Chấm dứt tình trạng khai thác lâm sản trái phép ở Hương Lâm

Đó là mục tiêu mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ đặt ra cho chính quyền huyện Hương Khê, xã Hương Lâm, Công ty Lâm nghiệp - dịch vụ Chúc A và ngành chức năng (kiểm lâm và công an các cấp) trước tình trạng khai thác và tàng trữ lâm sản trái phép đang gia tăng trên địa bàn xã Hương Lâm.

Hương Lâm là xã vùng cao biên giới phía tây nam của Hương Khê, có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 15.665ha, trong đó Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A quản lý sử dụng 14.350ha.

Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ và ngành chức năng kiểm tra việc tập kết lâm sản trái phép ở Hương Lâm
Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ và ngành chức năng kiểm tra việc tập kết lâm sản trái phép ở Hương Lâm

Dân số đông (6.300 người) trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp quá ít (200ha) nên người dân chủ yếu sống dựa vào rừng. Việc khai thác, cất giữ lâm sản trái phép đã trở thành phổ biến và đang là vấn nạn khó giải quyết dù ngành chức năng và chính quyền xã đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét.

Ngoài nguyên nhân thiếu đất sản xuất dẫn tới thiếu việc làm, còn do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu, vai trò của chủ rừng và ngành chức năng chưa thể hiện đúng chức trách, đặc biệt là việc phòng chống khai thác lâm sản tận gốc lẫn kiểm soát trên các tuyến đường vận chuyển còn bị buông lỏng. Bên cạnh đó, chủ trương xin khai thác gỗ làm nhà ở của dân cũng đang bị không ít hộ lợi dụng để tàn phá rừng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ, giải pháp cho thực trạng này là chính quyền xã cần tiến hành xây dựng đề án phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân trong vùng, đồng thời phối hợp với chủ rừng soát xét nhu cầu, trữ lượng gỗ đang cất giữ để chủ động kiểm soát và tránh phát sinh thêm.

UBND huyện cần chỉ đạo ngành chức năng sớm thu hồi xe công nông để đảm bảo giao thông cũng chính là chặn đứng loại phương tiện hữu dụng để vận chuyển lâm sản trái phép ra khỏi địa bàn; xử lý triệt để các vụ khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn; xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ rừng giữa các lực lượng liên quan.

Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A triển khai các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, đồng thời tính toán việc chuyển đổi sản xuất trước yêu cầu cần phải giảm khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường lực lượng cho huyện để truy quét và kiểm tra, giám sát việc bảo vệ rừng trên địa bàn Hương Lâm và các vùng trọng điểm ở Hương Khê.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast