình trệ, bị chậm tiến độ do thiếu nguồn.

Tuyến tỉnh lộ 9, nối TP Hà Tĩnh với huyện Lộc Hà, được khởi công xây dựng từ năm 2008 với tổng kinh phí đầu tư trên 320 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP. Sau hơn 3 năm triển khai, số tiền được cấp để thực hiện dự án mới chỉ vỏn vẹn 60 tỷ đồng. Năm 2011, do việc cắt giảm đầu tư từ nguồn TPCP, công trình chỉ được ghi thêm hơn 20 tỷ đồng (chủ yếu để trả tiền đền bù, GPMB).

Việc đầu tư nguồn vốn nhỏ giọt làm cho các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng tiếp tục siết chặt việc cho vay, nhiều đơn vị không thể tiếp tục triển khai dự án, một số đơn vị chỉ triển khai cầm chừng. Tiến độ thi công tuyến đường vốn đã chậm, nay lại càng chậm hơn.

Theo tính toán của chủ đầu tư, với việc cắt giảm nguồn vốn như hiện nay, phải mất 15 năm nữa Dự án nâng cấp tỉnh lộ 9 mới hoàn thành
Theo tính toán của chủ đầu tư, với việc cắt giảm nguồn vốn như hiện nay, phải mất 15 năm nữa Dự án nâng cấp tỉnh lộ 9 mới hoàn thành

Anh Phạm Văn Việt, Công ty TNHH Xây dựng Hà Thành, cho biết: “Đơn vị đã cam kết với chủ đầu tư là sẽ đầu tư vốn để xây dựng công trình sau khi hoàn thành mới thanh toán. Vì thế, trong năm 2010, đơn vị đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng gói thầu (3,5/6 tỷ đồng). Tuy nhiên, sang năm 2011, do ngân hàng xiết chặt việc cho vay nên đơn vị rất khó xoay xở nguồn vốn để tiếp tục thi công. Hơn nữa, chủ đầu tư cũng không có nguồn để giải ngân nhằm san sẻ gánh nặng cho nhà thầu, do đó, việc đẩy nhanh tiến độ như đã cam kết với chủ đầu tư đến thời điểm này là không thể thực hiện”.

Việc đầu tư nguồn vốn một cách nhỏ giọt và ngày càng ít đi không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án mà còn ảnh hưởng đến chất lượng, gây chênh lệch lớn trong tổng mức đầu tư. Theo tính toán của chủ đầu tư, với việc cắt giảm nguồn vốn như hiện nay, phải mất 15 năm nữa công trình mới có thể hoàn thành.

Hiện nay, nhiều đơn vị, địa phương thực sự rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi Chính phủ cắt giảm nguồn vốn TPCP. Đối với những công trình chưa khởi công xây dựng có thể còn dừng lại nhưng đối với những công trình đã khởi công xây dựng thì không thể dừng lại được. Đầu tư tiếp thì các địa phương không đủ tiền, dừng lại thì gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình. Đối với những công trình như: đường giao thông, công trình phòng chống thiên tai lũ lụt, nếu triển khai chậm, triển khai không đồng bộ thì những hệ lụy mà nó mang lại càng lớn hơn.

Đối với những địa phương có nguồn thu ngân sách cao thì còn có điều kiện để tiếp tục đầu tư xây dựng và đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhưng đối với nhiều địa phương còn khó khăn, trong khi các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn TPCP trên địa bàn lại nhiều, thì việc tìm nguồn để xây dựng trở nên khó khăn hơn. Một số huyện như Lộc Hà, Kỳ Anh, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội đang trở nên cấp thiết, thì việc cắt giảm, hay giãn kinh phí đầu tư sẽ làm cho các địa phương này khó khăn về nhiều mặt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn cho biết: Lộc Hà là huyện mới thành lập nên việc đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn là hết sức cần thiết. Trong những năm qua, huyện đã đầu tư nhiều công trình như nhà làm việc, bệnh viện, đường giao thông cho nên cần một nguồn vốn rất lớn. Tỉnh lộ 9 là tuyến đường huyết mạch, vì thế, huyện đặc biệt quan tâm và đã tập trung xin được nguồn TPCP để đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, công trình được triển khai đúng vào thời điểm Chính phủ có nghị quyết điều chỉnh nguồn trái phiếu nên việc bố trí vốn trong năm 2011 gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng này, huyện Lộc Hà đã có nhiều cuộc làm việc nhằm động viên các nhà thầu cố gắng huy động nguồn lực để triển khai thi công, nhưng xem ra các nhà thầu cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề tài chính; bởi lẽ, thời điểm này, các ngân hàng đều tạm ngừng cho vay, hoặc là có cho vay thì mức lãi rất cao (20%/năm).

Ông Phạm Văn Dũng - Trưởng ban quản lý các dự án huyện Kỳ Anh cho biết: Đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như huyện Kỳ Anh, việc cắt giảm nguồn vốn TPCP sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn, trong đó đáng chú ý là các công trình trọng điểm như bệnh viện, đường cứu hộ - cứu nạn Kim Sơn...

Theo số liệu từ Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, năm 2011, nguồn TPCP đầu tư trên địa bàn tỉnh bị cắt giảm gần 1/4 so với năm 2010. Không chỉ bị cắt giảm, số tiền đầu tư vào các công trình cũng được ghi vốn rất nhỏ giọt. Điều đó làm cho các công trình, dự án đứng trước nguy cơ bị đình trệ, bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng. Nếu thời điểm này, các đơn vị, địa phương triển khai nguồn vốn thiếu linh hoạt, và đầu tư dàn trải, thì hệ lụy của nó sẽ rất khó dự đoán.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast